vĐồng tin tức tài chính 365

Quà quê ra thế giới

2024-02-11 15:17

Mang món Việt đi muôn nơi

Mời chúng tôi thưởng thức miếng bánh phồng cuộn chuối, thơm, xoài, mãng cầu... ngọt thanh, thơm vị trái cây với lớp bánh giòn rụm, bà Nguyễn Thị Bích Thủy - Giám đốc Công ty TNHH Tây Cát (tỉnh Đồng Tháp) phấn khởi cho biết những khoanh bánh dân dã này đã được xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc, New Zealand, Campuchia… 

Mùa tết 2024, hơn 60 tấn bánh thương hiệu Tư Bông được xuất khẩu, chiếm 50%/tổng sản lượng. Theo bà Bích Thủy để làm được điều này, song song việc kế thừa, giữ hương vị truyền thống của bánh và đa dạng vị bánh bằng cách kết hợp nhân trái cây với hạt điều, mè, đậu phộng... Độ ngọt của bánh chủ yếu từ trái cây, lượng đường được gia giảm ở mức tối thiểu. Tỉ lệ gừng trong nhân bánh cũng được cân đối theo thị hiếu người tiêu dùng (NTD) của từng nước nhập khẩu. 

Bà Huỳnh Thị Thu Thủy - đại diện Hợp tác xã Chế biến nông sản thực phẩm Bà Ba Hội (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) - giới thiệu món ngon xứ Quảng
Bà Huỳnh Thị Thu Thủy - đại diện Hợp tác xã Chế biến nông sản thực phẩm Bà Ba Hội (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) - giới thiệu món ngon xứ Quảng

Các công đoạn tạo nên sản phẩm (SP) khá công phu. Bánh phồng được làm từ nếp qua các bước ngâm, hấp chín, quết nhuyễn, cán bột, sấy khô, nướng bánh giòn. Sau đó, tiếp tục đem bánh phơi sương cho bánh mềm vừa phải rồi mới cuộn nhân, cắt bánh, sấy khô, đóng gói... “Chuối làm nhân phải là chuối xiêm phơi 3 nắng, sau đó cắt thành sợi và xào cho dẻo. Gừng cũng được cắt sợi nhỏ chứ không xay nhuyễn lấy nước, dù làm vậy rất mất thời gian nhưng khi ăn miếng bánh thực khách cảm nhận được vị thơm, cay nhẹ của sợi gừng... Các loại hạt được rang chín cho vào nhân sau khi kết thúc công đoạn xào để giữ được độ giòn” - chủ thương hiệu Tư Bông chia sẻ.

Trước đây, các công đoạn trên đều làm thủ công, bánh nướng bằng than củi nhưng khi xuất khẩu thành công, sản lượng bánh tăng cao, cơ sở chuyển sang nướng bánh bằng bếp điện. Dù vậy, độ ngon, hương vị bánh vẫn không thay đổi. Trung bình mỗi tháng, công ty sản xuất khoảng 20 tấn bánh phồng cuộn trái cây; ngoài ra còn có củ sen kẹp cam, kẹp thơm; bánh gạo lứt kẹp mứt trái cây...

Các món ăn đặc trưng Quảng Trị, Nghệ An như bánh canh cá lóc, miến xào lươn, bún lươn xào nghệ... cũng được xuất khẩu thành công sang Mỹ, Canada, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc... Ông Lê Trọng Đôn - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Cà Mèn (TPHCM) - cho biết, dựa trên nền tảng sở hữu quán  ăn chuyên doanh các món ăn đặc trưng Quảng Trị đã được nhiều thực khách biết đến, ông và cộng sự quyết định quảng bá các món ăn đậm hương vị quê hương này thông qua con đường đóng gói SP tươi để xuất khẩu. Nguyên liệu SP gồm: bánh canh, miến, bún; cá, lươn tươi đã được ướp sẵn gia vị và đóng gói, đông lạnh ở nhiệt độ -18 độ C, bảo quản được trong vòng 12 tháng. Sau khi rã đông SP, người dùng chỉ cần nấu khoảng 3-5 phút, hương vị món ăn vẫn tươi ngon.

Ông Nguyễn Đức Nhật Thuận (người mặc áo trắng) - Nhà sáng lập Cà Mèn -  giới thiệu cháo bột cá lóc đến khách hàng quốc tế
Ông Nguyễn Đức Nhật Thuận (người mặc áo trắng) - Nhà sáng lập Cà Mèn - giới thiệu cháo bột cá lóc đến khách hàng quốc tế

Đơn hàng bánh canh cá lóc đầu tiêu mang thương hiệu Cà Mèn được sang Mỹ vào cuối tháng 6/2023 với sản lượng 31.500 gói. Tháng 11/2023, công ty xuất khẩu thêm miến xào lươn, bún lươn xào nghệ... sang thị trường này. Hiện cả 3 SP đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Mùa tết 2024, công ty tăng sản lượng xuất khẩu gấp đôi so với ngày thường, trung bình khoảng 1 container 20 feet/tháng. Tỉ trọng hàng xuất khẩu chiếm khoảng 80%/tổng sản lượng. 

Hiện nay một số nước đã có bảo tàng bảo tồn giá trị những món ăn truyền thống, chúng ta cũng có thể giữ gìn bản sắc văn hóa ẩm thực Việt theo cách này. Món ăn truyền thống Việt phải được xác định là tài sản chung của quốc gia chứ không phải của cá nhân nào. Điều đáng mừng là nhiều khách sạn 5 sao đã đưa một số món ăn, món bánh truyền thống Việt để giới thiệu đến du khách nước ngoài. “Nhiều bàn tay cùng vỗ” thì thương hiệu ẩm thực Việt sẽ vươn xa ra thế giới. 

Nghệ nhân ẩm thực Trần Thị Hiền Minh

Mới đây, lô hàng hơn 20 tấn cá nục rim - món ăn dân dã Quảng Nam cũng được xuất khẩu thành công sang Mỹ. Bà Huỳnh Thị Thu Thủy - đại diện Hợp tác xã (HTX) Chế biến nông sản thực phẩm Bà Ba Hội (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), cho biết ngoài cá nục rim, HTX còn xuất khẩu sang Mỹ 32.000 cái bánh chưng (10 tấn) và 8 tấn mì Quảng ếch tươi. 

 “Văn hóa ẩm thực vùng miền của Việt Nam rất đặc sắc, nhưng thời hạn bảo quản SP ngắn. Vì vậy, HTX ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đóng gói, hút chân không để xuất khẩu. Chúng tôi dự tính mở rộng xuất khẩu thêm nhiều đặc sản từ các vùng miền khác, như: bánh đa cá rô đồng Ninh Bình, chả rươi Hải Dương, lạp xưởng Cao Bằng...” - bà Thu Thủy chia sẻ. 

Theo bà Thu Thủy, một gói SP gồm sợi mì Quảng tươi, thịt ếch xào sẵn gia vị, nước xốt; đậu phộng rang; rau sấy theo công nghệ sấy lạnh giữ nguyên hương vị, màu sắc rau. Bảo quản ở nhiệt độ -18 độ C, hạn sử dụng trong 12 tháng. Để cho ra tô mì Quảng tươi ngon, sợi mì sau khi chế biến phải đạt độ mềm ngon chứ không bị ngoài nhão, trong cứng. Các gia vị rau húng lủi, ớt xanh, củ nén, tiêu, tỏi... cũng được trồng ở miền Trung. 

Trước đó, các SP này cũng đã được xuất sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Ấn Độ... Mùa tết 2024, tổng sản lượng xuất khẩu đạt khoảng 100 tấn. “Vị mặn, ngọt của SP được điều chỉnh phù hợp với khẩu vị NTD ở từng thị trường; song hương vị truyền thống của món ăn được giữ nguyên. Người dùng như đang thưởng thức con cá, miếng bánh chưng, tô mì Quảng vừa chế biến. Nếu đánh mất hương vị truyền thống đặc trưng của món ăn thì SP bị thất bại ngay tại thị trường trong nước, đừng mơ tới xuất khẩu” - bà Thu Thủy nhấn mạnh. 

Gìn giữ vị truyền thống

Tận dụng lợi thế đã xuất khẩu thành công các loại bánh phồng cuộn trái cây, bà chủ thương hiệu Tư Bông còn kết hợp một số đơn vị xuất khẩu thêm các SP khô làm từ gạo như: bánh canh chùm ngây, bánh canh gạo lứt, bánh canh khoai lang; bún, phở, hủ tíu Sa Đéc... “Chúng tôi tự hào là một trong những người lưu giữ và cải tiến những món ngon truyền thống mang đậm tình quê đến tay khách hàng trong và ngoài nước” - bà Bích Thủy nói. 

Tuy nhiên, hành trình đưa SP quê ra nước ngoài cũng gặp không ít khó khăn. Bà Bích Thủy cho hay, các món ăn quê dân dã có giá bán không cao; nếu bán giá cao sẽ khó cạnh tranh. Do đó, doanh nghiệp phải tính toán giá SP phù hợp, chấp nhận mức lợi nhuận vừa phải. 

Nghệ nhân ẩm thực Trần Thị Hiền Minh tự tay làm các loại bánh truyền thống Việt Nam và quảng bá ra thế giới
Nghệ nhân ẩm thực Trần Thị Hiền Minh tự tay làm các loại bánh truyền thống Việt Nam và quảng bá ra thế giới

Giám đốc Cà Mèn cũng cho biết, sắp tới doanh nghiệp sẽ đa dạng chủng loại SP với nhiều mức giá khác nhau để tiếp cận nhiều khách hàng hơn, đồng thời, mở rộng danh mục xuất khẩu các món ăn đặc sản vùng miền khác. “Để đưa món Việt ra thế giới, phải đảm bảo chất lượng SP ổn định và đối tác đồng hành có cùng tầm nhìn mong muốn quảng bá ẩm thực quê hương. Tập trung trước vào khách hàng là người Việt ở nước ngoài, thông qua họ để quảng bá rộng rãi món ăn Việt Nam đến NTD các nước” - ông Đôn chia sẻ.  

Nghệ nhân ẩm thực Trần Thị Hiền Minh - Phó chủ tịch Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn - cho biết bà đang làm việc với một số đối tác Nhật Bản để quảng bá các loại bánh truyền thống như: bánh chuối nướng, bánh da lợn, kem chuối... là đặc sản của miền Tây. 

Theo bà Minh, là người Việt thì phải biết ăn và biết yêu bánh Việt, nhiều người chia sẻ “ăn bánh có cảm giác nguôi ngoai nỗi nhớ nhà” và họ giới thiệu đến nhiều khách khác. Ngoài bánh, bà Minh còn đưa các loại xốt kho thịt, xốt kho cá, xốt heo quay, xốt phá lấu… sang Mỹ. Sản lượng khoảng 2.000 hũ/đợt và khoảng 2 tháng xuất khẩu 1 lần với thương hiệu “Bếp Cô Minh”. Dịp tết, Bếp Cô Minh làm các loại mứt dừa, mứt mãng cầu, hạt điều tẩm gia vị; bánh chưng, bánh tét… cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Để quảng bá các món ăn dân dã Việt, nghệ nhân Hiền Minh cho rằng cần chăm chút mẫu mã đẹp, hoa văn trang trí đậm chất văn hóa bản địa. Bà Hiền Minh cũng nhấn mạnh việc quảng bá định vị bánh Việt, món ăn Việt là hàng chất lượng cao, có giá trị cao, chứ không phải SP bình dân, giá rẻ. 

Philip Kotler - cha đẻ của học lý tiếp thị hiện đại - đã khuyến khích: “Việt Nam hãy là bếp ăn của thế giới”. Muốn xuất khẩu món ăn Việt thành công thì người sản xuất phải yêu món ăn đó; giữ gìn chất lượng, hương vị truyền thống của món ăn và tinh tế từ bao bì, mẫu mã, nhãn hiệu SP. Nhà nước cần làm “bà đỡ” cho doanh nghiệp, có chính sách tốt về cải cách hành chính, kiểm soát chất lượng, chi phí vận chuyển; hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại…

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú

Nguyễn Cẩm

 Ảnh do nhân vật cung cấp

Xem thêm: lmth.3101151a-ioig-eht-ar-euq-auq/nv.moc.enilnounuhp.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“ Quà quê ra thế giới ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools