Tại chợ dân sinh khu vực quận Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy,... giá rau xanh tăng cao so với ngày thường.
Như giá cải cúc, cải mơ, rau cần được bán 15.000 đồng/bó. Cà rốt cũng 8.000 - 10.000 đồng/củ. Su hào: 12.000 - 15.000 đồng/củ. Súp lơ xanh 20.000 đồng/cái.
Giải thích về giá rau tăng cao, bà Nghĩa - người bán hàng rau tại chợ Hà Đông - cho biết rau để ăn lẩu tăng 70 - 100% từ ruộng rồi.
“Ngày thường nhiều người mua nên mỗi bó rau chỉ lãi 500 - 700 đồng. Nhưng ngày Tết, khách mua rất vắng. Nếu không bán hết thì hôm sau chỉ đổ đi. Do đó, giá rau xanh tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường là như vậy” - bà Nghĩa nói.
Ngoài rau xanh, đậu phụ là món được nhiều người chọn mua cho bữa ăn vào mùng 2 Tết.
Anh Thành (Thanh Xuân) cho biết ăn lẩu dường như không thể thiếu đậu phụ.
Một bìa đậu có giá 10.000 đồng, cao gấp đôi ngày thường. Nhưng cũng phải đi hai chợ, cách nhà ba cây số mới mua được mấy bìa đậu.
Giá có cao gấp đôi so với ngày thường cũng không sao. Có hàng để mua vào ngày đầu xuân là vui rồi.
Đánh giá nhanh về tình hình thị trường và diễn biến giá cả thị trường tại một số địa phương, trong báo cáo gửi cơ quan báo chí ngày 11-2, tức mùng 2 Tết Giáp Thìn, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết nhiều hoạt động và các điểm vui chơi tại các thành phố lớn dự kiến mở cửa sẽ thu hút khách đến tham quan, vui chơi giải trí trong những ngày sắp tới.
Giá các dịch vụ như trông giữ xe, dịch vụ ăn uống,... thường tăng so với ngày bình thường theo quy luật hằng năm nhằm trang trải chi phí cho người lao động làm thêm trong ngày Tết.
Giá một số mặt hàng thực phẩm tươi sống như cá, thịt bò, rau xanh... dự báo tăng nhẹ.
Để bảo đảm cân đối lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gây tăng giá đột biến, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý, nhất là các mặt hàng thiết yếu, có biến động tăng giá cao trên địa bàn.
Còn trong ngày mùng 1 Tết đầu năm mới, Bộ Tài chính thông tin hầu hết các chợ và siêu thị, trung tâm thương mại trên cả nước đều đóng cửa.
Riêng tại các thành phố lớn như ở TP.HCM, trung tâm thương mại Aeon Mall, Gigamall vẫn mở cửa phục vụ người dân mua sắm từ 10h đến 22h.
Bên cạnh đó, một số hệ thống cửa hàng tiện lợi như Bs’Mart, CircleK, FamilyMart... vẫn mở cửa phục vụ 24/24, không nghỉ.
Trong ngày đầu năm mới, người dân chủ yếu du xuân, đi lễ đầu năm tại các đền, chùa. Giá trông giữ xe máy cơ bản không thay đổi so với ngày thường là 5.000 đồng/lượt.
Tuy nhiên, ở một số đền, chùa nhỏ, những điểm trông xe tự phát có mức giá là 10.000 đồng/xe tuy không nhiều.
Sau Tết Nguyên đán, nguồn cung thực phẩm tại TP.HCM tương đối ổn định, giá bán tăng giảm tùy loại. Một số mặt hàng rau củ và thủy hải sản giá đang neo cao.