Anh em nhà sáng lập Tập đoàn Kido
Tập đoàn Kido (tiền thân là Kinh Đô) được sáng lập và lãnh đạo bởi 2 anh em ông Trần Kim Thành và Trần Lệ Nguyên.
Hai người bắt đầu làm quen với lĩnh vực bánh kẹo khi làm việc trong một tiệm bánh nhỏ của gia đình. Khởi đầu của Kinh Đô là một cơ sở nhỏ với vốn đầu tư 1,5 tỷ đồng, gồm 70 công nhân viên, chuyên sản xuất bánh mì, bánh tươi tại TPHCM.
Năm 1993, Công ty Xây dựng và chế biến thực phẩm Kinh Đô được thành lập, tập trung vào sản xuất bánh snack (bim bim), đánh bật sản phẩm snack của Thái Lan ra khỏi thị trường.
Từ sự thành công của bánh snack, sau đó Kinh Đô dần thâm nhập vào thị trường bánh cookie, cracker, bánh trung thu, kẹo.
Năm 2000, tập đoàn này mở rộng hoạt động kinh doanh tại phía Bắc với việc thành lập Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Kinh Đô Miền Bắc (NKD). Đến năm 2010, công ty này đã được sáp nhập vào Công ty cổ phần Kinh Đô.
Cuối năm 2014, Kinh Đô bất ngờ bán lại thương hiệu cho Tập đoàn Mondelēz International khi đang ở trên đỉnh cao với giá trị khoảng 10.000 tỷ đồng. Công ty cổ phần Kinh Đô đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Kido, rời lĩnh vực kinh doanh bánh kẹo và bước chân vào thị trường dầu ăn, kem và các mảng thực phẩm thiết yếu khác.
Tận dụng nguồn lực mới sau thương vụ, tập đoàn này dần chiếm lĩnh thị trường ngành kem và dầu ăn tại Việt Nam. Đến năm 2021, Kido chính thức quay trở lại thị trường bánh kẹo sau khi hết thời gian cam kết trong hợp đồng.
Hiện ông Trần Lệ Thành là Chủ tịch HĐQT của Kido, Tổng Công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam - CTCP (mã chứng khoán: VOC), Công ty cổ phần Thực phẩm đông lạnh KIDO (mã chứng khoán: KDF). Ông Thành sở hữu khối tài sản khoảng 56,1 tỷ đồng từ cổ phiếu KDC, TLG, TAC (tính tại ngày 7/2/2024).
Còn ông Trần Lệ Nguyên là Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Kido, Chủ tịch Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An. Ông Nguyên sở hữu khối tài sản khoảng 2.135,5 tỷ đồng (tính tại ngày 7/2/2024).
Anh em nhà sáng lập Tập đoàn Eurowindow
Trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng, Công ty cổ phần Eurowindow Holding là đơn vị có tiếng. Sáng lập và lãnh đạo doanh nghiệp này là anh em ông Nguyễn Cảnh Sơn và Nguyễn Cảnh Hồng.
Trong báo cáo thường niên Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - mã chứng khoán: TCB), ông Nguyễn Cảnh Sơn được giới thiệu là có hơn 20 năm kinh nghiệm tại các vị trí thành viên HĐQT và Chủ tịch HĐQT tại các tổ chức lớn như Công ty cổ phần Eurowindow Holding và Công ty cổ phần Đầu tư T&M Việt Nam.
Ông tham gia HĐQT Techcombank từ tháng 5/2008 và là Phó chủ tịch HĐQT từ tháng 4/2009 tới nay. Ông Sơn tốt nghiệp Kỹ sư Xây dựng tại Trường đại học kỹ sư xây dựng thành phố Mátxcơva (nay là Đại học Tổng hợp Xây dựng Quốc gia - Liên bang Nga).
Em trai ông Sơn là ông Nguyễn Cảnh Hồng, hiện là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Eurowindow. Doanh nghiệp này phát triển nhiều dự án có quy mô lớn như tổ hợp đa chức năng Hà Nội - Matxcova, Melinh PLAZA; Melinh PLAZA Hà Đông, Vincentra tại Nghệ An, khu đô thị Nghĩa Đô, Eurowindow River Park, Eurowindow Garden City.
Hai vị doanh nhân còn lãnh đạo các công ty thành viên khác Công ty cổ phần Đầu tư trung tâm thương mại Hà Nội - Matxcova, Công ty cổ phần Đầu tư trung tâm thương mại Vinh (Vicentra), Công ty TNHH Đầu tư Incentra, Công ty cổ phần Eurowindow Quảng Bình Luxury, Công ty cổ phần Eurowindow Quảng Bình FiveStar.
Hiện ông Sơn sở hữu khối tài sản khoảng 669,7 tỷ đồng từ cổ phiếu TCB (tính tại ngày 7/2/2024).
Anh em nhà sáng lập Tập đoàn DOJI
Tập đoàn DOJI được sáng lập bởi ông Đỗ Minh Phú. Ở Việt Nam, gia tộc họ Đỗ đã có 4 đời làm kinh doanh nhưng không phải có nghề gia truyền, gia bảo nào mà mỗi thế hệ đi theo một ngã rẽ khác nhau. Phải đến đời thứ 4 (con ông Đỗ Minh Phú) mới có sự kế thừa.
Tốt nghiệp loại xuất sắc khoa vô tuyến điện tử Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Phú trở thành cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Viễn thám, Viện Khoa học Việt Nam. Công việc của ông là dùng ảnh vệ tinh làm ra các loại bản đồ hiện trạng, đưa ra dự báo thời tiết về mưa, bão.
Những năm 1990, Việt Nam tìm ra đá quý ở mỏ Lục Yên - Yên Bái; Quỳ Châu - Nghệ An với chất lượng không kém mỏ tại Myanmar và trở thành tâm điểm của giới đá quý thế giới lúc bấy giờ. Ông Phú được Viện Khoa học Việt Nam cử tham gia và trở thành Tổng giám đốc công ty liên doanh đá quý Vigentech.
Thời điểm đó, là một nhà nghiên cứu khoa học, ông Phú tiếp nhận các bí quyết về xử lý đá quý của đối tác Thái Lan và cùng với các đồng nghiệp tìm ra giải pháp riêng trong xử lý nhiệt đối với đá quý Việt Nam. Thành công với công nghệ này, ông Phú đồng thời được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Nghiên cứu kỹ thuật đá quý của Viện Khoa học Việt Nam.
Năm 1994, ông Phú xin nghỉ việc tại công ty liên doanh để thành lập công ty riêng với tên gọi Công ty TNHH Phát triển Công nghệ và Thương mại TTD (viết tắt của Technology and Trading Development) - tiền thân của Tập đoàn DOJI sau này. Là đơn vị nắm giữ công nghệ xử lý đá quý của Việt Nam, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực khai thác cắt mài đá quý, công ty TTD phát triển nhanh chóng.
Trong 2 năm 2007-2008, thời điểm diễn ra khủng hoảng kinh tế tại Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp đều co cụm lại, ông Đỗ Minh Phú quyết định thâu tóm một số công ty trong ngành gồm SJC Hà Nội, SJC Đà Nẵng và Công ty cổ phần Đá quý và vàng Yên Bái để tái cấu trúc các công ty do mình sở hữu, đổi tên thành Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI, phân chia thành 6 công ty thành viên.
Ngoài mảng kinh doanh đá quý, anh em ông Phú còn là người sáng lập nên thương hiệu băng vệ sinh Diana vào năm 1997. Sau này, 2 ông quyết định bán Công ty Diana cho đối tác Nhật Bản và thu về một khoản tiền rất lớn. Số tiền này được dành để mua TPBank vào năm 2012. Lúc đó, ngân hàng này nằm trong danh sách 9 ngân hàng yếu kém, phải tái cơ cấu.
Tại DOJI cũng như TPBank, ông Phú đảm nhận trách nhiệm về chiến lược phát triển, quản trị lõi. Còn ông Đỗ Anh Tú phụ trách vận hành cụ thể, đặc biệt là có vai trò chủ chốt trong chiến lược marketing.
Hiện ông Tú sở hữu khối tài sản khoảng 1.510 tỷ đồng từ cổ phiếu TPB (tính tại ngày 7/2/2024).