Nhiều ngân hàng đang xây dựng kế hoạch cho giai đoạn 5 năm 2021-2025 với những mục tiêu tham vọng về lợi nhuận, tổng tài sản và vốn hóa. Với Vietcombank ( HoSE: VCB ), Chủ tịch HĐQT Nghiêm Xuân Thành chia sẻ tại phiên họp thường niên 2021, ban lãnh đạo đang hoàn thiện chiến lược đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Một trong những mục tiêu quan trọng là phấn đấu lợi nhuận trước thuế đạt 2 tỷ USD sau 5 năm, gấp đôi mức 1 tỷ USD của năm 2020. Trong đó, lãnh đạo xác định hoạt động bán lẻ sẽ đóng góp 50% cơ cấu lợi nhuận.
Lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết Vietcombank đã thực hiện giai đoạn một trong kế hoạch mở rộng mảng bán lẻ, tỷ trọng dư nợ bán lẻ đang chiếm 54% cơ cấu. Đại bộ phận khoản vay bán lẻ đều kiểm soát rủi ro tốt, đảm bảo 100% giá trị. Giai đoạn 2 sẽ tiếp tục được triển khai.
Chủ tịch Nghiêm Xuân Thành nhận định chiến lược xuyên suốt của ngân hàng là thắt chặt quản trị rủi ro, song song với mở rộng tín dụng, mục tiêu tăng trưởng 2-3 năm tới cao nhất ngành. Qua đó, ngân hàng có thể mở rộng huy động vốn, nâng tổng tài sản từ thứ vị trí 4 hiện nay lên vị trí thứ 2.
Giai đoạn 2020-2021 do tác động của dịch, ngân hàng đặt kế hoạch thận trọng và chủ yếu tích tụ nguồn lực để tạo bứt phá mới khi thị trường phục hồi.
Chủ tịch HĐQT Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành. Ảnh: VCB. |
Với Techcombank ( HoSE: TCB ), ban lãnh đạo đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 23-25% mỗi năm trong 5 năm tới. Đồng thời, ngân hàng này hướng đến mục tiêu vốn hóa đạt 20 tỷ USD, gấp 3 lần hiện nay, vào top 10 nhà băng lớn nhất Đông Nam Á.
CEO Jens Lottner chia sẻ tại phiên họp thường niên nếu có thể duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế như kế hoạch, hiện thực hóa mục tiêu 20 tỷ USD là hoàn toàn có thể. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng xây dựng một số chỉ tiêu khác như tỷ lệ thu nhập ngoài lãi trên tổng cơ cấu chiếm 30%. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) trên 50%.
Nhìn lại 5 năm trước, Techcombank ghi nhận tăng trưởng tổng tài sản bình quân 18%/năm, trong khi lợi nhuận trước thuế tăng bình quân 51%/năm. Tỷ lệ CASA cuối năm 2020 dẫn đầu ngành với 46%, gấp hơn 2 lần so với năm 2015. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng từ 63% lên 171%, trong khi tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,8% xuống 0,5%.
|
CEO Jens Lottner tại phiên họp thường niên 2021. Ảnh: Techcombank. |
Tại MB ( HoSE: MBB ), CEO Lưu Trung Thái cho biết ngân hàng đang định hình chiến lược phát triển 5 năm tới theo mô hình tập đoàn gồm 1 ngân hàng và 6 công ty thành viên. MB hướng đến mục tiêu tổng tài sản 2 tỷ USD vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng bình quân 20-25% mỗi năm. Sau khi tăng vốn điều lệ, ngân hàng sẽ tiếp tục mở rộng, thúc đẩy phát triển các mảng kinh doanh…
Năm 2021, ngân hàng này được cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ gần 40% nhằm nâng cao năng lực tài chính, năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh. Phương án phát hành chia thành 3 lần. Lần một, ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu trả cổ tức, tỷ lệ 35% nâng vốn điều lệ từ 28.000 tỷ đồng lên 38.600 tỷ đồng.
Lần hai, ngân hàng sẽ phát hành 70 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược gồm: Viettel (thêm tối đa 43 triệu cổ phiếu), Công ty TNHH Nhà nước MTV Thương Mại và xuất nhập khẩu Viettel (tối đa 27 triệu cổ phiếu) và các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khác đáp ứng tiêu chí lựa chọn của ngân hàng. Lần ba, ngân hàng sẽ phát hành 19,24 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên.
Bên cạnh những ngân hàng vừa kết thúc giai đoạn 5 năm 2016-2020, một số nhà băng đang trong chiến lược 5 năm riêng. Đơn cử, VPBank ( HoSE: VPB ) xây dựng cho giai đoạn 2018-2022. Năm 2021 là năm thứ tư thực hiện lộ trình. Theo CEO Nguyễn Đức Vinh, mục tiêu của ngân hàng là phát triển bán lẻ, đưa VPBank thành đơn vị có giá trị top 3 trên thị trường và mang đến trải nghiệm khách hàng tốt nhất.
Mỗi năm, ban lãnh đạo luôn tổng kết lại quá trình triển khai và theo dõi để bám sát chiến lược đặt ra. Ban điều hành dự kiến năm 2021-2022 sẽ có đánh giá và sẽ xây dựng chiến lược 5 năm tiếp theo.
|
NHNN xây dựng chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Ảnh: VGP. |
Nhìn chung, kế hoạch của mỗi ngân hàng đều bám sát và đóng góp cho chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được Thủ tướng phê duyệt. Một số chỉ tiêu định hướng liên quan đến chất lượng tín dụng, tỷ lệ an toàn vốn, khả năng tuân thu Basel và vị thế của các ngân hàng trên thị trường quốc tế.
NHNN đặt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 2-3 ngân hàng nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất châu Á về tổng tài sản và 3-5 ngân hàng niêm yết tại thị trường chứng khoán nước ngoài. Các ngân hàng thương mại Nhà nước triển khai Basel II theo phương pháp nâng cao.
Bên cạnh đó, NHNN đưa ra một số chỉ tiêu hệ thống như tỷ trọng nguồn thu phi tín dụng 16-17%, nâng từ mức 12-13% mục tiêu của năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống các TCTD dưới 3%. Tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 8%.
NHNN cũng đặt mục tiêu giảm dần tỷ lệ tín dụng ngoại tệ/tổng tín dụng, phấn đầu tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán đạt mức 5% vào năm 2030, tiến tới ngừng cho vay ngoại tệ, ngừng cho vay ngoại tệ để chậm nhất đến năm 2030, cơ bản khắc phục tình trạng USD hóa trong nền kinh tế.
Trong hơn một năm qua, cổ phiếu nhiều ngân hàng liên tục tăng, vượt đỉnh cũ. Trong nhóm 10 đơn vị vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán, ngành ngân hàng chiếm 5 vị trí gồm Vietcombank (thứ 2), VietinBank (thứ 5, vượt qua Vinamilk), BIDV, Techcombank, VPBank (lần lượt giữ vị trí thứ 6-9). |
Trâm Anh
NDH
Xem thêm: nhc.60315243152501202-iot-man-5-gnah-nagn-auc-gnov-maht/nv.zibefac