Những cánh rừng bền vững ở thôn Chênh Vênh - Ảnh: QUỐC NAM
Mới đây, cánh rừng này đã được Hội đồng Quản trị rừng thế giới (Forest Stewardship Council - FSC) - một tổ chức phi chính phủ quy mô toàn cầu có trụ sở tại Đức - cấp chứng chỉ chứng nhận quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC (một chứng chỉ có 10 bộ nguyên tắc với gần 200 nguyên tắc và tiêu chí) cho cánh rừng này.
Cánh rừng thôn Chênh Vênh trở thành cánh rừng do cộng đồng bảo vệ đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng chỉ.
Ở Việt Nam lâu nay nhiều người chỉ nghĩ rừng là gỗ. Tuy nhiên, giá trị lớn nhất từ rừng là dịch vụ hệ sinh thái, trong đó bao gồm giá trị đa dạng sinh học các loài thuốc quý hiếm, giá trị bảo vệ nguồn nước, giá trị hấp thụ carbon, giá trị lâm sản ngoài gỗ như mây, tre..., giá trị về cảnh quan. Sự hài hòa giữa lợi ích về tài chính, môi trường và xã hội mới tạo ra giá trị bền vững cho rừng.
Ông Nguyễn Đình Đại
Bền vững nhờ cộng đồng
Những già làng cao tuổi nhất ở thôn Chênh Vênh kể rằng rừng Chênh Vênh đã tồn tại dưới núi Sa Mù cả trăm năm. Thời chiến tranh, cánh rừng này còn là rừng nguyên sinh gần như chưa có bước chân người đặt tới.
Đến khi cộng đồng người Bru-Vân Kiều về sinh sống dọc con suối Chênh Vênh chạy cắt ngang giữa khu rừng thì khu rừng này trở thành vùng rừng thiêng và được gọi tên theo tên con suối. Người Vân Kiều sống nhờ rừng, thức ăn cũng từ rừng, nước uống cũng từ rừng nên không ai dám xâm phạm.
Tuy nhiên, những thay đổi của cuộc sống mang đến những đổi thay, nhất là thời điểm đó vùng rừng này chịu sự quản lý trực tiếp từ chính quyền huyện Hướng Hóa vốn không có nhiều nhân lực sâu sát quản lý. Vùng rừng nguyên sinh nhiều lần bị những người từ nơi khác đến phá hoại.
Những thế hệ người dân hiện tại ở các vùng lân cận cũng có những tác động tiêu cực đến hệ sinh thái rừng. Cho đến năm 2017, cánh rừng này đã được chính quyền huyện Hướng Hóa giao hẳn về cho thôn Chênh Vênh bảo vệ, là bước ngoặt hồi sinh cả cánh rừng.
Ông Hồ Văn Chiến, trưởng Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh, nói việc đầu tiên của thôn sau khi nhận quyết định giao rừng là thành lập ngay một ban quản lý rừng cộng đồng.
Điều đặc biệt là thành viên của ban này gồm gần như đại diện của toàn bộ các hộ dân trong thôn.
Trong ban này ngoài 4 người trong ban quản lý và 3 người giao trách nhiệm giám sát thì còn lại được chia làm 7 tổ bảo vệ rừng, mỗi tổ 5 người. Tất cả đều là người đồng bào Vân Kiều.
Mỗi tháng, Ban quản lý rừng thôn Chênh Vênh tổ chức 3 - 4 lần đi tuần tra rừng, mỗi chuyến 5 người và tùy theo khu vực đi tuần, nơi nào có điểm nóng, nghi ngờ bị phá hoại thì sẽ tăng cường thêm tổ khác đi thường xuyên với số người đông hơn.
Khi phát hiện cây rừng bị chặt phá hoặc có dấu hiệu lạ, tổ sẽ báo với chính quyền địa phương để xử lý.
Một bộ quy tắc cũng được ban này soạn ra. Quy định nhất quán của quy tắc này là người dân không bị cấm khai thác giá trị từ rừng. Tuy nhiên, không được khai thác gỗ mà chỉ được khai thác những giá trị khác như mây tre, lá thuốc, thảo dược.
"Người Vân Kiều vốn sống dựa vào rừng. Nên để đưa việc giới hạn khai thác lâm sản ở những "ranh giới" cứng như thế vào thành thói quen là một việc vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, người ở Chênh Vênh đã làm được và làm tốt. 5 năm qua rừng Chênh Vênh đã trở thành khu rừng bền vững", ông Chiến chia sẻ.
Ban quản lý bảo vệ rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh thường xuyên tuần tra bảo vệ những giá trị cốt lõi của khu rừng được giao
Giá trị của bền vững
Gọi là ban quản lý rừng nhưng 5 năm qua ban tự lập này của thôn Chênh Vênh đang quản lý bảo vệ hơn 600ha rừng bằng tinh thần tự nguyện, hoàn toàn không có kinh phí.
Cân đối được sự hài hòa giữa việc khai thác giá trị từ rừng để đảm bảo cuộc sống vừa bảo vệ được những giá trị cốt lõi của rừng chính là bài toán hóc búa đặt ra cho cộng đồng khi được giao rừng.
Nhưng khi làm được việc cân đối này, như cách nói của ông Phan Ngọc Long, chủ tịch UBND xã Hướng Phùng - đó là giá trị của sự bền vững.
Ông Long kể chính quyền địa phương ban đầu cũng rất nghi ngại về tính hiệu quả của phương án giao hẳn rừng cho dân bản quản lý như ở thôn Chênh Vênh.
Tuy nhiên, sau đó khi thấy những cách mà người dân ở đây khai thác giá trị của rừng thì ông đã hoàn toàn tin giá trị bền vững của rừng là có thật.
Người trong bản đã chủ ý phát triển những nghề "chạm nhẹ vào rừng" như khai thác mây tre phục vụ đan lát, khai thác cây dược liệu, thảo dược để duy trì và phát triển cuộc sống thay vì vào rừng đốn gỗ.
Chênh Vênh hiện tại không khác gì một làng du lịch khi có nhiều gia đình trở thành "xưởng" sản xuất các sản phẩm mây tre truyền thống của người Vân Kiều, có nhà đã tạo ra được những sản phẩm độc đáo, lạ mắt cũng bằng mây tre như cốc uống nước, ống tẩu kiểu Vân Kiều.
Cộng đồng làm được việc tốt tất nhiên tiếng lành đồn xa và tìm được sự cộng hưởng, chia sẻ.
Suốt vài năm qua, nhận thấy những dấu hiệu tích cực từ trách nhiệm cộng đồng ở thôn Chênh Vênh, Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Y tế Hà Lan tại Quảng Trị đã hết sức hỗ trợ người dân ở đây đi theo hướng khai thác giá trị bền vững từ rừng.
Nhờ sự hỗ trợ kịp thời này, những sản phẩm thủ công của người Vân Kiều ở đây đã tiếp cận được với những thị trường mới.
Khu vực thôn Chênh Vênh và thác Chênh Vênh gần đó cũng được tổ chức này biến thành những điểm du lịch dã ngoại hấp dẫn.
Ông Nguyễn Đình Đại, trưởng văn phòng Tổ chức Y tế Hà Lan tại Quảng Trị, nói khác với những khu rừng tự nhiên khác, rừng tự nhiên ở thôn Chênh Vênh không nằm ở lưu vực hồ thủy điện nên không được nhận khoản hỗ trợ quản lý bảo vệ nào.
Đây là rào cản khó khăn nhất cho người dân bản địa khi phải tìm ra cách cân đối giữa sống được với rừng mà vẫn bảo vệ được rừng. Tuy vậy người ở thôn Chênh Vênh đã làm được điều này, là lý do để tổ chức này đề xuất FSC cấp chứng chỉ FSC.
Một trong những tiêu chí quan trọng nhất để rừng ở thôn Chênh Vênh được cấp chứng chỉ của Hội đồng Quản lý rừng thế giới là vì cách khai thác những giá trị bền vững từ rừng để đảm bảo sinh kế
"Tấm vé thông hành" từ FSC
Sau khi Tổ chức Y tế Hà Lan đề nghị lên FSC, cánh rừng của thôn Chênh Vênh đã được Tổ chức GFA - một tổ chức đánh giá độc lập - về tận nơi khảo sát đánh giá hiện trạng rừng cũng như những điều kiện cần và đủ theo 10 bộ nguyên tắc của FSC.
Ông Nguyễn Văn Bích, đánh giá viên quốc tế của tổ chức này, nói tiêu chí quan trọng nhất để đạt chứng chỉ của FSC không chỉ là sự đa dạng sinh học của rừng mà còn là việc khai thác bền vững những giá trị từ rừng của cộng đồng, tức là nói đến giá trị kinh tế và giá trị xã hội của rừng chứ không phải nói về rừng chung chung, đơn thuần.
Sau quá trình khảo sát thực tế thì gần như cánh rừng ở thôn Chênh Vênh đảm bảo đủ các tiêu chí nên đã đề nghị FSC cấp chứng chỉ cùng các dự đoán sản lượng và phương án khai thác bền vững.
Khi chưa có chứng chỉ thì sản phẩm của người dân cũng có thể bán ra thị trường nhưng khi có chứng chỉ thì việc kết nối đến những khách hàng, những thị trường lớn ở nước ngoài, nhất là những nước châu Âu càng dễ dàng hơn, đồng nghĩa giá trị thực sự về sinh kế sẽ tăng lên.
"Chứng chỉ này sẽ như tấm vé thông hành cho sản phẩm từ thôn Chênh Vênh", ông Bích chia sẻ.
Xem thêm: mth.9261400141111202-gnuv-neb-gnur-oc-hnev-hnehc-noht-o/nv.ertiout