Có cần học cách yêu?
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online "có phải không phải ai cũng biết cách yêu", ThS Trần Công Danh chia sẻ:
- Tôi nghĩ không phải chúng ta không biết cách yêu, mà là chưa chọn cho mình một cách yêu phù hợp, hay chưa uyển chuyển linh hoạt trong từng giai đoạn của mối quan hệ. Châm ngôn của giới trẻ bây giờ là: "Đúng người, đúng thời điểm".
Cách yêu thương cần đặt trong mỗi tính cách, hoàn cảnh, chí hướng… dần dần trở thành tổ hợp đa dạng với nhiều biến ngẫu thú vị, chẳng ai có thể áp dụng rập khuông cho ai, chẳng người nào giống người nào.
Vì vậy, tôi cho rằng chúng ta không nhất thiết phải học cách yêu từ ai đó, chúng ta cần tự định hình và cho mình một cách yêu phù hợp với bản thân mình và với chính mối quan hệ hiện hữu.
* Nhiều người cho rằng tình yêu ngày xưa đẹp hơn, bây giờ người trẻ dễ dàng nói yêu, dễ dàng chia tay hơn. Anh có thấy vậy không?
- Bản chất con người hay có sự so sánh. Trên đời này chẳng có chuyện gì giống nhau mười mươi, nên có hơn có thua cũng là thường tình.
Nếu so sánh giữa tình yêu của thế hệ trước với thế hệ bây giờ thì tôi cho rằng vẫn có sự hơn - thua. Mà hơn - thua ở đây là bởi đặt trên những quan niệm thế hệ. Tôi đứng đây, nhìn anh với góc nhìn này. Anh đứng kia và nhìn tôi với góc nhìn khác.
Tôi làm việc với rất nhiều sinh viên, qua nhiều năm tháng, tôi thấy có sự giao thoa, và mỗi giai đoạn đều có vẻ đẹp riêng của nó. Điều dễ dàng mà mọi người hay đề cập ở đây liên quan đến khả năng chịu đựng và chấp nhận. Nó đến từ hoàn cảnh dễ dàng tiếp cận và thế giới quan rộng mở hơn của người trẻ bây giờ.
Khi mà các bạn dễ tương tác, dễ đến và dễ đi hơn trong một thế giới phẳng với nhiều phương tiện tiếp cận, kết nối nhanh chóng.
* Vậy cách nào để có một tình yêu đẹp?
- Tôi có chút ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Tôi hướng tình yêu vào đời sống cá nhân và tình yêu đẹp phải từ cái đẹp chung của hai người xây dựng. Đặt trong mối quan hệ đôi lứa, nếu cả hai thấy đẹp thì nó đẹp.
Còn nếu một trong hai chưa thực sự cảm nhận hạnh phúc trong mối quan hệ đó thì dù bạn thể hiện ngoài xã hội thế nào, được mọi người ca tụng ra sao, tình yêu đó như cái xác không hồn.
Nghe có vẻ ích kỷ, nhưng nếu suy rộng ra, một người hạnh phúc, hai người hạnh phúc thì những giao tiếp xung quanh sẽ được cộng sinh, nhiều năng lượng tích cực và tình yêu được lan toả mạnh mẽ hơn. Từ đó xã hội mới thực sự tốt đẹp hơn.
Tóm lại, tình yêu đẹp luôn cần được vun đắp bởi hai con người yêu thương nhau, trân trọng nhau và cảm nhận được niềm vui bên nhau.
* Trong "Paris những mùa yêu" (Nxb Kim Đồng) anh kể nhiều chuyện tình thật dễ thương! Mối tình nào anh ấn tượng nhất?
- Toàn bộ các truyện ngắn trong Paris những mùa yêu, tôi viết ở giai đoạn tuổi hai mươi. Thời gian ấy mọi thứ trong tôi chưa đủ trải nghiệm và sâu sắc như bây giờ, thành ra những mối tình thuở ấy vẫn chỉ lãng đãng, mong manh, ngắn ngủi.
Tôi thích hai chữ "dễ thương" mà độc giả dành tặng cho các câu chuyện, nhân vật của mình. Tôi mến nhân vật Lan trong "Hẹn nhau ở Pont-Neuf". Lan trải qua mối tình đầu không suôn sẻ nhưng đầy trải nghiệm mới mẻ của tuổi sinh viên trẻ trung, sống động. Kết thúc rồi lại bắt đầu, con đường tình yêu cứ lại tiếp nối nhau bởi những ngã rẽ.
Và như đã chia sẻ ở trên, tình yêu đẹp hay không sẽ xuất phát từ mỗi góc nhìn, sự cảm nhận riêng.
Yêu và được yêu, tuổi nào cũng thích!
* Hẳn rồi, anh cũng từng yêu và được yêu? Anh có thể chia sẻ, bật mí một chút về kinh nghiệm của bản thân trong việc gìn giữ cuộc tình nồng ấm?
- Những cảm xúc đã qua là những trải nghiệm, chẳng ai giống ai hay có thể hướng dẫn ai phải làm gì?
Tôi hay hỏi mọi người về cảm nhận của chính họ, từ bên trong, từ tận đáy lòng và điều đó hướng chúng ta đến sự chân thành. Sự chân thành là chìa khoá vạn năng mở ra mọi mối quan hệ.
Có ban đầu nó bị đặt trong sự hoài nghi, hoặc chưa thực sự được đón nhận ở giai đoạn ban đầu, nhưng nếu duy trì đều đặn, trở thành bản chất thì nó là một thứ kết dính bền bỉ, không chỉ trong mối quan hệ yêu đương mà mọi mối quan hệ khác.
Ngoài ra, tôi có tiếp thu một tư tưởng của Phật giáo rất hay đó là "có sinh - có diệt", tình yêu cũng như một cái cây, một bông hoa có những ngày xanh mướt, thắm tươi thì cũng có ngày lụi tàn.
Chúng ta cần học cách chấp nhận, yêu thương hết sức, chân thành hết sức và vui vẻ đón nhận mọi diễn biến của mối quan hệ đó để lòng mình được vui vẻ, thanh thản.
* Là giảng viên, tiếp xúc nhiều với các sinh viên - thế hệ gen Z - anh thấy các bạn ấy yêu như thế nào?
- Tôi hay chia sẻ với các bạn sinh viên rằng, hành trang sau khi ra trường của các bạn ngoài thành tích học tập, hoạt động này nọ, không thể thiếu một mối tính vắt vai, hoặc bỏ vào túi cũng được.
Bạn không yêu ở thời sinh viên bạn sẽ tiếc lắm. Vui buồn gì cũng là một phần trải nghiệm thú vị cho một giai đoạn đặc biệt, mà khi bước vào đời sống công việc bạn sẽ khó so sánh được.
Đối với tôi tình yêu của các bạn trẻ bây giờ có màu sắc đẹp đẽ của riêng họ. Ngay từ cách tiếp cận đa dạng: qua mạng xã hội, qua hoạt động học tập, chơi với nhau… đến cách dành tình cảm cho nhau, công khai hơn, thẳng thắn hơn hay đến những suy nghĩ, dự định tương lai đầy sống động…
Trên hết, tôi thích cách họ yêu. Họ dám thể hiện và mạnh dạn lựa chọn, đi đến cùng với lựa chọn của mình.
* Nếu có một talkshow về tình yêu gen z và anh là một khách mời chia sẻ, anh sẽ nói gì với các bạn?
- Để trọn vẹn, tôi mong các bạn có những hiểu biết, thấu cảm về những mối quan hệ xung quanh để không biến mình thành "thế hệ ích kỷ" chỉ nghĩ đến bản thân mình.
Tuổi trẻ chưa nhiều trải nghiệm thì sẽ không thể tránh khỏi va vấp, do đó các bạn cũng cần học cách chấp nhận với những cảm xúc vui buồn, hạnh phúc hay đau khổ. Hành trình yêu thương của các bạn còn cả cuộc đời, do đó đừng vì một khúc cua, mà buộc mình dừng lại. Bản thân tôi dù ở tuổi nào, tôi cũng muốn yêu và muốn được yêu.
Ngày mới kết hôn, hai vợ chồng trẻ chấp nhận ở tạm trong căn nhà trọ mà gọi với cái tên sang chảnh hơn là 'chung cư mini'. Căn phòng vỏn vẹn 15m2, hai vợ chồng đi ra đi vào cũng bất tiện.