Nhiều chính sách thúc đẩy
Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 Các bên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) là văn bản pháp lý toàn cầu quy định trách nhiệm của tất cả các bên trong ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
Tại Hội nghị COP26, Việt Nam cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, đồng thời tham gia cam kết cắt giảm 30% phát thải khí mê-tan vào năm 2030 so với mức phát thải năm 2020.
Sau hội nghị, Ban chỉ đạo Quốc gia được thành lập do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban và đã quyết liệt chỉ đạo xây dựng các chiến lược, chương trình hành động, kế hoạch, đề án triển khai và thực hiện cam kết này. Theo đó, nhiều văn bản quan trọng đã được ban hành, trong đó có chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải được phê duyệt tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, một trong những nội dung quan trọng là giai đoạn 2025 - 2040 sẽ dừng sản xuất, lắp đặt, nhập khẩu xe ô tô, mô tô, xe gắn máy sử dụng xăng, dầu; giai đoạn 2022 - 2030 thúc đẩy người dân chuyển đổi sang phương tiện giao thông cá nhân (xe mô tô, xe gắn máy, xe ô tô) sử dụng điện...
Ngày 13/4/2023, Bộ Giao thông - Vận tải ban hành Văn bản số 3686/BGTVT-KHCN&MT về việc xây dựng, phê duyệt kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể thực hiện Quyết định 876. Theo đó, Bộ Giao thông - Vận tải đã gửi văn bản tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đề nghị xây dựng, phê duyệt kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể triển khai “Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan trong giao thông vận tải tại địa phương”. Đến nay, có nhiều địa phương triển khai chương trình này như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Bình Phước, Trà Vinh, Bắc Giang, Nghệ An, Đắk Lắk…
Trước đó, ngày 23/3/2023 Bộ Giao thông - Vận tải ban hành Văn bản số 2815/BGTVT-KHCN&MT, trong đó đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo mở rộng phối trộn, cung ứng nhiên liệu sinh học E5; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp sản xuất xe ô tô điện, xe mô tô điện, xe gắn máy điện và phát triển hệ thống sạc điện. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo phát triển hệ thống giao thông cộng cộng tại các đô thị từ loại I trở lên, sử dụng xe buýt điện và thúc đẩy người dân, doanh nghiệp trên địa bàn quản lý sử dụng xe ô tô điện, xe mô tô điện, xe gắn máy điện…
Với các cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trong việc xây dựng các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng, việc sử dụng năng lượng điện thay thế xăng dầu đối với các phương tiện vận tải, bao gồm cả ô tô, xe máy, là yêu cầu bắt buộc trong quá trình hội nhập quốc tế.
Cuộc cách mạng bền vững vì tương lai xanh
Giao thông - vận tải là một trong những hoạt động chủ yếu phát sinh khí nhà kính, đứng thứ 3 trong các nhóm ngành phát thải cao nhất. Tỷ lệ khí phát thải trong giao thông đạt xấp xỉ 20%.
Trên thế giới, phát triển giao thông xanh đã là xu thế. Trong một lần đến thăm nhà máy sản xuất xe máy điện Selex Motors tại Việt Nam, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, chuyển đổi năng lượng sạch, phát triển xe điện đang là xu hướng toàn cầu. Đánh giá cao sự nhanh nhạy của doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam trong phát triển hệ sinh thái xe máy điện, bà Janet Yellen cho rằng, đây là một hướng đi đúng đắn. Tại Mỹ, chuyển đổi năng lượng sạch là vấn đề được đặt làm trọng tâm của nền kinh tế.
Ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên, Tổng giám đốc Selex Motors chia sẻ, cơ hội đối với mảng xe điện là rất lớn khi thế giới đang trong xu thế chuyển đổi từ động cơ đốt trong sang động cơ điện. Sự chuyển dịch này 100 năm mới diễn ra một lần, lần dịch chuyển thứ nhất là từ xe ngựa sang động cơ đốt trong và lần này là từ động cơ đốt trong sang động cơ điện.
Với Việt Nam, giao thông xanh cũng là yêu cầu cấp thiết để xây dựng đô thị xanh, đô thị thông minh. Các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu xăng, dầu truyền thống đang là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, nơi có mật độ sử dụng rất cao các phương tiện dùng nhiên liệu xăng.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội cho biết, giao thông - vận tải là một trong những hoạt động chủ yếu phát sinh khí nhà kính, đứng thứ 3 trong các nhóm ngành phát thải cao nhất. Tỷ lệ khí phát thải trong giao thông đạt xấp xỉ 20%.
Nằm trong 3 nhóm có phát thải khí nhà kính nhiều nhất, nên việc chuyển đổi sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường là điều cần thiết. Giao thông xanh được nhắc đến thường xuyên hơn khi Việt Nam cam kết đưa khí phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Phát triển giao thông xanh giúp tiết kiệm nhiên liệu và bảo vệ môi trường. Người dân sử dụng xe đạp, xe máy điện, ô tô điện, xe buýt chạy bằng khí nén CNG, tàu điện… sẽ góp phần đưa giao thông xanh dần trở nên phổ biến.
Hà Nội đã đề ra chương trình và lộ trình cụ thể cho việc phát triển giao thông xanh trong giai đoạn 2025 - 2030, với việc sẽ đầu tư mới toàn bộ xe buýt công cộng hoặc khi thay thế xe cũ phải sử dụng năng lượng xanh.
Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), từ năm 2008 đến nay, Hà Nội liên tục nằm trong trong nhóm 500 thành phố có nồng độ bụi mịn trung bình năm cao nhất thế giới. Trước thực trạng đó, trong năm 2022, Hà Nội đã có những đổi mới trong việc phát triển giao thông xanh. Đầu tiên là việc đưa vào vận hành các tuyến xe buýt sử dụng năng lượng xanh, bao gồm xe buýt điện của Vinbus và xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch khí nén CNG của Công ty Bảo Yến… đã tạo sự đột phá trong việc thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng. Sau đó, triển khai thí điểm dự án xe đạp đô thị phục vụ người dân tại 5 quận trung tâm gồm Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân và các điểm cạnh lối lên, xuống của tuyến tàu điện đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, trụ sở liên cơ quan… đã cho thấy sự liên kết trong mạng lưới giao thông công cộng, tạo nên môi trường giao thông văn minh, tiện lợi với chi phí hợp lý.
Ông Hoàng Mạnh Tân, Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển năng lượng Sơn Hà chia sẻ, nhận thấy xu thế của xe điện nên Sơn Hà đã có sự chuyển đổi từ sớm trong nghiên cứu, sản xuất xe máy điện, góp phần đưa xe điện trở thành phương tiện giao thông chính trong tương lai gần, góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của Chính phủ đối với lĩnh vực giao thông vận tải.
“Phát triển xe điện là cuộc cách mạng bền vững vì tương lai xanh. Chúng tôi sẵn sàng bán sản phẩm không vì lợi nhuận để người tiêu dùng có thể sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường”, ông Tân nói.
Để đưa xe máy điện đến gần với người dân hơn, Sơn Hà đã phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải Hải Phòng triển khai thí điểm chương trình thu mua xe hai bánh chạy xăng và bán ưu đãi xe hai bánh chạy điện EVGO cho cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố. Hoạt động này vừa thực hiện theo chủ trương của Chính phủ hướng tới giao thông xanh, giảm phát thải khí các-bon ra môi trường, vừa thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nội địa. Sau Hải Phòng, TP.HCM cũng có chương trình tương tự.
Tập đoàn Vingroup được biết đến là đơn vị tiên phong trong sản xuất ô tô điện tại Việt Nam. Công ty cổ phần Vinfast - thành viên của Vingoup đã ghi dấu ấn tại thị trường trong nước và quốc tế với sản phẩm này.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Chủ tịch VinFast cho biết, VinFast đang nỗ lực thực hiện cam kết đưa các phương tiện điện thông minh, an toàn và thân thiện với môi trường trở nên dễ tiếp cận hơn với người dân. VinFast đang thúc đẩy mạnh mẽ, đóng góp vào phát triển ngành công nghiệp di chuyển xanh.
Về hạ tầng sản phẩm và dịch vụ, tại Việt Nam, VinFast đang triển khai mạng lưới cổng sạc trên khắp cả nước. Trên phạm vi toàn cầu, VinFast đã xây dựng được mạng lưới bán lẻ và dịch vụ với 122 showroom và xưởng dịch vụ.
Cuộc cách mạng của ngành giao thông với sự xuất hiện ngày càng nhiều phương tiện thân thiện môi trường trên đường phố đã góp phần giảm thải khí nhà kính ra môi trường, xây dựng một cộng đồng ngày một xanh hơn, khỏe hơn, phù hợp với xu thế chung của thế giới.