Trong tháng đầu tiên của năm 2024, chỉ số PMI của Việt Nam đạt mức 50,3 điểm so với 48,9 điểm của tháng 12/2023. Kết quả chỉ số cho thấy, sức khỏe của ngành sản xuất cải thiện lần đầu tiên sau 5 tháng. Các nhà sản xuất Việt Nam cũng ghi nhận sự tăng trưởng trở lại vào đầu năm 2024, khi những dấu hiệu ban đầu cho thấy nhu cầu cải thiện giúp số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng trở lại.
Tháng 1 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 33,57 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và tăng 42% so với cùng kỳ. Cùng với tín hiệu tích cực từ thị trường thế giới, ngay những ngày đầu năm, khí thế thi đua lao động sản xuất trong các công trường, nhà máy, doanh nghiệp diễn ra sôi nổi.
Công nhân ở các nhà máy làm việc hăng say để kịp tiến độ giao hàng
Tại TP. Hồ Chí Minh, đơn hàng đã ký đến hết năm 2024 với sản lượng sản xuất trên 150.000 tấn cấu kiện thép, tăng hơn 50% so với năm trước. Những ngày đầu năm, công nhân ở các nhà máy làm việc 3 ca/ngày, thậm chí sản xuất xuyên Tết để kịp tiến độ giao hàng.
Ông Trịnh Tiến Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng chia sẻ: "Chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng 25%-30%. Chúng tôi tin tưởng sẽ đạt được điều ấy vì chúng tôi đã có đơn hàng. Cụ thể là chúng tôi đang bán ở thị trường Nhật các công trình cho các nhà cao tầng, công trình ở Sydney Úc, các công trình cho các nhà máy về khí, nhà máy tách hidro của Mỹ…".
Theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê, tháng 1 vừa qua, xuất khẩu giày dép đạt 1,85 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ với nhiều triển vọng tươi sáng trong năm 2024. Các doanh nghiệp cho biết là đơn hàng sau Tết cũng tương đối ổn định với các đối tác chính là Mỹ, Eu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định đã có đơn hàng đến hết quý 2 nên công nhân được tăng ca 5 ngày/tuần, mỗi ngày 1,5 tiếng. Sản xuất những sản phẩm giày dép có chất lượng từ trung bình trở lên và có độ khó cao là lợi thế khiến doanh nghiệp có thêm đơn hàng ngay đầu năm mới.
"Chúng tôi đã có những thay đổi bằng cách mở rộng các thị trường như thị trường nhỏ, thị trường mới. Đa dạng hoá các sản phẩm làm cho đơn hàng phong phú, ít lệ thuộc vào đơn hàng của khách hàng truyền thống trước đây" - Ông Nguyễn Chí Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định cho biết.
Tại TP. Hồ Chí Minh, theo đánh giá của ngành chức năng, sản xuất công nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực. Xuất khẩu tháng đầu năm ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ. Hầu hết doanh nghiệp có đơn hàng ổn định sau Tết Nguyên đán.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh nhận định: "Chúng tôi đã chuẩn bị với các hiệp hội, ngành hàng để có những chương trình xúc tiến mạnh mẽ hơn ở các thị trường nước ngoài, thị trường ngách bên cạnh khai thác các FTA mà Việt Nam đã ký kết. Trong không khí hiện nay, việc chuẩn bị lực lượng lao động, nguồn vốn cũng như nguyên vật liệu rất khẩn trương".
TP. Hồ Chí Minh cũng nhận định, bức tranh kinh tế tháng đầu năm nhiều thuận lợi - thách thức đan xen. Với khí thế lao động sôi nổi tại các nhà máy và quyết tâm cao của doanh nghiệp, người lao động, TP.Hồ Chí Minh có cơ sở để đặt mục tiêu tăng trưởng quý 1 không thấp hơn 6,5%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.45755533151204202-man-uad-taux-nas-eht-ihk-ion-ios/et-hnik/nv.vtv