Trải qua năm 2023 với bao khó khăn, nhiều người lao động ở TP.HCM bị ảnh hưởng công việc, thu nhập giảm sút nên quyết định ở lại thành phố ăn Tết đơn giản, không sắm sửa gì.
Thấu hiểu điều đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM phối hợp Grab Việt Nam tổ chức chương trình "Xuân yêu thương - Tết nghĩa tình" trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố.
Đây cũng là một trong những nỗ lực tiếp theo của Grab trong việc thực hiện sứ mệnh Grab vì cộng đồng tại Việt Nam.
Dịp này, với sự đồng hành của đối tác Mondelez Kinh Đô, Grab đã trao 1.000 phần quà (qua các sự kiện được tổ chức tại các quận 7, 8, 10, 12 và Bình Tân) cho các đối tượng cần hỗ trợ, trong đó có công nhân không có điều kiện về quê ăn Tết, người già và phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi sau dịch COVID-19.
Mỗi phần quà trị giá 500.000 đồng, bao gồm quà bánh và lì xì tiền mặt.
Trong không khí tề tựu tại sự kiện, những suất quà nghĩa tình được trao đi nhằm san sẻ phần nào vất vả và ước mong người dân có thêm niềm vui những ngày cận Tết.
Nhận quà Tết từ Grab được trao tại khu nhà trọ ở quận Bình Tân, chị Nguyễn Hoài Hận (sinh năm 1989) không khỏi vui mừng bởi nhờ đó mà nhà chị có thêm hương xuân, và con chị cũng mừng khi có quà Tết.
Chị Hận may gia công cho một công ty thời trang ở quận 1 đã 10 năm. Do phải đưa rước hai con đi học, chị nhận đồ về may tại nhà thay vì đến xưởng, thu nhập tính theo sản phẩm chứ không có lương cứng. "Làm được bao nhiêu ăn bấy nhiêu, mỗi tháng cỡ 6 - 7 triệu", chị nói.
Song đó là lúc có hàng làm đều đều. Còn thời gian trước, chị Hận rơi vào cảnh thất nghiệp suốt hai tháng khi cửa hàng thời trang không buôn bán được, cắt bớt nhu cầu may sản phẩm mới. Chồng chị cũng không nằm ngoài làn sóng thất nghiệp khi công việc trang trí nội thất của anh bị ngưng trệ do kinh tế khó khăn, khách không có nhu cầu sửa sang nhà cửa hoặc mua nhà mới.
Hồi đầu tháng 1, chị Hận may mắn được xưởng gọi may đồ trở lại nên hiện giờ, một mình người phụ nữ gầy gò này phải chật vật choàng gánh kinh tế gia đình bằng đồng lương ít ỏi. Cảnh nhà càng eo hẹp khi đứa con nhỏ nhập viện nửa tháng nay. Thương tình, vợ chồng chị được chủ trọ cho nợ tiền trọ hai tháng, khi nào có thì đóng.
Để kiếm thêm thu nhập ngày Tết, chị Hận lãnh thêm hàng bên ngoài về may. Còn chồng chị phải chờ sang năm, chủ xưởng nội thất kêu gì thì làm nấy.
Tương tự, bà Lê Thị Ánh Tuyết (ở quận 7) cũng chọn ăn Tết tại thành phố nhiều năm nay thay vì về Vĩnh Long. Bà Tuyết làm tạp vụ cho một trường tiểu học, lương tính cả phụ cấp chưa đến 6 triệu đồng, còn chồng làm bảo vệ cùng trường.
Đồng lương ít ỏi của hai vợ chồng không đủ thuê trọ ở riêng nên cả nhà bà Tuyết ở trọ cùng người em trai. "Lương tháng trước của tui còn bị giảm. Đứa con lớn đang thất nghiệp nên không phụ giúp được, con nhỏ thì đang học năm cuối, cũng có đi làm thêm mà không bao nhiêu hết", người phụ nữ 56 tuổi nói.
Bà Tuyết tâm sự chi tiêu gói ghém lắm cũng thiếu trước hụt sau nên Tết với nhà bà cũng như ngày thường.
Trong khi đó, dù không phải tốn tiền thuê trọ do gốc gác là người Sài Gòn, song cuộc sống khó khăn nên ông Huỳnh Văn Dũng (56 tuổi, làm bảo vệ cho một trường THCS ở quận 7) cũng chưa biết Tết này mua sắm gì bởi thu nhập của vợ chồng ông chỉ đủ ăn, còn phải nuôi đứa con trai đang học lớp 12.
Tại buổi nhận quà tại từ Grab vào sáng 3-2, ông Dũng vui mừng chia sẻ phần quà rất quý cho những người khó khăn ăn Tết.
Ông tâm sự: "Tết sát bên rồi nhưng mà nhà tôi chưa mua gì hết do cuộc sống phải liệu cơm gắp mắm, tháng nào đủ tháng đó. Bình thường Tết ít sắm sửa lắm, trái cây cũng mua trễ. Trường tôi làm có cho cây mai nhỏ đem về trưng là xong. Con cái thì lì xì chút đỉnh để con tự mua đồ mình thích".
Đã ba cái Tết trôi qua, vợ chồng chị Hoài Hận cùng hai con chọn ăn Tết ở Sài Gòn để đỡ chi phí về quê Bạc Liêu. Trong căn phòng trọ nhỏ, bốn người chen chúc nhau ở. Chị tâm sự Tết nhất cũng loanh quanh ở trọ cũng chẳng mua sắm gì cho bản thân, nhưng để con vui, chị ráng mua cho con mỗi đứa một, hai bộ đồ Tết, rồi dẫn qua xóm trọ của ông bà nội ở quận 12 chơi.
"Tui không mua trái cây hay kho thịt gì, chỉ ăn uống như ngày thường. Năm nay chủ trọ có làm tiệc tất niên, mời mấy anh chị em khu trọ ra chơi, phát mỗi phòng thùng nước ngọt, rồi giờ thì thêm quà của Grab nữa. Vậy cũng đủ cho mùa Tết này rồi, chủ yếu cho con nó vui", chị chia sẻ.
Với bà Tuyết, bà bảo tới giờ mình chưa mua sắm gì, mà có mua thì cũng chỉ trái dưa, trái bưởi, hay kho nồi thịt nhỏ để ăn mấy ngày Tết. "Bữa giờ tôi có nhận quà của công đoàn trường là nước ngọt với mấy loại gia vị hay dùng. Hôm nay có quà của Grab nữa nên cũng mừng lắm, coi như có chút Tết trong nhà", bà trải lòng.
Không khí Tết đang lan tỏa khắp muôn nơi, các bác tài vẫn tất bật bên chuyến xe chở khách, giao hàng ngược xuôi khắp nẻo đường thành phố để phục vụ khách hàng.
Và trong dịp Tết Giáp Thìn này, bên cạnh những lao động như công nhân, người già, phụ nữ và trẻ em nghèo, Grab còn tri ân đối tác là tài xế có hoàn cảnh khó khăn bằng những suất quà nghĩa tình.
Sáng 1-2, đại diện Grab đã đến thăm hỏi và trao quà cho vợ chồng anh Bùi Văn Chí Kiên (43 tuổi, ngụ quận 6). Anh Kiên là tài xế GrabBike, còn chị Huỳnh Ngọc Phượng - vợ anh - là người giao hàng trên GrabFood. Họ là tài xế đối tác của Grab đã nhiều năm nay.
Kinh tế khó khăn chung, thu nhập của vợ chồng anh cũng giảm sút khi người dân thắt chặt chi tiêu, những cuốc xe chở khách, đơn hàng giao thức ăn cũng vì thế ít đi. Tuy vậy, cả hai vẫn chọn gắn bó với Grab bởi bởi thời gian linh động, có thể đưa rước con.
Để trang trải sinh hoạt, tiền thuê trọ, nuôi ba đứa con tuổi ăn học, dù Tết đã đến gần, vợ chồng anh vẫn miệt mài ngoài đường để kiếm từng đơn hàng, bên cạnh gói ghém tiêu xài. Việc dọn dẹp, trang trí nhà cửa nhờ các con và bà ngoại hỗ trợ.
"Mọi năm tôi hay ghé mấy chỗ bán quần áo giảm giá dịp Tết mua mỗi đứa một bộ để mặc cho vui thôi vì Tết nhà tôi không đi đâu chơi xa, ở nhà hoặc lòng vòng thành phố", chị Phượng cho hay.
Dù công việc đầu tắt mặt tối nhưng anh Kiên và chị Phượng vẫn thường đóng góp vào quỹ chung của đội tài xế Grab, tùy vào khả năng hiện có để giúp đỡ đồng nghiệp khó khăn hơn, tham gia các hoạt động thiện nguyện, phát cơm cho người nghèo…
Và nhiều năm nay, vợ chồng anh Kiên đón Tết đều trên đường phố Sài Gòn khi phải tất bật với những cuốc xe, đơn hàng.
Cũng lựa chọn tất bật với những cuốc xe xuyên suốt dịp Tết 7 năm nay, tài xế GrabCar Đỗ Trí Dũng (ngụ quận 4) cho biết đã quen với việc không thể ăn Tết trọn vẹn cùng gia đình. "Tết nhất nhiều khi khách đặt xe liên tục mà không có ai nhận cuốc. Nếu tài xế nào cũng nghỉ ở nhà ăn Tết thì ai phục vụ khách, nên thôi mình ráng chạy để khách đi lại dễ dàng hơn", anh Dũng nói.
Anh cho biết dù hiện nay cuốc xe đã giảm so với trước kia do khó khăn chung, nhu cầu đi lại bị ảnh hưởng, song nếu chịu khó "cày" thì thu nhập cũng khá ổn, bên cạnh chủ động được thời gian làm việc.
"Mấy ngày lễ, Tết nổ nhiều cuốc hơn bình thường, với lại có kinh nghiệm lâu năm cộng thêm học hỏi bạn bè, đồng nghiệp nên tôi biết cách khu vực nào, thời điểm nào dễ có khách", anh nói.
Những ngày cận và trong dịp Tết, trên mỗi cuốc xe, người tài xế 47 tuổi thường mở nhạc xuân, trang bị bánh mứt để mời và trò chuyện cùng khách. Anh bảo mình làm dịch vụ phải luôn sáng tạo, phục vụ tốt để khách hài lòng chuyến xe và ấn tượng tốt về thương hiệu xe công nghệ. Nhờ sự gần gũi và chu đáo của tài xế, không ít lần anh Dũng nhận được tiền tips kèm đánh giá 5 sao trên ứng dụng GrabCar.
Anh Dũng và anh Kiên là hai trong số đối tác tài xế nhận được quà hỗ trợ từ Grab nhằm san sẻ khó khăn và hỗ trợ gia đình đón một cái Tết Giáp Thìn thật an vui.
Cầm trên tay phần quà nhỏ, anh Dũng và vợ chồng anh Kiên đều bày tỏ niềm vui, bởi điều này này không chỉ mang Tết đến mà còn động viên các tài xế khởi động một năm mới suôn sẻ hơn.
Xem thêm: mth.394756150204202-ohn-meh-gnut-gnort-hnit-aihgn-tet-gnouht-uey-naux/nv.ertiout