Ngày 2-7-1993, sau gần 20 năm thực hiện lệnh cấm vận với Việt Nam kể từ sau khi chiến tranh kết thúc, Mỹ tuyên bố không ngăn cản các nước khác cho Việt Nam vay trả nợ tổ chức tài chính quốc tế.
Chưa đầy một năm sau, ngày 3-2-1994, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Bill Clinton tuyên bố xóa bỏ hoàn toàn cấm vận Việt Nam. Một năm sau, hai nước bắt đầu mở văn phòng liên lạc. Đây là những động thái mở đầu cho việc bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.
30 nhìn lại, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Marc Knapper cùng một số doanh nhân có nhiều trải nghiệm về quan hệ thương mại Việt - Mỹ đã cùng nhau chia sẻ những suy nghĩ của mình về cơ hội mở ra trong quan hệ kinh tế và thương mại song phương hai nước.
Kết quả tổng quát mà Đại sứ Mỹ Marc Knapper nêu ra là kim ngạch thương mại song phương Việt - Mỹ năm 2022 đã đạt 139 tỉ USD, tăng gấp 300 lần so với năm 1995. Việt Nam đang vững chắc vị trí đối tác thương mại lớn thứ tám của Mỹ trên thế giới và đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ ở ASEAN. Trong khi đó, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai và thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Mang giá trị Mỹ về Việt Nam
Còn với TS Cấn Văn Lực, nhu cầu bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ đến từ chính giới kinh doanh: “Tôi nghĩ đó là một quyết định thông minh của Mỹ. Sau khi cấm vận thương mại được dỡ bỏ, hàng loạt định chế tài chính thế giới như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) và doanh nghiệp đã đồng loạt vào Việt Nam. Dường như tất cả bọn họ đã mong muốn từ rất lâu và chỉ chờ thời điểm này”.
Bà Hà Thu Thanh là nhân chứng cho nhận định của ông Lực, khi là doanh nhân Việt Nam đầu tiên sang Mỹ học về kiểm toán sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ thương mại.
Tốt nghiệp Đại học Tài chính - Kế toán (nay là Học viện Tài chính), bà về Bộ Tài chính công tác, rồi trở thành những nhân sự đầu tiên của Công ty Kiểm toán Việt Nam – nơi đánh dấu sự ra đời của nghề kiểm toán độc lập ở Việt Nam. Doanh nghiệp này là một bên của liên doanh kiểm toán Việt – Mỹ, được thành lập tháng 4-1995.
Được Bộ Tài chính cử sang Mỹ học kiểm toán, sau 18 tháng làm việc với các kiểm toán viên Mỹ tại Washington DC, San Francisco, Arizona, năm 1996, bà Thanh về nước, rồi trở thành Giám đốc chuyên môn của liên doanh kiểm toán này.
Học kiểm toán ở Mỹ, đưa những lý thuyết ban đầu về nghề kiểm toán về Việt Nam, sau này là Chủ tịch Hội đồng Thành viên Deloitte Việt Nam, chia sẻ với PLO, bà Thanh nói: “Tôi chứng kiến rất rõ sự hình thành nghề kiểm toán, các chuẩn mực kiểm toán ở nước ta đã diễn ra thế nào từ sau sự kiện lịch sử 30 năm trước”.
Những kiến thức, trải nghiệm ấy đến nay tiếp tục được doanh nhân Hà Thu Thanh giúp ích trong vai trò thành viên Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng.
Cơ hội kinh doanh của một doanh nhân trẻ
Ở thời điểm 30 năm trước ấy, Bùi Quang Minh là đứa trẻ 11 tuổi ở Vĩnh Phúc. Nay trong vai trò một doanh nhân, Minh nói: “Từ đó đến nay, cả hai nước đã ghi nhận rất nhiều thành công trong quan hệ nhiều mặt. Còn với cá nhân tôi, tôi cũng đã có nhiều thành công của riêng mình”.
Tiếp cận cơ hội mở ra từ sự nghiệp đổi mới của đất nước, Bùi Quang Minh du học Úc rồi Mỹ, tại Harvard. Từ sự đam mê và yêu thích các giá trị văn hóa Mỹ, năm 2014, anh khởi nghiệp chuỗi rạp Beta Cineplex cả trong Nam, ngoài Bắc, chuyên phục vụ cho khách bình dân.
“Hồi bé, xem nhiều phim Mỹ rồi thích các giá trị Mỹ được truyền tải trong đó. Sau này lớn lên, làm kinh doanh, tôi thấy nhu cầu ấy ở thị trường Việt, có mong muốn giới thiệu phim Mỹ và các giá trị Mỹ đến người Việt với cái giá phải chăng, phù hợp với số đông người dân” – doanh nhân Bùi Quang Minh chia sẻ.
Mang giá trị Việt Nam ra thế giới
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định sau 30 năm bình thường hóa quan hệ thương mại Việt – Mỹ, hai nước còn nhiều lĩnh vực, không gian để tiếp tục gia tăng hợp tác. Đó là ngành tài chính mà Mỹ có nhiều kinh nghiệm và lợi thế; là ngành năng lượng mà Việt Nam đang có tham vọng chuyển đổi xanh; là lĩnh vực giáo dục vốn đã quá phát triển, nhưng vẫn còn nhiều dư địa trong tương lai.
Còn từ góc độ kinh doanh, Bùi Quang Minh khẳng định: “Việt Nam có nhiều giá trị tốt đẹp cần được phổ biến hơn nữa trên đất Mỹ”.
Việt Nam đang cung cấp nhiều hàng hóa cho thị trường Mỹ, nhưng vẫn ở phân khúc thấp của chuỗi giá trị, như hàng dệt may, da giày. Gần đây đã có một số doanh nghiệp Việt thành công với các sản phẩm phân khúc cao hơn, như phần mềm, rồi thậm chí là đặt chân vào thị trường của sản phẩm công nghiệp như VinFast.
Nhưng còn nhiều cơ hội nữa mà người kinh doanh có thể cảm nhận được, chẳng hạn như ẩm thực. Theo anh Minh, nhiều bạn bè Mỹ của mình rất yêu thích món ăn Việt Nam. Họ đánh giá cao lợi ích về sức khỏe cũng như hương vị ẩm thực Việt.
“Ở Mỹ đã có rất nhiều nhà hàng Việt Nam nhưng còn kinh doanh ở phân khúc thấp, bình dân. Tôi thấy còn tiềm năng rất lớn nếu chúng ta biết đưa văn hóa vào, nâng tầm giá trị ẩm thực Việt trên đất Mỹ”, Minh nói.
Mỹ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam đào tạo 100.000 nhân lực ngành bán dẫn
(PLO)- Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Jose Fernandez-phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường, trong cuộc tiếp xúc với báo chí ngày hôm nay (26-1) đã chia sẻ về định hướng hợp tác với Việt Nam hai lĩnh vực "nóng" nhất hiện nay là chip bán dẫn và năng lượng sạch.