Bộ Công an đang lấy ý kiến về dự thảo thông tư quy định về mẫu căn cước, giấy chứng nhận căn cước.
Nhiều thay đổi trên căn cước mới
Theo dự thảo tờ trình của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) để thực hiện nội dung quy định của Luật Căn cước, thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện cần thiết phải xây dựng, ban hành thông tư này.
Thông tư dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2024, khi Luật Căn cước mới có hiệu lực thi hành.
Về kích thước, hình dáng căn cước, theo dự thảo thông tư cơ bản giống như căn cước công dân hiện nay. Tuy nhiên, nhiều thông tin thể hiện trên mặt thẻ sẽ có thay đổi theo quy định của Luật Căn cước mới.
Cụ thể, dòng chữ căn cước công dân đổi thành căn cước. Ngoài ra ở mặt trước sẽ có một số thay đổi như số chuyển thành số định danh cá nhân.
Mục "quê quán" đổi thành "nơi đăng ký khai sinh", "nơi thường trú" đổi thành "nơi cư trú" và chuyển về mặt sau của căn cước thay vì mặt trước như hiện nay.
Chữ ký của cơ quan cấp thẻ đổi từ "Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, xã hội" thành "Bộ Công an".
Ngoài ra, như quy định tại Luật Căn cước mới thì thông tin về đặc điểm nhân dạng, vân tay ngón trỏ trái và ngón trỏ phải không còn thể hiện trên căn cước.
Tương tự, mã QR code cũng được chuyển sang mặt sau của thẻ, thay vì mặt trước như hiện nay.
Thông tin trong mã QR code bao gồm họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân của chủ hộ, cha, mẹ, vợ, chồng, con; số chứng minh nhân dân 9 số (nếu có); số định danh cá nhân đã hủy (nếu có).
Về mẫu chứng nhận căn cước có hình chữ nhật, kích thước 125 x 170 mm. Trên giấy chứng nhận căn cước có ảnh của người được cấp giấy chứng nhận căn cước cỡ 25 x 33 mm; mã QR code kích thước 18 x 18 mm; ô vân tay ngón trỏ trái; ô vân tay ngón trỏ phải.
Bên phải từ trên xuống có thông tin về số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; tình trạng hôn nhân; nơi ở hiện tại; Họ, chữ đệm và tên cha.
Quốc tịch; họ, chữ đệm và tên mẹ; quốc tịch; họ, chữ đệm và tên vợ (chồng); quốc tịch; họ, chữ đệm và tên của người đại diện hợp pháp, người giám hộ, người được giám hộ; quốc tịch; thời hạn sử dụng đến; giám đốc công an...
Tờ trình của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) cũng nêu rõ căn cước công dân đã được cấp trước ngày thông tư này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định.
Khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang căn cước theo quy định tại thông tư này.
Từ 0 - 6 tuổi sẽ được cấp căn cước khi có nhu cầu
Cũng theo quy định của Luật Căn cước mới thì với trẻ em dưới 14 tuổi khi có nhu cầu có thể được cấp căn cước.
Theo đó, người dưới 14 tuổi hoặc cha, mẹ, người giám hộ của người dưới 14 tuổi có quyền đề nghị cơ quan quản lý căn cước cấp thẻ căn cước.
Trong đó, với trẻ em 0 - 6 tuổi thì cha, mẹ hoặc người giám hộ thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 6 tuổi thông qua cổng dịch vụ công.
Trường hợp người dưới 6 tuổi chưa đăng ký khai sinh thì cha, mẹ hoặc người giám hộ thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước.
Cơ quan quản lý căn cước không thu nhận đặc điểm nhân dạng và thông tin sinh trắc học đối với người dưới 6 tuổi.
Còn với người từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi thì cha, mẹ hoặc người giám hộ đưa người đó đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận đặc điểm nhân dạng và thông tin sinh trắc học theo quy định...
Tại dự thảo thông tư quy định rõ hai mẫu căn cước được xem xét cấp cho người từ 0 - 6 tuổi và từ 6 tuổi trở lên. Trong đó, mẫu đề xuất dành cho người từ 0 - 6 tuổi sẽ không có ảnh trên căn cước.
Cục C06 - Bộ Công an đã tổ chức hội thảo đánh giá các giải pháp khoa học, công nghệ sinh trắc học ADN, giọng nói, mống mắt để triển khai Luật Căn cước mới.