Trên hết, cả các quan chức quân sự châu Âu cũng như nhiều nhà phân tích đều lo ngại về tình trạng thiếu đạn dược, thiết bị mới và năng lực sản xuất vũ khí hiện tại ở lục địa già.
Ông Lange đánh giá rằng bước đầu của thay đổi trong chiến lược đang diễn ra. Điều này được tạo động lực bởi tình hình quân sự ở Ukraine và các phân tích từ quân đội phương Tây.
Tiềm năng răn đe quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có liên hệ chặt chẽ với việc hỗ trợ Ukraine. Năm 2023, Liên minh châu Âu (EU) cam kết sẽ cung cấp một triệu quả đạn pháo cho Ukraine vào tháng 3. Lời hứa đó đã không được thực hiện. Tuy nhiên, theo DW, Ukraine không phải là nước duy nhất cần khẩn cấp những nguồn cung cấp này. Kho đạn dược của các nước thành viên NATO cũng đã cạn kiệt.
Trong một phân tích gần đây, ông Gustav Gressel tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR) đã viết: "Phương Tây và châu Âu nói riêng đặc biệt cần phải xem xét lại các quy định tài chính và tạo ra nền kinh tế quy mô để kích thích triệt để việc sản xuất máy bay không người lái, đạn dược, xe chiến đấu bọc thép…".
Ông Gressel cho biết chiến lược cung cấp cho Ukraine chủ yếu các loại vũ khí quen thuộc do Liên Xô sản xuất từ kho dự trữ của các quốc gia Đông Âu đang đi đến hồi kết vì đơn giản là không còn gì cả. Theo ông, việc sản xuất vũ khí phải được tăng cường ồ ạt, cho cả Ukraine và các nước thành viên NATO ở châu Âu.
Trong mùa đông thứ hai của xung đột ở Ukraine, các nhà lãnh đạo quân sự và nhà phân tích chủ yếu tập trung vào yếu kém của Ukraine khi dùng pháo đối đầu với Nga. Trong một podcast gần đây, nhà phân tích Michael Kofman tại Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ (CNA) nhận xét Nga đã thiết lập chiến thuật 5 chọi 1 ở mặt trận, được hiểu là cứ mỗi quả đạn Ukraine phóng, Nga sẽ đáp trả bằng 5 quả.
Ông Kofman tin rằng có khả năng Ukraine sẽ phải rút khỏi Avdiivka ở mặt trận phía Đông. Ngoài ra, còn có nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công lớn của Nga vào thành phố Kupiansk, xa hơn về phía Bắc.
Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông địa phương, Thiếu tướng Đức Christian Freuding đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng năng lực có cấu trúc lâu dài của các lực lượng vũ trang Ukraine. Ông Christian Freuding là người phụ trách giám sát hỗ trợ của quân đội Đức dành cho Ukraine.
Vào đầu tháng 2, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, Tướng Valerii Zaluzhnyi, đã viết trong một bài phân tích cho kênh CNN (Mỹ): "Điều quan trọng là những hệ thống không người lái chẳng hạn như máy bay không người lái cùng với các loại vũ khí tiên tiến khác, mang đến giải pháp tốt nhất để Ukraine tránh bị lôi kéo vào một cuộc địa chiến mà Kiev không có lợi thế”.
Đối với hơn 50 quốc gia ủng hộ Ukraine, dẫn đầu là Mỹ, điều này đồng nghĩa với việc cung cấp nhiều vũ khí công nghệ cao hơn. Mỹ đã đáp lại lời kêu gọi bằng việc chuyển cho quân đội Ukraine bom dẫn đường chính xác GLSDB kể từ đầu tháng 2. GLSDB do Boeing-Saab sản xuất, có tầm bắn 150 km, khiến tuyến đường tiếp tế chính của quân đội Nga - dải bờ biển giữa Crimea và thành phố Mariupol - nằm trong tầm của Ukraine. Kiev đã chờ đợi những vũ khí chính xác này trong hơn một năm.
Ông Lange nhận định rằng một số động thái đang diễn ra theo hướng của Ukraine nhưng vẫn còn phải xem liệu thay đổi do các chiến lược gia quân sự phương Tây và Ukraine thúc đẩy này, có được các chính trị gia ở châu Âu chấp nhận hay không. Vì họ là những người có thẩm quyền để đảm bảo về hỗ trợ tài chính để cung cấp vũ khí cho Ukraine trong nhiều năm tới, cũng như để tăng cường sản xuất vũ khí ở châu Âu.
Xem thêm: nhc.543820470012042881-eniarku-ev-coul-neihc-iod-yaht-uad-tab-ua-uahc/nv.fefac