1. Bạn của người viết vốn là một kỹ sư có thâm niên chỉ huy công trường dự án bất động sản kể rằng, KTS Bill Bensley - “ông hoàng” resort thế giới khi nhận lời thiết kế cảnh quan cho một dự án nghỉ dưỡng ở Việt Nam đã đưa ra những đòi hỏi rất khắt khe trong việc giữ lại cảnh quan tự nhiên, đặc biệt là các cây xanh. Và rồi, không biết do vô tình hay cố ý, một cái cây trong dự án nghỉ dưỡng bị chặt ở quá trình triển khai, khiến vị kiến trúc sư giận dỗi bỏ về nước. Chỉ khi chủ đầu tư cam kết sẽ không có tình huống tương tự xảy ra, ông mới quay lại, đồng hành cùng dự án.
Có bận, đi làm phim về bảo vệ rừng, đứng ở biên giới Việt Nam - Campuchia trên đất Đắk Nông, nhìn sang nước bạn bạt ngàn rừng già, còn nơi mình đứng lơ chơ đồi trọc với mấy cây keo lá tràm mới nhú, cảm giác không thoải mái cứ xâm lấn dần…
Đi nhiều nơi, thấy lắm chỗ vẫn còn những pano, áp phích được dựng ngay cửa rừng với thông điệp: “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ, xây dựng thì rừng rất quý”, hay “Bảo vệ rừng là bảo vệ sự sống và tính đa dạng của trái đất”, tiếc là những thông điệp như vậy thường bị lãng quên, không “ngấm” vào công tác quy hoạch.
Hoàng hôn hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt |
2. Mỗi khi nghe tin có thêm một dự án ở khu rừng nguyên sinh, vùng đệm di sản, tôi lại có cảm giác khó chịu trong người và chắc rằng, đó cũng là cảm giác khó gọi thành tên của nhiều người. Sở dĩ là "khó gọi thành tên", bởi chúng ta đều hiểu rằng, phải chấp nhận đánh đổi một điều gì đấy cho sự phát triển, chỉ là ranh giới giữa phát triển và bảo tồn là quá mong manh. Nhà tôi ở giữa Ba Vì và Tam Đảo, những ngày trời quang, nhìn lên Tam Đảo “lấp lánh” bê tông được phản chiếu trong con nắng gắt, tôi lại thấy tiêng tiếc một điều gì đó.
Ngay như việc lên Sa Pa với tôi giờ cũng không còn nhiều thú vị như trước. Sa Pa giờ quá đông đúc, ngột ngạt, toàn người là người, toàn nhà là nhà, công trình xây kín, phố núi bồng bềnh bị bóp nghẹt bởi đô thị hoá, du lịch bê tông. Có cái cảm giác như chỗ nào trống, còn có thể cấy xen vào đó những ngôi nhà đồ sộ, khách sạn thì người ta sẽ chẳng bỏ qua. Sa Pa dường như đang rất dễ dãi với việc xây dựng. Đó là lý do lâu nay, “Thành phố trong sương” chỉ còn là điểm dừng chân để tôi và đám bạn đến với các bản làng xa hơn, chứ không còn là điểm ở lại nữa.
Sa Pa, Tam Đảo, thậm chí cả Đà Lạt giờ đây như cô gái đồng nội, bị đưa lên, nâng cấp thành “tiếp tân” ở một khách sạn ngay chính quê mình, cứ lạc điệu, sao sao ấy. Cái nét “hương đồng gió nội” giờ bay đi đã nhiều, nhiều lắm.
Càng ngày, tôi càng thấy nhiều du khách từ các quốc gia phát triển tìm đến những quốc gia còn giữ được ít nhiều sự nguyên bản, hoang sơ để du lịch, khám phá, trải nghiệm. Trong các tìm kiếm về điểm du lịch năm 2023, nổi lên các địa điểm như Hà Giang, Cồn Phụng, Cần Thơ, Buôn Ma Thuột, Phú Quốc… Có thể, nhiều người muốn về các miền quê, vùng núi để du sơn, ngoạn thuỷ và níu giữ chút kỷ niệm với các vùng đất, con người nơi đó trước khi bị “xô bồ hoá”.
Sẽ thật khó để minh định đúng - sai, hay chọn lựa giữa phát triển và bảo tồn. Muốn phát triển, tăng nguồn thu từ du lịch, dịch vụ thì phải chấp nhận đánh mất ít nhiều yếu tố tự nhiên, vấn đề là cách chúng ta nhìn nhận và đối mặt với bài toán này ra sao. Người chủ trương làm kinh tế chắc sẽ ưu tiên các con số, còn nếu có xu hướng bảo vệ tự nhiên thì ngược lại. Nhưng dù làm gì, có lẽ điều cần là đảm bảo hài hoà về mặt tổng quan, trong đó không thể thiếu việc an sinh cho những người yếm thế.
Anh bạn tôi là một người nghiên cứu về văn hoá, có lần anh bảo: Giờ đây, thuật ngữ tầm nhìn triệu đô, điểm view triệu đô khá phổ biến và hay được gắn với các khu nghỉ dưỡng, khách sạn. Nhưng oái oăm thay, lợi ích triệu đô đó hầu như chỉ chảy vào nhóm nhỏ, còn người bản địa dần dà bị đẩy đi xa, hoặc đúng nghĩa “chầu rìa” cho sự thịnh vượng nọ.
Tôi có nhiều bạn bè là dân nhiếp ảnh, hồi năm kia, khi về Đà Lạt, mấy anh bạn bảo tôi, cố bố trí mà về săn ít ảnh ở đồi chè Cầu Đất, không thì chẳng mấy chốc nữa, chỗ này lại thành khu du lịch triệu đô. Nghe cũng thấy tiếc lắm!
3. Một lần, ngồi hầu chuyện cùng PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nhà nhân học, chuyên gia văn hóa, ông bảo: “Chúng ta còn nhiều khiếm khuyết trong phát triển, quy hoạch đô thị, cả với các thành phố lớn hay các khu mang tính đặc thù như Sa Pa, Đà Lạt”.
Ông Huy cho rằng, các nhà quy hoạch có thể học kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển khi phân định, vạch rõ ranh giới cho khu mới và khu cũ.
“Tôi sang Mỹ, đến New York, thấy họ xây dựng những ngôi nhà 2 tầng như miền Nam nước Pháp rất đẹp. Chính quyền thì ra luật, toàn bộ thành phố cổ không được biến đổi, nếu muốn xây mới thì phải ra hẳn khu mới để làm, cách xa nhau. Nhờ đó, họ đã tạo nên một thành phố độc đáo, cả cổ - kim cùng hiện diện nhưng là 2 khu riêng biệt”, ông Huy cho biết.
Với Maroc, ông Huy cho hay, đây là quốc gia của sa mạc, nhưng vẫn tạo ra được các rừng cây xanh ngay trong Thủ đô, không phải một, mà nhiều rừng cây.
“Đã đến lúc tính đến chuyện trồng rừng ở đô thị, thay vì chỉ biết xây nhà. Hà Nội lâu lắm không có thêm được khu nào tương tự như Bách Thảo từ thời Pháp. Chúng ta đang thiếu cây xanh trầm trọng”, ông Huy nói. Đây không chỉ là công thức mà người làm quy hoạch ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM cần học tập, mà cả với những địa danh mang trong mình nhiều sự khác biệt như Sa Pa, Đà Lạt, Tam Đảo cũng cần lưu tâm.