Ngày 16-2, Bệnh viện Nhi trung ương thông tin tiếp nhận bệnh nhi T.M. (9 tuổi, Hà Tĩnh) nhập viện trong tình trạng nguy kịch do nhiễm độc chì.
Tổn thương não vì nhiễm độc chì
Qua khai thác tiền sử, T.M. được chẩn đoán động kinh từ lúc 6 tuổi. Thời gian gần đây, tần suất co giật của trẻ tăng lên, gia đình đã tự mua thuốc cam không rõ nguồn gốc về cho trẻ uống. Sau khoảng 2 tuần, trẻ co giật nhiều hơn kèm nôn, đau đầu, lơ mơ, được chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.
Tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, các bác sĩ nghi ngờ trẻ bị ngộ độc chì và cho làm xét nghiệm định lượng chì trong máu.
Kết quả cho thấy T.M. bị ngộ độc chì nặng, có tổn thương não. Nồng độ chì trong máu của trẻ là 91 µg/dL (ngưỡng được chấp nhận là dưới 10 µg/dL). Bệnh nhi nhanh chóng được chuyển đến Bệnh viện Nhi trung ương để tiếp tục theo dõi và điều trị.
Tại Bệnh viện Nhi trung ương, trẻ nhập viện trong tình trạng lơ mơ, co giật nhiều và kéo dài, giảm tri giác.
Các bác sĩ đã lập tức hồi sức tích cực để đảm bảo chức năng sinh tồn cho trẻ như thở oxy, thở máy, đảm bảo huyết động, điều trị tăng áp lực nội sọ, dùng thuốc thải chì máu…
Tuy nhiên, sau 1 ngày điều trị, tình trạng tri giác của bệnh nhi xấu dần, tăng áp lực nội sọ nặng, đe dọa đến các chức năng sống và bệnh nhi rơi vào tình trạng mất não.
Bác sĩ Nguyễn Tân Hùng - phó trưởng khoa cấp cứu và chống độc, Bệnh viện Nhi trung ương - chia sẻ đây là một ca ngộ độc rất đáng tiếc vì sự thiếu hiểu biết của gia đình.
Gia đình đã không tuân thủ hướng dẫn điều trị bệnh động kinh của các bác sĩ chuyên khoa, không cho trẻ uống thuốc đều đặn và đi tái khám theo lịch mà lại tự ý dùng thuốc không rõ nguồn gốc để chữa bệnh.
"Mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về nguy cơ ngộ độc chì trong thuốc cam không rõ nguồn gốc trong thời gian qua và thực tế cũng đã có nhiều trường hợp trẻ nhiễm độc chì để lại di chứng nặng nề.
Một số cha mẹ vẫn quá tin tưởng vào loại "thần dược" này sẽ giúp chữa được nhiều bệnh về da, răng miệng, suy dinh dưỡng hay tăng đề kháng… Đây là những sai lầm có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho trẻ em", bác sĩ Hùng cảnh báo.
Nguy cơ nhiễm độc chì ở trẻ nhỏ
Theo bác sĩ Hùng, chì là chất rất độc hại cho sức khỏe, gây tổn thương nhiều cơ quan như thần kinh, xương, hệ huyết học, máu, gan, thận, hệ tiêu hóa, tim mạch… Khi vào cơ thể, chì có thể tích lũy lâu trong nội tạng, đặc biệt là xương và phải mất hàng chục năm mới có thể thải trừ ra ngoài.
Chì đặc biệt nguy hại với trẻ nhỏ do chúng tích lũy trong xương lâu dài khiến trẻ còi cọc, chậm phát triển thể chất.
Kim loại này còn gây thiếu máu, có trường hợp tổn thương não không hồi phục dẫn tới các di chứng nặng nề như chậm phát triển trí tuệ, co giật. Nồng độ chì trong máu lớn hơn 70 µg/dL là ngộ độc chì mức độ nặng với tỉ lệ tử vong trên 65% nếu có tổn thương thần kinh trung ương.
"Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc chì như tiếp xúc với môi trường ô nhiễm từ các khu công nghiệp, nguồn nước nhiễm chì, sơn tường, xăng dầu nhiễm chì, pin, đồ chơi bằng nhựa có sơn chì, đồ hộp đựng thức ăn có hàn chì…
Đặc biệt, dùng các loại thuốc nam được dân gian gọi là thuốc cam không rõ nguồn gốc là một trong những nguyên nhân hàng đầu và phổ biến nhất gây ngộ độc chì ở trẻ em", bác sĩ Hùng cho hay.
TTO - 10.500 bình sữa và ly dành cho trẻ em do Công ty Green Sprouts sản xuất đã bị thu hồi tại Mỹ, do nhà chức trách lo ngại mối hàn ở đế các sản phẩm này có thể khiến trẻ em bị ngộ độc chì.