VN-Index tăng 12,2%
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam khép lại năm 2023 ở mốc 1.129,93 điểm của VN-Index. Dù chưa thể đóng cửa trên ngưỡng 1.130 điểm nhưng xét trong vòng một năm qua, VN-Index đã có nhịp tăng gần 123 điểm, tương đương xấp xỉ 12,2%.
Sự tăng trưởng của chỉ số đại diện sàn giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) giúp hiệu suất TTCK Việt Nam năm 2023 vượt qua nhiều thị trường khác trong khu vực và lân cận như Thái Lan (giảm 15,15%); Hong Kong (giảm 13,94%), Thượng Hải (giảm 3,7%); Malaysia (giảm 2,73%); Philippines (1,77%); Singapore (giảm 0,34%)…
Nhìn lại 2023, sau quý đầu tiên giao dịch ảm đạm, thị trường dần "nóng" lên từ đầu tháng 5 với những thông điệp quan trọng của chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu, bất động sản; hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất có xu hướng hạ nhiệt nhanh, các kênh đầu tư khác như bất động sản trở nên trầm lắng, không khí giao dịch trên thị trường cổ phiếu trở nên sôi động.
VN-Index đi lên mạnh mẽ và đạt đỉnh một năm vào giữa tháng 9 tại mốc 1.245,3 điểm (tăng 24% so với cuối 2022).
Thanh khoản trong khoảng thời gian này được đẩy lên cao, có nhiều phiên khớp lệnh tỷ USD. Đáng chú ý, phiên giao dịch 18/8, sàn HoSE ghi nhận kỷ lục 1,6 tỷ cổ phiếu được khớp lệnh, cao nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam, với tổng giá trị được chuyển nhượng khoảng 1,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, kể từ nửa sau tháng 9, chịu ảnh hưởng của áp lực chốt lời và một số yếu tố khác, VN-Index điều chỉnh mạnh, có thời điểm gần đánh mất thành quả tăng giá từ đầu năm khi lùi về sát mốc 1.000 điểm. 2 tháng cuối năm, VN-Index đi vào nhịp hồi phục, lấy lại được mốc quan trọng 1.100 điểm. Thống kê cho thấy, có tới 8 lần trong năm VN-Index trồi sụt quanh ngưỡng này.
Hơn 70 mã cổ phiếu tăng bằng lần
Thị trường biến động khó lường khiến nhiều công ty chứng khoán, tổ chức tài chính "việt vị" khi đưa ra dự báo tương đối lạc quan với VN-Index. VN-Index "chốt" năm dưới 1.130 điểm nhưng trước đó nhiều đơn vị dự báo chỉ số sẽ vượt 1.200 điểm, như TPS, VCBS, ACBS, VDSC, MBS, VietCap…, thậm chí VnDirect cho rằng VN-Index có thể đạt hoặc vượt 1.300 điểm; Maybank có thời điểm dự báo VN-Index có thể cán mốc 1.400 điểm.
Dù mức tăng trưởng của thị trường "hụt" kỳ vọng nhưng không ít nhà giao dịch vẫn đạt được mức lợi nhuận lớn nhờ "bắt" trúng cổ phiếu mạnh, có chiến lược mua - bán hợp lý khi "lướt sóng". Một số thống kê cho thấy, năm qua có tới hơn 600 mã cổ phiếu có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng của giá vàng (hơn 15% so với đầu năm) và tới khoảng 70 mã cổ phiếu tăng trưởng trên 100%.
Trong đó, nổi bật là cổ phiếu ngành chứng khoán. VIX, BSI tăng lần lượt 203% và 199%, tức tăng gấp 3 lần so với đầu năm; FTS tăng 166%; VDS tăng 132%; CTS tăng 123% và AGR tăng 122%. Cổ phiếu SHS và MBS trên sàn HNX cũng tăng rất mạnh, lần lượt 122% và 112%.
Nhiều mã cổ phiếu bất động sản, xây dựng cũng đã có 1 năm rực rỡ. QCG tăng 153%; VPH tăng 117%; PDR tăng 108%; SZC tăng 103%; CTD tăng ấn tượng 176%...
Tuy vậy cũng phải nói thêm rằng, xác suất nhà đầu tư mua vào đúng cổ phiếu tăng trưởng, canh đúng điểm mua, điểm bán là không hề dễ. Không phải nhà đầu tư nào cũng có thể kiên định giữ được cổ phiếu tốt trong nhịp điều chỉnh, cũng như không phải ai cũng tránh được tình huống "mua hớ" vì tâm lý sợ mất lượt (fomo) dẫn tới "đu đỉnh", thua lỗ và "kẹp hàng".
Kỳ vọng vào năm 2024
Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai công tác năm 2024 của UBCKNN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đánh giá, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô thế giới vẫn còn khó đoán định, tăng trưởng kinh tế và sức khỏe doanh nghiệp trong nước còn mới đầu giai đoạn phục hồi, thì với vai trò là "hàn thử biểu", TTCK Việt Nam dự báo còn nhiều thách thức trong năm 2024.
Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác nâng hạng TTCK từ cận biên lên mới nổi. Lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh, "nâng hạng TTCK là một trong những nhiệm vụ ưu tiên năm 2024".
Quyết tâm nâng hạng cũng là một trong những yếu tố tích cực giúp triển vọng chứng khoán năm mới khởi sắc hơn, theo ông Bùi Văn Huy - Giám đốc Chi nhánh TPHCM của Công ty Chứng khoán DSC - khi trao đổi với phóng viên Dân trí.
Ngoài ra, theo ông Huy, TTCK năm 2024 còn được hỗ trợ bởi kỳ vọng về sự phục hồi của kinh tế thế giới và sự đảo chiều chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương; ở trong nước, chính sách tiền tệ, tài khóa nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, cùng với đó là hệ thống công nghệ thông tin KRX sẽ chính thức vận hành.
Tuy vậy, thị trường trong năm mới cũng đối mặt với những rủi ro như kinh tế Mỹ hạ cánh cứng, kinh tế Trung Quốc giảm phát; rủi ro từ thị trường trái phiếu, bất động sản và nợ xấu ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế; lạm phát; và rủi ro địa chính trị thế giới.
Tính tại thời điểm cuối năm 2023, định giá thị trường chứng khoán theo P/E (hệ số giá trên lợi nhuận cổ phiếu) là 13,93 lần, được nhiều chuyên gia đánh giá là vẫn đang hấp dẫn.
Nhóm phân tích tại VNDirect kỳ vọng, trong năm 2024, P/E của VN-Index sẽ phục hồi về mức trung bình 5 năm là khoảng 15 lần do thị trường tài chính trở lại điều kiện bình thường trong khi chỉ số lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) toàn thị trường tăng trưởng tích cực. Qua đó VN-Index có thể đạt vùng 1.400-1.450 điểm.
Bộ phận phân tích của nhiều đơn vị khác cũng tỏ ra lạc quan với triển vọng chứng khoán năm 2024. Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo mức cao nhất của chỉ số VN-Index có thể đạt được trong năm 2024 là vùng 1.300 điểm. Tuy nhiên, VCBS cũng lưu ý rằng TTCK có khả năng sẽ ghi nhận những nhịp điều chỉnh giảm mạnh xen kẽ giữa những nhịp tăng điểm trong bối cảnh chịu tác động từ cả yếu tố hỗ trợ tích cực lẫn những tác động tiêu cực từ các rủi ro kinh tế vĩ mô toàn cầu vẫn đang hiện hữu.
Công ty Chứng khoán TPS thì cho rằng, quá trình tạo đáy cuối năm 2023 chính là tiền đề cho sự bứt phá trong giai đoạn tiếp theo ở năm 2024, thời điểm mà thị trường kỳ vọng sẽ có thêm sự hỗ trợ về mặt vĩ mô trong nước.
Theo TPS, so với các quốc gia trong khu vực, VN-Index đang có mức P/E dự phóng khá thấp vào khoảng 9,1 lần. Nhà đầu tư ngoại thường lựa chọn ở những thị trường rẻ hơn để đầu tư, nhất là trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang đặt mục tiêu nâng hạng từ cận biên lên mới nổi trong khoảng 2-3 năm tới đây. Theo đó, năm 2024, kịch bản cơ sở của TPS dự báo VN-Index sẽ dao động quanh mục tiêu 1.387 điểm, tương ứng với mức tăng trưởng thận trọng 10% cho cả năm và P/E mục tiêu là 15.x (tương đương với P/E trung bình 10 năm gần nhất). Ở kịch bản khả quan, mức tăng trưởng toàn thị trường từ 15% sẽ dẫn dắt VN-Index đến quanh mức 1.450 điểm.
Một số công ty khác như FPTS nhận định, VN-Index vượt ngưỡng tâm lý ngắn hạn 1.130-1.140 điểm trong quý I/2024 sẽ là tín hiệu xác nhận giai đoạn biến động giằng co kết thúc; xu thế chủ đạo là tăng giá và mục tiêu hướng đến vùng 1.400 điểm. Chứng khoán Phú Hưng (PHS) dự báo VN-Index có thể tăng lên mức 1.460 điểm vào năm 2024, với tỷ lệ P/E trung bình là 14,x.
Chính phủ mới đây đã phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030, đặt mục tiêu quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025 và đạt 120% GDP vào năm 2030.
Trên cơ sở phục hồi của năm 2023 cùng những yếu tố hỗ trợ vào năm tới, giới đầu tư đang kỳ vọng 2024 sẽ là một năm khởi sắc của thị trường chứng khoán.