Theo thông tin từ Bệnh viện Phổi trung ương, nữ bệnh nhân 21 tuổi đã bắt đầu đến khám tại bệnh viện từ 2020 và đã phẫu thuật tại đây một lần do nhiều chứng bệnh, trong đó có một bệnh lý ít gặp gây xơ phổi. Nếu không được ghép phổi lần này tiên lượng của bệnh nhân rất xấu, thời gian sống thêm chỉ tính theo tháng.
Trong những ngày cuối cùng của năm Quý Mão, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 có nam bệnh nhân 26 tuổi bị tai nạn giao thông chết não và gia đình đã hiến tặng mô tạng, trong đó tim và thận - tụy ghép tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hai lá phổi phù hợp các chỉ số với cô gái đang chờ tại Bệnh viện Phổi trung ương và chuyển sang ghép tại đây.
"Chúng tôi có một ngày để chuẩn bị, 18h tối 30 Tết bắt đầu ghép toàn bộ hai phổi, ngay trong đêm bệnh nhân đã được rút ECMO (thiết bị tim phổi ngoài cơ thể), sáng mùng 1 rút máy thở, khí máu của bệnh nhân đạt 98% như người bình thường. Một ngày sau ghép bệnh nhân đã ngồi dậy được và tự ăn sữa" - ông Vũ Xuân Phú, phó giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, chia sẻ.
Ngoài việc phối hợp nhuần nhuyễn giữa hai bệnh viện 108 và Phổi, riêng ê kíp y bác sĩ trong ca ghép tại Bệnh viện Phổi trung ương đã gần 100 người, đồng thời nhận được sự hỗ trợ của GS.TS Lê Ngọc Thành, hiệu trưởng Trường Đại học Y dược thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và TS Nguyễn Công Hựu, giám đốc Bệnh viện E là các chuyên gia về phẫu thuật tim mạch.
Vì ca ghép thực hiện vào đêm 30 tết nên trong những ngày tết, các khoa phòng gây mê hồi sức, cận lâm sàng, hậu cần... của Bệnh viện Phổi trung ương đều ứng trực đầy đủ, sẵn sàng ngay khi có yêu cầu từ phòng hậu phẫu.
Tin vui nhất đối với họ là cô gái 21 tuổi đã bình phục dần sau ghép và luôn cười khi y bác sĩ đến thăm. Một sự sống mới đã đâm chồi.
Tại Bệnh viện Phổi trung ương hiện có hàng chục bệnh nhân chờ ghép phổi, ca ghép ngày 30 tết là ca ghép thứ 2 thực hiện tại bệnh viện này.
Riêng tại Hà Nội, hiện đã có Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện 103 và Bệnh viện Phổi trung ương thực hiện được ghép phổi, mang đến cơ hội cứu sống những người bệnh mắc bệnh lý ở phổi như phổi tắc nghẽn mãn tính, xơ phổi...
Nhờ sự hỗ trợ của robot, các bác sĩ chỉ phải rạch một phần nhỏ da, mỡ và cơ của bệnh nhân. Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân cho biết ông không hề thấy đau.