Người Mông di cư từ phía Bắc đến Thanh Hóa vào những thập niên 80-90 của thế kỷ trước sinh sống chủ yếu trên các dãy núi từ Hua Pù đến Sài Khao, từ Tà Cóm đến Mùa Xuân...
Trong hành trình đó, họ luôn phải đối mặt với cái nghèo đeo bám dai dẳng, hủ tục, di cư đến đâu phá rừng làm nương rẫy đến đó, thậm chí trồng cây thuốc phiện như một thói quen. Nhiều bản trong tình trạng “trắng” đảng viên.
Bức tranh đời sống của đồng bào Mông nơi đây là muôn vàn những khó khăn, thiếu thốn từ điện, đường, trường, trạm y tế, nhiều người không biết tiếng Việt.
Tiếng Đảng, lòng dân cùng đồng thuận
Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa Phạm Văn Tuấn, cho biết đồng bào dân tộc Mông chủ yếu sống ở núi cao, hiểm trở, tách biệt với các địa bàn dân cư lại xa trung tâm. Mỗi lần về với bà con dân bản, cán bộ phải đi bộ từ sáng đến chiều mới tới nơi.
Tuy nhiên những năm gần đây, nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, của đội ngũ làm công tác dân vận, cuộc sống của đồng bào dân tộc miền núi Thanh Hóa đã từng bước “thay da đổi thịt”.
Thanh Hóa cũng đổi mới và lựa chọn phương thức tuyên truyền sao cho phù hợp nhất với đồng bào người Mông. Có thể kể đến những chương trình bằng tiếng Mông của Đài truyền hình Thanh Hóa với những hình ảnh cụ thể sinh động được thực hiện hàng tuần, hàng tháng.
Cùng đó là tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các buổi sinh hoạt bằng tiếng dân tộc với sự tham gia của những lực lượng nòng cốt như biên phòng, công an, quân sự… để tuyên truyền, vận động người dân hiểu, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.
“Chúng tôi cũng thông qua các buổi sinh hoạt đó phát hiện, lựa chọn những đoàn viên, hội viên ưu tú để bồi dưỡng, kết nạp vào hàng ngũ của Đảng, đặc biệt là những bản người Mông” – ông Tuấn nói và cho biết tỉnh sẽ thường xuyên sơ kết, khen thưởng, động viên kịp thời những gương điển hình, tích cực đi đầu trong phong trào vận động đồng bào Mông từ bỏ các hủ tục lạc hậu, đặc biệt là những đảng viên trong các bản người Mông.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa khẳng định đời sống ở nhiều bản làng người Mông đang dần đổi thay. Đường giao thông vào các bản vùng sâu, vùng xa, biên giới cơ bản được bê tông hóa, có điện chiếu sáng tận bản, người dân biết sử dụng điện thoại cập nhật thông tin…
Xóa bản “trắng” đảng viên
Dù vậy, theo ông Phạm Văn Tuấn, đời sống của đồng bào nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người thấp so với các địa phương miền núi khác.
“Chúng tôi luôn trăn trở việc làm thế nào để đồng bào Mông thay đổi, từ bỏ hủ tục, không trông chờ ỷ lại, từng bước vượt qua đói nghèo vươn lên làm giàu...” – ông Tuấn nói.
Chính từ sự thấu hiểu, đồng lòng, chung sức sẻ chia với những khó khăn đó cùng đồng bào dân tộc Mông mà nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nói chung cũng như tỉnh Thanh Hóa nói riêng đã được ban hành.
Đáng chú ý là sự ra đời của Kết luận 50 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về phát triển đảng viên và chi bộ, thôn, bản vùng sâu, vùng xa. Việc triển khai kết luận này đã góp phần xóa “trắng” đảng viên, đặc biệt là với 26 bản người dân tộc Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc về.
Kết luận 50 cũng được xem là kim chỉ nam trong xây dựng Đảng, tạo nền tảng quan trọng trong tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào. Từ đó, giúp thay đổi tập tục, góp phần nâng cao cuộc sống ở các bản của người Mông.
Đặc biệt, những bản người Mông ở huyện Quan Sơn và Mường Lát đều có chi bộ Đảng, trong đó nhiều đảng viên là người Mông tốt nghiệp cao đẳng, đại học.
“Nhờ vậy, việc triển khai các nghị quyết của Đảng đến với người Mông được hiệu quả hơn. Từng bước làm thay đổi nhận thức, tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong đồng bào nhằm vươn lên thoát đói nghèo, chung sức đồng lòng, cùng với cả nước và tỉnh nhà phát triển” – ông Tuấn chia sẻ.
“Cú hích” để Mường Lát thoát nghèo
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa Phạm Văn Tuấn cho hay riêng với huyện Mường Lát, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa luôn trăn trở và đặt câu hỏi địa phương này bao giờ thoát đói nghèo, bước ra khỏi hủ tục lạc hậu tạo nền móng vững chắc phát triển lâu dài ở mọi phương diện của đời sống vật chất lẫn tinh thần.
Ông nói: Từ những trăn trở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa nhận thấy phải xây dựng một kế hoạch lâu dài nhằm tạo điểm tựa pháp lý, “cú hích” cho Mường Lát phát triển.
Trên cơ sở này, tháng 9-2022, Nghị quyết 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành.
Trong đó nêu rõ mục tiêu đến năm 2030 xây dựng Mường Lát thoát khỏi huyện nghèo; đến năm 2045 phát triển nhanh, bền vững với thu nhập bình quân đầu người đạt mức bình quân của các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện được mục tiêu đề ra, lãnh đạo tỉnh xác định phải xóa bỏ hoàn toàn hủ tục lạc hậu của người Mông cũng như những tư tưởng trông chờ ý lại... Từ những “hạt giống đỏ”, các ngành các cấp ở Thanh Hóa đã tuyên truyền, triển khai nhiều giải pháp cụ thể. Người Mông dần dần đã tin tưởng vào đường lối của Đảng và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong khi đó, Bí thư Huyện ủy Mường Lát Hà Văn Ca, thông tin chính quyền huyện xác định rõ Mường Lát muốn thoát nghèo, vươn lên làm giàu, từng bước thoát ra khỏi huyện nghèo nhất cả nước thì trước tiên cán bộ, người dân, trong đó có người Mông phải xóa bỏ được tư tưởng trông chờ ỷ lại.
Qua công tác tuyên truyền nhằm phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như tinh thần của Nghị quyết 11, đến nay Mường Lát đã và đang từng bước “thay da, đổi thịt”.
Đời sống của đồng bào Mông đã có nhiều thay đổi. Điều này được thể hiện qua các chỉ số như tỉ lệ tảo hôn giảm, người chết được đưa vào quan tài, từ bỏ nhiều hủ tục cũ, xây dựng nếp sống mới văn minh, hiện đại.