Nỗ lực bên cạnh thách thức
Nói về tình hình sản xuất kinh doanh đầu năm 2024, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh thông tin, năm 2023, kinh tế toàn cầu đối diện với rất nhiều khó khăn, hầu hết các ngành công nghiệp đều sụt giảm nhưng ngành lương thực - thực phẩm vẫn tăng trưởng tốt. Hầu hết thành viên hiệp hội đều nỗ lực kìm giữ giá, tham gia bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu theo chủ trương của Nhà nước, UBND thành phố Hồ Chí Minh
Cũng theo bà Lý Kim Chi, năm 2024, các doanh nghiệp đã sớm dự báo tình hình khó khăn sẽ kéo dài bởi xu hướng chi tiêu tiết kiệm, do đó đã chủ động sản xuất, điều phối nguồn nguyên liệu, giá bán. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư số hóa khâu sản xuất, cải tiến logistics để giảm chi phí.
"Các doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh kích cầu, tham gia tất cả chương trình khuyến mãi của thành phố Hồ Chí Minh phát động với hy vọng cầu thị trường tăng tốt. Năm 2024, nếu Chính phủ giữ được đà tăng trưởng ổn định, kiểm soát lạm phát và đẩy mạnh đầu tư công sẽ tạo tiền đề cho các ngành nghề phát triển ổn định", bà Chi nói.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ lo ngại chủ trương tăng giá điện, nước sẽ kéo theo các chi phí khác tăng theo, nhất là việc tăng giá nước sẽ ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, nhà hàng.
Các chủ doanh nghiệp cũng đề xuất, kiến nghị và mong muốn Nhà nước xem xét giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% còn 8% đến hết năm 2024 và Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp xuống còn 1%.
Đồng quan điểm, theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, cơ quan quản lý cần điều hành các chính sách vĩ mô (lãi suất, chỉ số giá tiêu dùng và tỉ giá ngoại tệ) với nhịp độ nhanh hơn nhằm đáp ứng những biến động của thị trường.
“Những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đã có nhiều nhưng chúng tôi kiến nghị năm 2024 cần chính sách căn cơ hơn để tạo hiệu ứng kích cầu ổn định và lâu dài. Trong đó, tăng cường những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, Nhà nước có thể có chính sách giảm giá trực tiếp cho thuê mặt bằng bán lẻ để tạo sự sôi động cho thị trường…”, ông Đức đề xuất.
Ông Nguyễn Đình Tuệ - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Giện nay lãi suất đã giảm sâu, thủ tục vay vốn cũng tiến bộ hơn nhưng nhu cầu vay vốn vẫn chưa tăng. Lý do là doanh nghiệp cũng chưa thể phát triển sản xuất khi mà chưa bán được hàng hóa. Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn một số khó khăn như tình hình tài chính chưa minh bạch, tài sản thế chấp… nên tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng còn hạn chế”.
Các ngân hàng cũng có nhu cầu cấp tín dụng, tuy nhiên việc kết nối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn gặp rào cản. Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp đã đề nghị ngân hàng tiếp tục chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong năm 2024.
Cần giải pháp đồng bộ, hiệu quả
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (HUBA) chỉ ra, trong năm 2023, cộng đồng doanh nghiệp đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, khó khăn lớn nhất là sự sụt giảm của nhiều thị trường tiêu thụ song song với tiêu thụ nội địa cũng giảm sút.
Giữa bối cảnh đó, doanh nghiệp phải nỗ lực xoay xở để duy trì sản xuất - kinh doanh, giữ chân người lao động. Nhà nước đã có nhiều giải pháp để tác động, hỗ trợ doanh nghiệp nhưng còn mang tính rời rạc. Chẳng hạn, tuy Nhà nước có chính sách hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp khó khăn nhưng doanh nghiệp không đẩy được hàng hóa ra thị trường, không có nhu cầu mở rộng sản xuất - kinh doanh nên dù lãi suất thấp thì họ cũng không vay.
Do đó, ông Hòa cho rằng, trong năm 2024, Nhà nước không nhất thiết phải xây dựng thêm chính sách mà cần làm sao cho các chính sách có sự kết nối với nhau. Khi nhu cầu của xã hội còn thấp thì việc kích cầu đầu tư công có ý nghĩa quan trọng, tạo ra nguồn để bù đắp cầu đang bị sụt giảm ở các nguồn khác.
“Năm 2024 với sự tham gia tích cực và chủ động, khẩn trương của các cơ quan quản lý, kỳ vọng rằng chúng ta có thể tập trung giải phóng các nguồn lực. Đơn cử, sau khi giải phóng nguồn lực về vốn thành công, cần phải giải phóng nguồn lực đất đai để có thể hấp thụ vốn”, ông Hòa nói.
Một trợ lực rất tốt cho doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh là thành phố kích hoạt trở lại chương trình kích cầu đầu tư. Cần hướng chương trình này hỗ trợ doanh nghiệp trong lộ trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ để có những sản phẩm mới, tìm ra thị trường mới. Nếu có sự hỗ trợ thông qua chương trình kích cầu, doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư và đón đầu chu kỳ phát triển trở lại trong 1 - 1,5 năm tới.
Chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch đánh giá, năm 2024, thành phố Hồ Chí Minh sẽ gặp cả khó khăn lẫn thuận lợi, nhưng khó khăn vẫn nhiều hơn. Ông đánh giá mức tăng trưởng GRDP năm 2024 từ 7,5 - 8% là thách thức lớn, rất khó nhưng không thể không làm được.
Theo ông Lịch, tuy quý I/2024 không thể tăng trưởng cao như các quý cuối năm 2023 do Thành phố đón Tết Nguyên đán, nhưng phải tạo sức bật từ đầu năm để tránh lặp lại GRDP tăng thấp như quý I/2023.
Vị chuyên gia này cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, ngay từ đầu năm phải tháo gỡ các dự án bất động sản để tạo sức bật cho nền kinh tế. Thị trường bất động sản chỉ đóng băng ở phân khúc đầu cơ, còn các sản phẩm người tiêu dùng cần thì vẫn thiếu nghiêm trọng.
Đồng tình với việc đẩy mạnh đầu tư công, ông Trần Du Lịch đề nghị cần phân cấp phân quyền rõ ràng trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, trong đầu tư công để bơm vốn vào thị trường ngay từ thời điểm đầu năm, bởi vốn đầu tư công sẽ là nguồn vốn dẫn dắt phát triển.