Dưới đây là những siêu đô thị của tương lai theo danh sách của trang Metro.co.uk.
The Line, siêu đô thị Neom, Saudi Arabia
Tại vùng sa mạc của Saudi Arabia, chính phủ nước này đã khởi công một dự án đầy tham vọng trị giá 1.000 tỉ USD để xây dựng siêu đô thị của tương lai Neom, trong đó nổi bật với khu dân cư The Line.
Nếu hoàn thành, The Line sẽ có chiều dài hơn 120km với các tòa nhà chọc trời bằng kính, sông nhân tạo và thậm chí có cả một khu nghỉ dưỡng trượt tuyết nhân tạo.
Được lên ý tưởng bởi Thái tử Mohammed bin Salman, siêu dự án này thậm chí được đồn đại sẽ có robot và các hệ thống AI khác phục vụ mọi sở thích của khoảng 9 triệu cư dân tương lai.
Tuy nhiên, cũng có những nghi ngờ về tính khả thi của dự án do chi phí khổng lồ và những thách thức hậu cần đáng kể khi xây dựng một đô thị xa hoa ở một trong những vùng đất khắc nghiệt nhất thế giới.
Thành phố Net, Trung Quốc
Năm 2020, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent đã công bố kế hoạch cho thành phố Net ở Thâm Quyến - một siêu đô thị tương lai không có ô tô, có kích thước gần bằng Monaco.
Theo các bản thiết kế hiện tại, “thành phố trong thành phố” này sẽ cung cấp cho người đi bộ những không gian xanh và ưu tiên xe tự lái.
Các nhà phát triển dự án cho biết nơi này không phải một hòn đảo biệt lập mà sẽ là một thành phố sôi động: “Mọi người sẽ đi qua nó, họ sẽ kết nối và nó sẽ là một trung tâm sầm uất của Thâm Quyến”.
Nusantara, Indonesia
Các bản phác thảo về quy hoạch cho đến nay cho thấy một siêu đô thị rộng lớn ở Indonesia, đan xen với các tuyến đường thủy và không gian xanh tươi. Các quan chức cho biết có tới 75% diện tích đất sẽ được bảo tồn cho thiên nhiên.
Chính phủ Indonesia lên kế hoạch sẽ chọn Nusantara làm thủ đô mới, đã cam kết chi trả 20% cho dự án và hy vọng thu hút 80% còn lại từ các nhà đầu tư quốc tế.
Thành phố Woven, Nhật Bản
Khu đô thị này hiện đang được xây dựng dưới chân núi Phú Sĩ, dự kiến ban đầu sẽ là nơi sinh sống của khoảng 360 cư dân và sau sẽ tăng lên ít nhất 2.000 người.
Nhà sản xuất ô tô Toyota, nhà phát triển của dự án đầy tham vọng này, hy vọng thành phố sẽ trở thành sân chơi thử nghiệm các công nghệ mới cho cuộc sống tương lai. Hầu hết các công trình tại đây sẽ được xây bằng gỗ, sử dụng các kỹ thuật truyền thống được thực hiện bởi robot công nghiệp.
BiodiverCity, Malaysia
Đây là dự án nhằm tạo ra một chuỗi đảo nhỏ với đa dạng sinh học ngoài khơi bờ biển phía tây bắc của Malaysia.
Mục tiêu chính là giảm bớt tình trạng quá tải dân cư trên đất liền. Dự kiến khoảng 15.000 đến 18.000 cư dân sẽ sinh sống trên ba hòn đảo nhân tạo ngoài khơi đảo Penang sau khi dự án hoàn thành vào khoảng năm 2030.
Mỗi hòn đảo sẽ được kết nối với nhau bằng hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy và đường không, ưu tiên người đi bộ và xe đạp. Điều này sẽ giúp giảm thiểu tác động đến môi trường và tạo ra một môi trường sống bền vững.
Thành phố nổi Maldives, Maldives
Thành phố nổi Maldives được thiết kế để tạo điều kiện cho các rạn san hô phát triển dọc theo mặt dưới của các khu dân cư.
Hình dạng của siêu đô thị nổi được lấy cảm hứng từ cấu trúc của san hô não, phản ánh mục tiêu “sống cùng thiên nhiên và học cách cải thiện, tôn trọng san hô tự nhiên là cốt lõi của sự phát triển”.
Oceanix Busan, Hàn Quốc
Oceanix Busan là một thành phố nổi khác, được Chính phủ Hàn Quốc hình thành nhằm giải quyết tình trạng thiếu đất nghiêm trọng xung quanh thành phố Busan, ước tính sẽ ngày càng trầm trọng hơn khi những tác động của biến đổi khí hậu được cảm nhận rõ ràng hơn trong tương lai.
Dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025, với sự hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc như một nguyên mẫu cho cách thức thực hiện các sáng kiến tương tự trên khắp thế giới.
Các nhà phát triển cũng tuyên bố “thành phố nổi sẽ tự tạo ra 100% năng lượng cần thiết”, với mỗi khu vực sẽ “xử lý và tái tạo nước của chính mình, tái chế tài nguyên và cung cấp nông nghiệp đô thị”.
Saudi Arabia đã công bố những hình ảnh mới về siêu đô thị Neom - thiên đường nghỉ dưỡng và trung tâm công nghệ toàn cầu do thái tử Mohammed bin Salman lên kế hoạch.