Nông dân vùng miệt thứ An Biên, An Minh và Vĩnh Thuận (Kiên Giang), huyện Thới Bình, U Minh (Cà Mau) và huyện Tam Nông (Đồng Tháp) hiện gói gạo hữu cơ vào hộp quà cùng với một số sản phẩm đặc trưng OCOP địa phương như: tôm khô, cá khô, nước mắm Phú Quốc… bán Tết với giá 600.000-2 triệu đồng/giỏ quà (tuỳ khách hàng đặt).
Gạo hữu cơ bán Tết thu về lợi nhuận cao
Anh Đặng Văn Thoại - chủ cơ sở gạo sạch Anh Thoại (ở huyện An Biên) - cho biết gia đình anh Thoại có khoảng 280ha đất trồng lúa nhưng chịu ảnh hưởng hạn, mặn, năng suất lúa thấp, ảnh hưởng cuộc sống gia đình.
Nhiều năm qua, anh Thoại đã phá bỏ thế độc canh cây lúa, chuyển sang trồng lúa - tôm để sản xuất ra gạo hữu cơ bán cho người tiêu dùng.
Có được hạt gạo ngon, chất lượng, anh lựa chọn giống lúa ST24 để làm. Trong quá trình trồng lúa, anh không sử dụng phân thuốc hoá học nhằm đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho người tiêu dùng.
"Sản phẩm gạo hữu cơ đóng gói làm giỏ quà Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, khách hàng đặt mua rất nhiều. Tôi đã cung ra thị trường hơn 20 tấn gạo ST24, với giá 40.000 đồng/kg gạo.
Chúng tôi sẽ mở thêm chuỗi siêu thị OCOP kết hợp với những sản phẩm khác của địa phương như: tôm khô, khô cá, nước mắm… để bán", anh Thoại vui vẻ nói.
Còn ông Lâm Tấn Đạt (ở huyện Thới Bình, Cà Mau) thông tin: "Nếu như trước đây tôi chỉ nuôi tôm thì cho thu nhập chỉ khoảng 60 triệu/ha. Từ ngày trồng lúa hữu cơ kết hợp thêm nuôi tôm càng, tôm sú, thả xen canh thêm cua. Từ đó mà thu nhập gia đình tôi đã tăng lên hơn 200 triệu/ha/năm"
Bà Trần Hồng Ửng - trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh - khẳng định trồng lúa hữu cơ rồi làm ra sản phẩm hạt gạo, nông dân phải làm theo hướng dẫn kỹ thuật của các kỹ sư, chuyên gia và không sử dụng phân thuốc hoá học.
Sản phẩm lúa - tôm sẽ được công ty bao tiêu sản phẩm, giá thành cao nên người dân rất an tâm sản xuất.
Đẩy mạnh sản xuất lúa, gạo an toàn
Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết năm 2023 , Kiên Giang có khoảng 1.334 cánh đồng mẫu lớn với diện tích 167.225 ha. Trong đó, có 1.026 cánh đồng lớn gắn với liên kết tiêu thụ và khoảng 55.165 ha sản xuất lúa theo hướng an toàn.
Ông Đỗ Trần Thịnh - chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang - cho biết năm nay người dân Kiên Giang rất phấn khởi với việc lúa bán được giá. Mô hình lúa - cua; lúa - tôm trong thời gian qua đã khẳng định được giá trị bền vững khi người dân sử dụng phân bón hữu cơ, sản xuất an toàn, nâng cao lợi nhuận.
Kiên Giang tới đây sẽ đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn, bền vững, hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, theo chuỗi giá trị, giảm phát thải nhằm bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng, góp phần ổn định đời sống của người dân.
Ông Lê Văn Sử - phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - cho biết Cà Mau đã xây dựng được 26 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo an toàn, lúa gạo hữu cơ với tổng diện tích trên 7.000 ha và tập trung nhiều tại huyện Thới Bình, U Minh.
Lúa hữu cơ ở Cà Mau được bao tiêu sản phẩm và có giá bán cao hơn từ 1.000 - 2.500 đồng/kg so với các loại lúa không hữu cơ.
Cà Mau phấn đấu đến năm 2030 sẽ xây dựng được hơn 40.000 ha lúa - tôm đạt được một trong các chứng nhận quốc tế về hữu cơ, ASC… Địa phương quyết tâm cùng với doanh nghiệp và các tổ chức phi Chính phủ hỗ trợ để xây dựng dự án tại vùng lúa - tôm.
Lúa ST24 và ST25 là hai giống lúa được trồng nhiều nhất trên vùng đất lúa tôm ở Cà Mau. Tuy nhiên, những năm qua lợi nhuận của người nông dân thu lại từ vụ lúa trên đất nuôi tôm chưa lớn.