Trong không khí rộn ràng khi tết đến xuân về, nhiều người dân muốn mua pháo về đốt. Hành vi đốt pháo nổ hướng ứng không khí mùa xuân có bị đi tù không? (Hoàng Luân, 32 tuổi, Đồng Nai).
Liên quan tới vấn đề trên, luật sư Đặng Thị Thúy Huyền (Đoàn luật sư TPHCM) cho biết, khoản 1 Điều 3 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định về quản lý, sử dụng pháo thì pháo bao gồm pháo nổ và pháo hoa.
Trong đó, pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ.
Còn pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP, các hành vi chế tạo, sản xuất, mua bán, vận chuyển, sử dụng pháo nổ đều bị nghiêm cấm.
Điều 5 Các hành vi bị nghiêm cấm
"Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này".
Ngoài ra, tại Điều 17 Nghị định 137/2020/NĐ-CP cũng có quy định về việc người dân được phép sử dụng pháo hoa trong dịp Tết như sau:
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Như vậy, theo các điều khoản trên người dân có thể sử dụng pháo hoa mua tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa nhưng hoàn toàn không được sử dụng pháo nổ.
Theo luật sư Huyền, nếu sử dụng pháo nổ, mức độ nhẹ người vi phạm có thể sẽ bị xử phạt hành chính theo điểm i, khoản 3 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình) với mức phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
Ngoài xử lý hành chính, luật sư Huyền cho biết theo quy định tại mục II Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC quy định về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi đốt pháo nổ, người nào đốt pháo nổ thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng.
- Đốt pháo nổ ở nơi công cộng, những nơi đang diễn ra các cuộc họp, những nơi tập trung đông người;
- Đốt pháo nổ ném ra đường, ném vào người khác, ném vào phương tiện khác đang lưu thông, ném từ trên cao xuống, đốt pháo nổ mang theo xe đang chạy...
Nếu đốt pháo nổ thuộc một trong các trường hợp như đã bị kết án về tội Gây rối trật tự công cộng; lôi kéo, kích động trẻ em hoặc lôi kéo, kích động nhiều người cùng đốt pháo... có thể bị phạt đến 7 năm tù (theo Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi).
Bên cạnh đó, người nào đốt pháo nổ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì ngoài việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh khác tương xứng với hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác do hành vi đốt pháo gây ra.
Xem thêm: mth.15091759040204202-ut-iogn-gnuhc-ioc-tet-yagn-on-oahp-tod/taul-pahp/nv.moc.irtnad