Những ngày giáp Tết bận rộn, Lương Thanh vẫn thảnh thơi trong xưởng điêu khắc bên bờ sông Hồng, ngồi thưởng trà mà thực ra là thưởng cái thú thư nhàn khi ngồi uống trà.
Làm tượng Phật đẹp có tiếng trong Nam ngoài Bắc, đơn đặt hàng nhiều nhưng anh chọn hạnh tri túc (biết đủ), sống cuộc đời thong dong, dành thời gian tu tập, sửa mình. Câu chuyện bên ấm trà thơm ngày cuối năm chỉ toàn là những chuyện về Phật pháp.
Những mối duyên lành
Có tới gần 30 năm làm tượng Phật nhưng thực ra Lương Thanh đã nặn tượng Phật từ thuở ấu thơ. Tại ngôi làng nhỏ ở Thái Bình, cậu bé Lương Thanh hay theo bà lên chùa. Mỗi lần từ chùa về, cậu lại ngồi cả buổi nặn tượng Phật hay các vị La Hán từ đất sét véo được ở bờ ao làng.
Lớn lên, Lương Thanh chọn học điêu khắc tại Mỹ thuật Yết Kiêu, hệ trung cấp. Ra trường, anh làm đủ loại tượng chân dung theo đơn đặt hàng, thỉnh thoảng có người đặt anh làm tượng Phật.
Chẳng biết có phải tượng Phật anh làm có sức hút riêng hay sao mà những đơn đặt hàng tượng Phật đến với anh nhiều hơn.
Rồi chứng đau dạ dày đến với anh như một... món quà. Để trị bệnh, anh Thanh quyết định ăn chay trường từ đó.
Anh học thiền, hành thiền, tìm hiểu giáo lý đạo Phật. Không chỉ tu học, hành thiền với các thầy trong nước, Lương Thanh còn có bốn tháng xuất gia gieo duyên tại một ngôi chùa trong rừng ở Myanmar. Bốn tháng ấy anh sống như một nhà sư, cạo tóc, đắp y, khất thực, tụng kinh đủ các thời khóa trong ngày...
Càng tìm hiểu đạo Phật, anh Thanh càng như thấy mình được về gần hơn với ngôi nhà trong tâm mình.
Những nhân duyên tốt lành cứ thế mà theo về. Anh liên tiếp nhận đặt hàng làm tượng Phật. Từ khoảng đầu những năm 2000, anh chuyển hẳn chỉ làm tượng Phật.
Các thiền viện khắp Bắc, Trung, Nam, những ngôi chùa lớn, nhỏ, các tư gia đều thấy tượng Phật do Lương Thanh làm.
Bức phù điêu kể chuyện lịch sử Đức Phật tại Thiền viện Trúc Lâm trên núi Yên Tử cũng là của Lương Thanh.
Bởi nặn tượng từ lòng mộ đạo, từ cái tâm thanh tịnh của một người con của Phật, thấu biết giáo lý, nghiên cứu kỹ kinh sách, lịch sử Đức Phật và đạo Phật nên tượng Phật của Lương Thanh không chỉ đẹp mà còn đúng từ từng nếp áo, cách đắp y.
Còn anh thì nói giản dị rằng chỉ mong làm được những bức tượng Phật mà nhìn vào đó ai ai cũng thấy hạnh phúc, yên an, thấy muốn được tu học thành người lương thiện.
Mong muốn ấy của anh đã thành sự thực. Nhiều người nói chỉ cần ngồi lắng lại trước một bức tượng Phật của Lương Thanh, nhìn vào gương mặt vô nhiễm như mở ra vô biên hạnh phúc an lành của Đức Phật sẽ như được gội rửa hết bụi trần.
Tri túc và tri ân
Lẽ thường, khi đạt được thành công, có nhiều khách hàng, nhiều lộc thì sẽ mở rộng nhà xưởng, thuê thêm nhân công, gấp gáp với những đơn hàng. Lương Thanh không chọn cách đó.
Đối với anh, mỗi bức tượng Phật đều gửi trọn tình yêu dành cho Đức Thế Tôn và giáo pháp của ngài, gửi trọn hạnh nguyện mong người người đều biết sống từ tâm, tạo phước lành. Một bức tượng Phật như thế không thể tạo tác từ người nghệ sĩ mang cái tâm nhiều tham cầu.
Bởi vậy, mỗi một đơn đặt hàng tượng Phật, anh Thanh trân quý đặt hết tâm thiện vào đó mà thong dong làm.
Tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ, tận tâm với từng nếp gấp áo của ngài. Công việc anh nhận vừa đủ để nuôi sống gia đình nhỏ đều gồm những người biết "thiểu dục tri túc".
Cá nhân anh chỉ một bữa cơm chay mỗi ngày, lại thêm phần cúng dường, thực hiện hạnh bố thí, hộ độ thân quyến...
Lương Thanh bảo anh biết tri túc và tri ân là một trong những phước lành của đời người.
Nói về tri túc, Lương Thanh cho biết đây cũng chính là một đạo hạnh mà ông bà ta đã bền bỉ truyền qua nhiều đời.
Chỉ tiếc trong xã hội tiêu dùng tham cầu vật chất rất lớn hiện nay, tri túc ít hiện diện. Nhưng Lương Thanh vui khi vẫn thấy nhiều người trẻ bắt đầu lựa chọn lối ấy chứ không chỉ một số người già "minh triết" còn sót ở một góc phố cổ Hà Nội hay làng quê, phố thị nào.
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông bằng ngọc phỉ thúy vừa được an vị tại Cung Trúc Lâm Yên Tử tối 12-12, nhân kỷ niệm 715 năm Phật hoàng nhập niết bàn.