Khi phà Bình Khánh bắt đầu dời bến bờ phía huyện Nhà Bè, bạn có thể cảm nhận được những cơn gió mang theo hơi nước len lỏi vào da thịt, xóa tan những mệt mỏi, ồn ào của những con đường đầy nắng và bụi phía sau. Lúc ấy bạn sẽ thấy được giá trị to lớn của thiên nhiên. Rời phà, bắt đầu vào tuyến đường Rừng Sác, bạn nên chạy chậm qua con đường phủ bóng xanh hai bên để cảm nhận được mùi của cây cỏ.
Phù hợp với quy hoạch của TP.HCM
“Chúng ta phải phát huy lợi thế về vị trí, không khí trong lành, thiên nhiên trù phú để biến Cần Giờ thành một đô thị xanh lý tưởng”, đây là câu nói của ông Nguyễn Đỗ Dũng, Giám đốc Công ty EnCity, đơn vị đang làm quy hoạch cho TP.HCM.
Đúng như vậy, với vị trí đặc biệt của Cần Giờ chỉ cần vài chục phút di chuyển, từ lõi trung tâm TP.HCM chúng ta có thể đến được Cần Giờ xanh, chưa kể đây là nơi có biển duy nhất của TP.HCM, có khu rừng ngập mặn được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam.
Ngoài rừng vàng, biển bạc, Cần Giờ còn có du lịch sinh thái, có văn hóa lịch sử phong phú, có tiềm năng với khu đô thị lấn biển trong tương lai, có cơ hội giao thương quốc tế với cảng quốc tế Cần Giờ hiện đại trong tương lai. Cần Giờ có đủ để phát triển bền vững, để nơi đây thành một hòn đảo xanh đúng nghĩa.
TS - kiến trúc sư Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung Sở QH-KT TP.HCM, cho biết: “TP.HCM đang điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung, ý tưởng quy hoạch phát triển Cần Giờ với quy mô 600 ha và được thể hiện trong đồ án này. TP.HCM vẫn nỗ lực tiến về hướng biển”.
Theo ông Tuấn, điều chỉnh quy hoạch TP.HCM gắn với nhu cầu phối hợp vùng chặt chẽ trong quản lý phát triển bền vững các nguồn tài nguyên, nhằm phát huy có hiệu quả những đặc điểm, lợi thế vùng. Đó là việc phát triển kinh tế biển ở Cần Giờ và lợi thế vị trí của vùng TP trong phát triển logistics và chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh, giảm thiểu phát thải.
Bài toán phát triển đô thị nhưng phải bảo tồn hệ sinh thái của khu dự trữ sinh quyển cũng được đặt ra và rộng hơn là sự đồng bộ, toàn diện của vùng Cần Giờ. Nó bao gồm yêu cầu bảo tồn sinh thái, chuyển đổi cơ cấu kinh tế toàn diện, sinh kế của người dân và xây dựng đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng.
“Phát triển Cần Giờ cần xem xét trong suốt chiều dài lịch sử của vùng đất, trong không gian cơ hội và thách thức quốc tế hiện tại bằng nội lực và bằng khát vọng của hôm nay” - ông Tuấn nhận định.
Giao thông, kinh tế, du lịch đều xanh
Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, nói: “Cần thu hút phát triển hạ tầng xanh, giao thông xanh, phát triển du lịch sinh thái, sử dụng năng lượng tái tạo, phát triển theo hướng nhìn dài hạn, chú trọng đầu tư kinh tế biển, kinh tế hàng hải…”.
Ông Hồng lưu ý nếu muốn phát triển Cần Giờ cần xác định theo phương châm bền vững, để trở thành TP xanh tiêu biểu của TP.HCM và thế giới, TP đầu tiên của Việt Nam đạt net zero vào năm 2030. Tuy nhiên, trước tiên phải làm hệ thống giao thông xanh, hạ tầng xanh, mục tiêu là khi bước chân đến TP này du khách không phải hít khói bụi.
“Cần Giờ có quy mô dân số nhỏ, lưu lượng phương tiện giao thông thấp nên dễ tổ chức giao thông xanh, diện tích rừng và cây xanh chiếm 60%-70%, thời tiết dễ chịu, thuận lợi phát triển hành lang giao thông phi cơ giới” - PGS-TS Vũ Anh Tuấn, Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức, Trường ĐH Việt Đức, nói về tiềm năng giao thông xanh.
Theo ông Tuấn, trước mắt cần tập trung chuyển đổi phương tiện giao thông ít phát thải, sử dụng nhiên liệu sạch, khuyến khích người dân dùng xe điện, xây các trạm sạc điện tại green mobility hubs (trạm giao thông xanh), đầu tư - nâng cấp hạ tầng cho người đi bộ - đi xe đạp.
Về kinh tế, Cần Giờ nên đi theo mô hình kinh tế tuần hoàn trên nền tảng các mô hình kinh doanh (business model). Khi đó khái niệm kết thúc vòng đời sản phẩm được thay thế bằng việc giảm sử dụng, sử dụng lại, tái chế và phục hồi vật liệu trong quá trình sản xuất, phân bố và tiêu thụ sản phẩm.
Cần Giờ cần xây dựng thương hiệu du lịch xanh gắn với tăng trưởng xanh (môi trường xanh, trung hòa carbon), du lịch thông minh: Không rác thải nhựa, không vé giấy, ứng dụng thông minh (vui chơi, ăn uống, an ninh).
Vùng đất đặc biệt
Cần Giờ nằm tách biệt và là huyện duy nhất giáp biển của TP.HCM, nằm ở phía đông nam, cách trung tâm TP khoảng 50 km đường bộ. Cần Giờ tiếp giáp Biển Đông với khoảng 20 km bờ biển. Ở đây có khu rừng ngập mặn Cần Giờ, một khu rừng ngập mặn đan xen với hệ thống sông rạch dày đặc chứa đựng hệ sinh thái mang tính đa dạng sinh học cao với nhiều loài động thực vật đặc hữu của miền duyên hải Việt Nam.