Bằng cách liên tục nhấn mạnh lập trường "không tìm kiếm xung đột ở Trung Đông", cả Tổng thống Mỹ Joe Biden lẫn các quan chức Nhà Trắng và Bộ Quốc phòng đều khẳng định mục tiêu "đáp trả để ngăn chặn" những hành động gây thương vong cho quân đội Mỹ ở Trung Đông trong tương lai.
3 giai đoạn điều chỉnh
Chính quyền Tổng thống Biden kể từ sau thời điểm chiến sự Israel - Hamas bùng nổ ngày 7-10-2023 đã có những bước đi thận trọng đối với Iran và mạng lưới ủy nhiệm thuộc "trục kháng chiến" do nước này hậu thuẫn.
Duy trì chính sách nhân nhượng với Iran, chính quyền ông Biden đã gặp áp lực chỉ trích rất lớn khi trực tiếp tạo khoản thu nhập hơn 100 tỉ USD cho giới lãnh đạo Iran kể từ năm 2021. Gói này bao gồm việc không thực thi các lệnh trừng phạt dầu mỏ trong 3 năm, khoản thanh toán tiền chuộc con tin Mỹ trị giá 6 tỉ USD (đã bị hoãn vào tháng 11-2023) và khoản miễn trừ trừng phạt cho phép Iran tiếp cận 10 tỉ USD từ Iraq vừa được gia hạn vào tháng 11-2023.
Tuy nhiên, lập trường buông lỏng các lệnh cấm vận này đã gặp áp lực buộc phải điều chỉnh kể từ thời điểm mạng lưới ủy nhiệm do Iran hậu thuẫn bắt đầu tấn công vào lực lượng của Mỹ ở Trung Đông liên tục từ ngày 17 đến 24-10 năm ngoái.
Mặc dù điều này cho thấy ông Biden đã không thành công với mục tiêu nhân nhượng với Iran để cùng phối hợp kiềm chế "trục kháng chiến" do Iran dẫn dắt, qua đó không làm phức tạp tình hình chiến sự Dải Gaza lan rộng ra khu vực, nhưng phải đến tận ngày 27-10-2023 thì quân đội Mỹ mới quyết định triển khai tấn công đáp trả vào các cơ sở vũ khí của các nhóm ủy nhiệm có liên kết với Lực lượng Vệ binh Hồi giáo Iran (IRGC) trên lãnh thổ Syria, mở ra giai đoạn "tấn công cường độ thấp".
Hơn một tháng sau đó, Mỹ cũng tiến hành không kích vào các cơ sở quân sự của lực lượng Kataib Hezbollah (lực lượng dân quân được IRGC hỗ trợ mạnh nhất ở Iraq) và các nhóm liên kết trên lãnh thổ Iraq vào ngày 26-12-2023 và ngày 23-1-2024, kết hợp cùng các động thái tấn công đồng loạt vào nhóm căn cứ của phiến quân Houthi ở Yemen (từ ngày 11-1) đánh dấu giai đoạn "tấn công cường độ cao" vào "trục kháng chiến" của Iran.
Đến ngày 2-2, quân đội Mỹ đã cùng lúc vừa tiến hành tấn công chính xác bằng 125 quả bom dẫn đường chính xác vào một loạt cơ sở mục tiêu chỉ huy, tình báo, kho trữ tên lửa thuộc mạng lưới ủy nhiệm do IRGC đào tạo, vừa triển khai ba cuộc tấn công vào một thành trì của Houthi ở tỉnh Hajjah thuộc miền bắc Yemen.
Không chỉ vậy, Bộ Tài chính Mỹ trong cùng ngày đã công bố các lệnh trừng phạt mới đối với một mạng lưới các công ty ở Iran và Hong Kong bị cáo buộc giúp Iran mua công nghệ chế tạo vũ khí đạn đạo và máy bay không người lái. Chuỗi động thái này đã chính thức đánh dấu cột mốc chuyển đổi qua giai đoạn "đáp trả để ngăn chặn toàn diện" trong chính sách ứng phó của chính quyền Biden đối với "trục kháng chiến".
Nỗ lực giữ Iran đứng ngoài cuộc
Thành tựu quan trọng mà chính quyền ông Biden vẫn đang duy trì được đến lúc này chính là vẫn duy trì được thái độ ôn hòa của giới lãnh đạo Iran, mặc dù đã "thể hiện sức mạnh" của Mỹ với "trục kháng chiến" đang được chính Tehran hậu thuẫn.
Ngay cả vào thời điểm ngày 7-12-2023, khi lần đầu tiên IRGC bị một quan chức Mỹ là Phó cố vấn An ninh quốc gia Jon Finer liên hệ trực tiếp với các hoạt động của Houthi, và sau đó Bộ Tài chính Mỹ đã lập tức trừng phạt 13 cá nhân và tổ chức vì cáo buộc họ đã cung cấp "hàng chục triệu đô la" trong các quỹ liên kết với Iran cho phiến quân Houthi ở Yemen, thì ông Biden vẫn từ chối đáp trả các cuộc tấn công vào quân đội Mỹ ở Syria, Iraq và Biển Đỏ để duy trì nhân nhượng với Iran.
Phía Iran cho đến nay vẫn phủ nhận việc đứng sau tất cả các vụ tấn công vào các căn cứ của Mỹ trong khu vực, đặc biệt là vụ tấn công gây thiệt hại nhân mạng cho 3 binh sĩ Mỹ ở Jordan vừa qua, và cho rằng các nhóm ủy nhiệm do Iran hậu thuẫn vẫn thường xuyên tác chiến độc lập và có "quyền tự quyết".
Các cuộc tấn công của Mỹ vì vậy dường như đã không nhắm trực tiếp vào Iran hoặc các lãnh đạo cấp cao của Lực lượng đặc nhiệm Quds (thuộc IRGC) trong phạm vi biên giới của nước này nhằm ngăn chặn xung đột leo thang hơn nữa.
Nhìn chung, cuộc chiến giữa mạng lưới "trục kháng chiến" do Iran ủy nhiệm với hệ thống các căn cứ quân sự của Mỹ hiện đang được duy trì theo xu hướng các bên tạo nên sự răn đe cân bằng với số lượng các "mối đe dọa" được tạo ra đều nằm trong giới hạn thiệt hại được kiểm soát.
Nỗ lực tránh va chạm trực tiếp giữa Mỹ với Iran nói chung và giữa quân đội Mỹ với lực lượng IRGC nói riêng chính là chỉ dấu quan trọng cho thấy xu hướng tối thiểu hóa thiệt hại cần thiết trong bối cảnh các cuộc đàm phán hòa bình đang được xúc tiến liên quan đến tâm điểm Dải Gaza.
Iran phủ nhận trao đổi bí mật với Mỹ
Đại sứ Iran ở Liên Hiệp Quốc Amir Iravani phủ nhận thông tin của Đài Al-Jazeera rằng Iran và Mỹ có trao đổi bí mật với nhau thông qua các kênh trung gian hoặc trực tiếp.
Giới lãnh đạo Iran hiện cũng đang tập trung vào một chiến dịch nhằm công bố danh tính mạng lưới gián điệp của Israel ở 28 quốc gia như một động thái nhằm "chuyển hướng" dư luận ra khỏi trọng tâm thắc mắc về khả năng leo thang xung đột Mỹ - Iran.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuyên bố Washington sẽ không tha thứ cho các cuộc tấn công nhằm vào quân đội Mỹ. Nhiều nguồn tin tiết lộ Iran đã đặt tất cả lực lượng vũ trang trong tình trạng báo động cao nhất.