Thủ đô London của nước Anh được coi là một trong những thành phố có mức độ ô nhiễm tiếng ồn giao thông cao, với lượng xe cộ luôn đông đúc. Dựa trên ý tưởng táo bạo là tận dụng tiếng ồn giao thông thành nhiên liệu bền vững, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Nghệ thuật Hoàng gia và Đại học College London đã triển khai dự án công nghệ mới có tên "AlgaeWave".
Theo các nhà nghiên cứu và phát triển, AlgaeWave có thể chuyển đổi tiếng ồn từ các phương tiện giao thông thành các tần số phù hợp để thúc đẩy sự phát triển của một số loài vi tảo, từ đó tạo ra các chất sinh hóa bền vững, bao gồm cả nhiên liệu sinh học sử dụng cho động cơ xe.
Việc chuyển hóa tiếng ồn thành năng lượng sẽ góp phần bảo vệ môi trường (Ảnh: James Dyson Award)
Không chỉ hấp thụ âm thanh, AlgaeWave cũng có khả năng hấp thụ carbon dioxide, các hạt vi mô và ánh sáng mặt trời, nhằm tạo ra một môi trường lý tưởng cho việc nuôi trồng tảo. Bên cạnh đó, hệ thống AlgaeWave còn có thể lọc carbon dioxide và chuyển đổi thành oxy, góp phần lọc sạch không khí trong môi trường đô thị.
Dự kiến, hệ thống sẽ bắt đầu được triển khai tại các cung đường đông đúc nhất tại Anh. Các nhà nghiên cứu kỳ vọng AlgaeWave sẽ là một cuộc cách mạng trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường đô thị, để biến tiếng ồn thành thứ thực sự hữu ích cho cuộc sống con người.
Anh không phải là quốc gia duy nhất chuyển hóa tảo để tạo ra năng lượng. Trước đó, năm 2018, Euglena, một công ty khởi nghiệp của Nhật Bản đã xây dựng một nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học từ tảo dùng cho máy bay và xe bus.
Xem thêm: nhc.622328031402042881-gnoht-oaig-no-gneit-ohn-coh-hnis-ueil-neihn-taux-nas/nv.fefac