Theo số liệu GDP sơ bộ năm 2023 do Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố hôm thứ Năm, nền kinh tế nước này ghi nhận mức tăng trưởng danh nghĩa là 5,7%, trong khi Trung Quốc tăng 4,6%.
Điều này đánh dấu lần đầu tiên tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa của Nhật Bản vượt qua Trung Quốc kể từ năm 1977.
Sự đảo chiều diễn ra khi Nhật Bản bắt đầu rơi vào lạm phát, trong khi Trung Quốc đang gặp áp lực giảm phát.
Tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa của Trung Quốc giảm xuống 4,6% vào năm 2023 từ mức 4,8% của năm trước. Các nước như Mỹ, Đức có tốc độ tăng trưởng danh nghĩa trên 6%, khiến sự giảm tốc của Trung Quốc trở nên đáng chú ý khi so với các cường quốc khác ngoài Nhật Bản.
Theo Ting Lu – nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura, tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa chậm lại của Trung Quốc “ngụ ý chỉ số giảm phát GDP là -0,5% vào năm 2023, mức giảm lớn nhất kể từ năm 1998-1999.
Nhu cầu trong nước ở Trung Quốc vẫn yếu trong bối cảnh bất động sản sụt giảm kéo dài và thị trường việc làm khó khăn, đặc biệt là đối với giới trẻ.
Trong khi giá tiêu dùng trong tháng 1 giảm so với cùng kỳ trong bốn tháng liên tiếp, thì chỉ số giá sản xuất so với cùng kỳ năm trước lại ở mức âm kể từ tháng 10/2022.
Nhà phân tích Lillian Li của Moody’s Investor Service nhận định tác động đến tăng trưởng GDP danh nghĩa vào năm 2024 sẽ phụ thuộc vào việc liệu các biện pháp kích thích trong tương lai có thể cải thiện niềm tin của thị trường và thúc đẩy nhu cầu một cách bền vững hay không.
Theo Thomas Gatley, chiến lược gia về Trung Quốc tại công ty nghiên cứu độc lập Gavekal, áp lực giảm phát ở Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục, hoặc thậm chí có thể gia tăng và gây áp lực giảm giá toàn cầu.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc và hệ thống tài chính đều cam kết bơm thêm vốn vào lĩnh vực sản xuất. Sức mạnh sản xuất của Trung Quốc là nhân tố quan trọng giúp giảm lạm phát toàn cầu trong hai thập kỷ qua, đặc biệt kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001.
Nền kinh tế Trung Quốc đạt mức tăng trưởng danh nghĩa trung bình hàng năm khoảng 12% từ năm 2000 đến năm 2022. Tốc độ tăng trưởng danh nghĩa chậm lại đồng nghĩa với việc mở rộng thị trường chậm lại. Điều này có thể ảnh hưởng đến thu nhập của các công ty kinh doanh tại Trung Quốc.
Theo Nikkei Asia