Quảng Bình còn có những câu chuyện ẩn giấu trong lòng Trường Sơn huyền thoại: đó là nơi khai sinh tuyến đường mòn Hồ Chí Minh phục vụ kháng chiến. Và ở đó, đường 20 Quyết Thắng là đầu mối quan trọng nối đông Trường Sơn với tây Trường Sơn.
Đường Trường Sơn ấy nay đâu?
Để giữ cho "mạch máu" không tắt, đã có hàng vạn bộ đội thanh niên xung phong, công nhân giao thông, dân công hỏa tuyến ngày đêm bám trụ. Hàng loạt địa danh trên tuyến này đã trở thành tọa độ lửa, trọng điểm máu.
Máu, nước mắt và mồ hôi của những chàng trai, cô gái tuổi 20 đã đổ để làm nên huyền thoại của tuyến đường.
Giới thiệu tour hành trình đi tìm dấu ấn Trường Sơn huyền thoại
Trường Sơn còn đó, nhưng những con đường Trường Sơn xưa nay ở đâu? Có những tuyến đường đã bị thời gian xóa đi dấu tích, có những tuyến đường đã được hiện đại hóa.
Năm 2022, vùng biên giới Thượng Trạch bất ngờ "hiện ra" ngôi đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn - Đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm Cà Roòng - ATP. Ngôi đền nằm ở đoạn cuối địa phận Việt Nam của đường 20 Quyết Thắng.
Từ đó, những chuyến hành hương lao xao cả một vùng rừng núi. Vùng chiến địa bạt ngàn được ấm lại với khói hương hậu thế.
Qua những chuyến hành hương, người ta mới thấy ở đường 20 Quyết Thắng một "con đường" thơ mộng, đầy sức sống giữa Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng bên cạnh một "con đường" lịch sử.
Con đường nối những tọa độ lửa từng chìm trong thâm sâu của núi rừng, làm vỡ vạc một kho chuyện kể còn ẩn giấu. Từ đó, nhiều câu chuyện lịch sử đã được chép lại, nhiều sự hy sinh đã được tưởng niệm, nhiều linh hồn được khói hương.
Tour "Hành trình tìm dấu ấn Trường Sơn huyền thoại", chính là kết nối những dữ liệu chưa từng công bố về lịch sử của con đường này. Những câu chuyện vốn chỉ có trong ký ức rời rạc của những cựu binh, và im lặng sau những cột mốc, những tọa độ vẫn bền bỉ hiện diện giữa rừng.
Từ nay, câu chuyện về vùng đất này sẽ trọn vẹn hơn, sẽ là một dòng chảy liền lạc để từ đó người yêu nước Việt có thêm mạch chuyện để hiểu về nước Việt.
Thực tế, đã luôn có những hành trình đi tìm dấu ấn Trường Sơn suốt 50 năm qua. Đó là những cuộc trở lại của những cựu binh Trường Sơn, để nhớ, để kiếm tìm một tọa độ máu xương mình từng trải.
Nhưng chưa có một con đường du lịch nào từng trải ra với những đo lường chuyên nghiệp về lữ hành, lưu trú, và những nghiên cứu sâu sắc về văn hóa bản địa, để những chuyến trở về thôi đơn độc.
Trải nghiệm văn hóa độc đáo đồng bào bản địa
Trải nghiệm về Trường Sơn luôn hấp dẫn với du khách, kể cả khách nước ngoài. Bằng hình trình này, các du khách sẽ được trải nghiệm những hồi ức chiến tranh một cách chân thực giữa Trường Sơn hùng vĩ.
Tour du lịch cũng là cơ hội cho du khách tìm hiểu văn hóa và đời sống của đồng bào Ma Coong (một nhánh của dân tộc Bru - Vân Kiều), nơi có lễ hội đập trống nổi tiếng của 18 bản đồng bào dân tộc vùng biên giới.
Hoạt động du lịch cũng phần nào giúp nâng cao đời sống của người dân khi họ được tham gia vào chuỗi cung ứng du lịch cùng Oxalis.
Theo ông Nguyễn Châu Á - tổng giám đốc Công ty Oxalis Holiday, việc xây dựng sản phẩm du lịch này mang nhiều ý nghĩa.
Chuyến đi mang du khách đến những "địa chỉ đỏ" trong những năm chiến tranh, giúp du khách trong nước có điều kiện đi thăm viếng những di tích lịch sử, các đền tưởng niệm các chiến sĩ, thanh niên xung phong đã hy sinh trên tuyến đường 20 Quyết Thắng.
Đồng thời tạo cơ hội hỗ trợ cộng đồng Ma Coong sống ở vùng biên giới Việt - Lào có cơ hội được tham gia vào hoạt động du lịch và phát triển kinh tế địa phương.
Lê Thanh Vương - du khách đến từ Đồng Hới - cho biết đây là một chương trình tuyệt vời, chuyến đi giúp anh hiểu thêm nhiều về lịch sử hào hùng của các chiến sĩ Trường Sơn và các thanh niên xung phong đã chiến đấu anh dũng trên tuyến đường 20 Quyết Thắng này.
"Trong chuyến đi, tôi đã có cơ hội đặt chân đến cột mốc biên giới Việt - Lào, nơi giáp ranh giữa Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây trong bài hát nổi tiếng mà tôi được nghe rất nhiều.
Chuyến đi còn giúp tôi có cơ hội tìm hiểu văn hóa, và bản sắc của đồng bào Ma Coong, đặc biệt được thưởng thức bữa ăn ngon giữa đại ngàn Trường Sơn do người Ma Coong nấu" - anh Vương chia sẻ.
Ảnh, video: Oxalis
Kết thúc vụ lúa rẫy, người Vân Kiều tổ chức lễ Piếc xa rò - lễ tạ ơn thần lúa - trên nương rẫy vì đã giúp họ có một vụ mùa bội thu.