Một trong những điểm đến của đội chiếu phim lưu động là làng Kon Von 2 thuộc xã Đak Rong, huyện Kbang. Đây là làng xa nhất của huyện, nằm lọt thỏm trong thung lũng, xung quanh được bao phủ bởi những cánh rừng nguyên sinh Kon Chư Răng.
Chiếu phim ở làng đồng bào ít ti vi, không internet
Làng Kon Von 2 giáp với xã Hiếu (tỉnh Kon Tum) và cách trung tâm huyện khoảng 70km. Đây là nơi sinh sống của người dân tộc Ba Na, kinh tế còn nhiều khó khăn. Trong 86 hộ với hơn 260 dân chỉ có 15 gia đình có điều kiện sắm được ti vi, còn mạng internet gần như là điều xa xỉ ở ngôi làng này. Vì vậy, những buổi chiếu phim lưu động là một món quà tinh thần rất quý giá cho người dân.
Trong buổi chiều chạng vạng, lất phất mưa phùn của những ngày đầu năm mới, làng Kon Von 2 lại rộn ràng hơn bao giờ hết, xóa tan đi không khí trầm mặc của ngôi làng Ba Na.
Một màn vải lớn 350 inch được các anh trong đội chiếu bóng lưu động căng trên khoảng sân rộng giữa trung tâm nhà rông của làng. Chiếc loa công suất lớn của đội phát những bản nhạc xuân rộn ràng.
Dòng người kéo đến mỗi lúc một đông, nhiều nhất là trẻ nhỏ. Tiếng loa vang vọng khắp làng, phát đi thông báo tối nay sẽ diễn ra chương trình chiếu phim rất hấp dẫn, mời bà con tranh thủ ra xem.
Trong khi chờ người xem đến, trong ngôi nhà rông văn hóa của làng, 5 thành viên của đội chiếu phim lưu động mỗi người một tay, người nhặt rau, người vo gạo nấu cơm, làm bữa chiều qua quýt để còn kịp thời gian phục vụ bà con. Cơm xong, các anh tranh thủ mắc võng, để sau buổi chiếu, dọn dẹp hiện trường là có thể ngả lưng nghỉ ngơi ngay.
Anh Nguyễn Vinh Dương, lái xe kiêm bếp trưởng của đội, tâm sự: "Đi đâu, anh em chúng tôi cũng mang theo đồ nấu ăn đơn giản. Nếu mua cơm hộp, vào tới làng đã nguội lạnh, khó nuốt. Bữa cơm đạm bạc đều được anh em chung tay vào nên dù chỉ với cá khô, trứng chiên và canh rau, nhưng cũng đủ làm ấm lòng mỗi người khi xa nhà".
Anh Siu Túy, đội phó đội chiếu phim lưu động, chia sẻ: "Mỗi khi đến làng nào, đội chiếu phim lưu động luôn được các em nhỏ trong làng chạy ra đón nhiệt tình. Điều này làm cho anh em trong đoàn cảm thấy hạnh phúc và yêu quý công việc.
"Trước mỗi buổi chiếu phim, đoàn luôn lồng ghép các video clip tuyên truyền về các nội dung quan trọng như an toàn giao thông, cảnh báo lừa đảo, vệ sinh cá nhân và môi trường… bằng tiếng Ba Na hoặc Jrai tùy theo địa bàn."
Kho phim của đội được lưu trữ trực tiếp vào máy tính xách tay hay cái ổ cứng nhỏ gọn. Hầu hết đó là những bộ phim của dòng phim cách mạng kinh điển như "Đất nước đứng lên", "Những người viết huyền thoại", "Đường thư"… hay các phim hiện đại mang nhiều ý nghĩa giáo dục như "Hai Phượng", "Trạng Quỳnh" và không thiếu đi những bộ phim tết mang đầy màu sắc.
Vượt khó phục vụ dân vùng xa
Khi buổi chiếu phim kết thúc vào khoảng 22h tối, bà con trong làng rời khỏi sân chiếu với nhiều cảm xúc khác nhau.
Chị Đinh Hồng Thanh Ly - phó trưởng làng Kon Von 2 - cho biết bà con ở đây lúc nào cũng trông ngóng tới ngày đoàn chiếu phim về để được xem những bộ phim tài liệu, phim điện ảnh hay.
Còn già làng Đinh Văn Bách chia sẻ: "Chúng tôi rất cảm ơn đội chiếu phim lưu động đã mang các bộ phim hay đến với làng chúng tôi. Đây là một món quà ý nghĩa và đáng nhớ cho bà con trong dịp Tết này. Chúng tôi mong đội chiếu phim sẽ tiếp tục có nhiều chương trình hay và bổ ích".
Các thành viên của đội chiếu phim lưu động cũng không kém phần hạnh phúc khi được phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, công việc của họ cũng gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất.
Theo anh Siu Túy, trong 1 năm, đội đi đến từng làng, buôn trong tỉnh Gia Lai chiếu đủ 170 buổi. Đặc thù của chiếu phim lưu động là phục vụ vào buổi tối nên anh em phải di chuyển liên tục và chấp nhận cảnh xa gia đình.
"Anh em thường xuyên tắm suối, ngủ võng, ăn những bữa qua loa. Có làng đường sá trắc trở, lầy lội vào mùa mưa nhưng anh em đều đến tận nơi phục vụ. Vất vả là vậy nhưng các thành viên trong đội vẫn gắn bó với nghề" - anh Siu Túy bộc bạch.
Anh Túy cũng tâm sự đi nhiều nơi mới thấy nhiều nơi cuộc sống bà con còn rất khó khăn, do đó chiếu phim cho dân xem, thấy bà con thích thú thì cả đội vui theo.
Ông Nguyễn Ngọc Long - giám đốc Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San - nói rằng dù gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng các anh trong đội chiếu phim lưu động không ngừng nỗ lực, khắc phục để mang những bộ phim hay, ý nghĩa đến với thôn buôn vùng sâu, vùng xa. Đó là điều rất đáng trân quý.
Theo ông Nguyễn Ngọc Long, đội chiếu phim lưu động cũng là lực lượng tiên phong trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là những nội dung về văn hóa, an toàn giao thông, an ninh trật tự.
"Chiếu phim lưu động là một hoạt động văn hóa quan trọng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, giáo dục nhân cách, xây dựng nền văn hóa mới cho người dân vùng sâu, vùng xa" - ông Long nói
TT - “Các cậu ơi, ra chợ xem phim đi, đông dữ lắm rồi kìa” - cô bạn trẻ giọng Bắc loan tin như reo cho dãy phòng trọ gần khu chợ Sơn Kỳ, Q.Tân Phú (TP.HCM). Sân chợ Sơn Kỳ đã trở thành rạp chiếu bóng ngoài trời!