Ngày cuối năm, phòng trọ chừng 20 mét vuông khép kín của chị Xuân (28 tuổi, quê Thái Nguyên) tại xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, đón thêm vài vị khách đặc biệt. Hôm nay, có cán bộ công đoàn đến thăm, tặng quà Tết và mời chị dự cơm tất niên với chủ nhà và các công nhân khác.
Ước mong “mẹ tròn con vuông”
Khoảng sân trống thường ngày để xe máy nay nhường chỗ cho bữa tiệc tất niên tưng bừng, điểm tô vài cây đào, quất xung quanh.
Trong niềm xúc động, chị Xuân kể hai vợ chồng rời quê ở Thái Nguyên đến Bắc Giang cách xa hơn trăm cây số để làm việc được 3 năm nay. Gần đây, chị nghỉ thai sản chờ sinh con, còn chồng đi làm tối mới về nên cảm giác cô đơn. Có người đến thăm, chị mừng ra mặt.
“Năm nào mình cũng về nhưng Tết năm nay khó khăn hơn lại sắp sinh, hai vợ chồng bàn với nhau ở lại làm thêm, cố thêm chút để chi tiêu. Mới hôm trước, mình đi khám, bác sĩ nói ra giêng kiểm tra lại, sau đó nghỉ sinh con khỏe rồi hẵng đi làm nên mình động viên anh cố gắng, ông bà làm ruộng dưới quê cũng không đỡ đần được mấy”, chị Xuân bộc bạch.
Nghĩ đến cảnh bầu bí cô quạnh, chị Xuân thổ lộ khi nằm viện chỉ có một mình, tối chồng đi làm về nằm bên được đến sáng. Có hôm chồng làm sớm, chị lại phải nhờ các cô thăm bà bầu mua hộ đồ ăn sáng.
“Bố mẹ thường xuyên gọi điện hỏi thăm tình hình thế nào, bao giờ ra viện, em bé có sao không”, chị kể.
Hỏi thêm mới biết vợ chồng chị hiếm muộn, chạy chữa nhiều năm, tiền lương cầm chưa nóng tay đã dành để đi viện. Có lúc nản chí định dừng lại thì bác sĩ động viên thử thêm cách khác. Cuối cùng, vận may mỉm cười, chị có con, lại còn sinh đôi.
“Tết này mình vui lắm vì thỏa ước bấy lâu nay. Hôm nay, có anh chị công đoàn đến động viên, mình xúc động lắm, chả biết nói gì. Năm mới, chỉ mong mẹ tròn con vuông, con cái khỏe mạnh để báo tin vui cho ông bà”, chị Xuân nói.
Nữ công nhân 10 năm ăn Tết xa nhà
Cũng là công nhân xa quê lâu năm, chị Oanh (42 tuổi, quê Thanh Hóa) tâm sự đã gần một thập niên ăn Tết ở Bắc Giang, tưởng chừng đã quen nhưng vẫn man mác buồn. Là mẹ đơn thân, ở nhà khó khăn, nghe người quen giới thiệu, chị cùng con lên đây tìm việc.
Mới đầu, chị xin làm ở một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Đình Trám, dù vất vả song có thu nhập chăm lo cho con.
Chị thú thật nhiều năm liền không về quê ăn Tết một phần vì muốn kiếm thêm thu nhập vì lương ngày lễ cao hơn, phần khác muốn tích cóp để dành cho lúc khó khăn.
Trước đây, theo chị Oanh, thu nhập được 8 - 9 triệu đồng/tháng nhưng từ khi có dịch COVID-19, công việc bấp bênh, giảm giờ làm, thu nhập chỉ được 5 - 6 triệu đồng/tháng. Thương con, chị phải thắt chặt chi tiêu, không về Tết.
Nữ công nhân đưa ra những con số chi tiêu: tiền trọ, điện nước đã hơn triệu bạc, chưa tính tiền học cho con, xăng xe, ốm đau, số tiền tích lũy không nhiều. “Cháu cũng lớn rồi, hiểu khó khăn của mẹ nên thông cảm, ngoan ngoãn”, chị tâm sự.
Không để con tủi thân, chị vừa mua tặng con bộ quần áo và đôi giày mới để đi học.
“Chủ trọ cũng quan tâm, Tết nào cũng tặng cặp bánh chưng. Phòng trọ nhỏ nên cũng không có chỗ bày mâm ngũ quả. Năm mới, mình chỉ mong có sức khoẻ, đều việc để hai mẹ con đỡ vất vả”, chị Oanh bày tỏ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lê Đức Thọ - phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang - khẳng định tổ chức Công đoàn luôn quan tâm, chăm lo, nhất là công nhân xa nhà.
Sơ bộ, Bắc Giang có khoảng 3.000 công nhân làm xuyên Tết, do đó chương trình “Tết không xa nhà” với các hoạt động lì xì, gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả, liên hoan ăn uống được đoàn viên, lao động hưởng ứng, trân trọng.
Theo ông Thọ, người lao động xa quê ở lại nhà trọ ăn Tết vì nhiều lý do như tăng ca làm để kịp đơn hàng của công ty, làm thời vụ, hoặc có thể con ốm, sức khỏe chưa tốt nên ở lại. Đến các nhà trọ, ông và các cán bộ công đoàn đều đề nghị chủ trọ hỗ trợ thêm cho công nhân như tặng quà bánh, giảm tiền thuê trọ...
Ông Nguyễn Bá Quang - chủ nhà trọ tại thị xã Việt Yên - bày tỏ luôn đồng hành, hỗ trợ công nhân thuê trọ. Tết này, trong 50 phòng trọ, có tới 10 công nhân ở lại đón Tết.
Bản thân ông vui mừng vì công đoàn tổ chức “Tết không xa nhà ở gia đình mình” để người thuê trọ bớt đi lo toan cuộc sống, cảm thấy ấm áp khi xa quê.
Háo hức về quê, người lao động đã chuẩn bị ba lô, va li đồ đạc về quê từ tối hôm trước. Hôm sau, trời chưa sáng rõ, họ đã đứng sẵn ở điểm đón chờ xe lăn bánh về nhà.