Theo ông Võ Văn Hoan, TPHCM luôn xem việc liên kết với các địa phương là cấp thiết để cùng phát triển. Việc liên kết đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, kết quả chưa xứng với tiềm năng của các địa phương trong vùng và chưa tương xứng với vị thế của thành phố do nhiều nguyên nhân. Trong đó nổi bật là vấn đề hạ tầng chưa được đầu tư đầy đủ, chính sách của trung ương chưa rõ ràng, nguồn lực của địa phương còn hạn chế. Ngoài ra, sự cạnh tranh giữa các địa phương trong thu hút đầu tư không theo phát triển quy hoạch, định hướng chung làm triệt tiêu động lực của nhau.
Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tại diễn đàn “Liên kết phát triển TPHCM và các tỉnh, thành ĐBSCL 2021” sáng 17/12 |
Mặt khác, việc hợp tác giữa TP và các địa phương vẫn còn riêng lẻ. Muốn thay đổi điều này cần quy hoạch phát triển vùng mang tính chiến lược và đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó chú trọng mở rộng phát triển mạnh giao thông thủy vốn là ưu thế trước giờ (cảng biển, cảng sông, bến bãi, phương tiện). Để làm được điều này, thành phố và các tỉnh sẽ phải kiến nghị với Trung ương.
Lãnh đạo TPHCM cho biết thêm, TP đã mở cửa sau thời gian dài thực hiện các biện pháp chống dịch COVID-19. TP và các tỉnh cần tăng cường liên kết để khắc phục chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, phục hồi động lực tăng trưởng và phát triển (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), giải quyết bài toán lao động, tương tác hỗ trợ nhau phòng chống dịch hiệu quả. TP quyết tâm hỗ trợ tối đa các điều kiện để các tỉnh đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả và cùng TP liên kết, phát triển.
Ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ KH&CN góp ý, ĐBSCL cần ưu tiên đầu tư ngân sách để hình thành sàn giao dịch thiết bị và công nghệ. Đồng thời, triển khai các biện pháp thúc đẩy chuyển giao công nghệ; nhập khẩu, giải mã các công nghệ cao; ưu tiên công nghệ từ các nước phát triển, có tiềm năng tác động lớn và lan tỏa, trước hết là đối với một số lĩnh vực công nghiệp, chuỗi ngành hàng xuất khẩu chủ lực của vùng như: chuỗi tôm, chuỗi cá tra, chuỗi lúa gạo...
Nguyễn Cẩm