Nếu đã quá quen thuộc với những cung đường đẹp mơ màng, đồi thông lãng mạn ở Đà Lạt, bạn hãy thử ghé Bảo Lộc và cảm nhận không khí thanh bình của thành phố bé nhỏ này.
Bảo Lộc mùa nào cũng êm đềm, thơ mộng và bình yên. Mùa Tết, trên con đường dẫn vào trung tâm thành phố Bảo Lộc, những cây kèn hồng nở rộ từng chùm nhàn nhạt quyến rũ đủ làm vấn vương bất cứ ai lần đầu đặt chân đến.
Mất khoảng năm giờ đồng hồ để di chuyển từ TP.HCM đến Bảo Lộc. Trước khi đến thành phố là đèo Bảo Lộc với rất nhiều câu chuyện kỳ bí. Đèo Bảo Lộc không hùng vĩ như đèo Hải Vân, hoang sơ như đèo Ngang, hiểm trở như đèo Cả nhưng đủ thử thách bất cứ tài xế mới nào đi ngang. Đường đèo bên trái là vách núi, bên phải là vực sâu, du khách có thể nhàn tản đưa tầm mắt lướt theo màu xanh hoang vắng của những triền núi xa xa.
Đèo dài tầm hai mươi cây số, không quá dài nhưng du khách có thể dễ dàng cảm nhận không khí mát lạnh sau khi lên hết đèo. Cảm giác uể oải sau một chặng đường dài lập tức tan biến bởi khí hậu mát mẻ pha trộn một chút nắng nhàn nhạt và cả làn sương mù huyền ảo trải khắp mọi ngõ ngách.
Bảo Lộc không lạnh bằng Đà Lạt nhưng tiết trời se lạnh, mát dịu, êm ả tựa như nàng tiên mơ màng làm đắm say bao tâm hồn.
Bình minh Bảo Lộc không vội vã, không hào nhoáng, nhưng mang lại cảm xúc rất khoan khoái, dịu dàng. Bảo Lộc được mệnh danh là thành phố mù sương bởi hầu hết các buổi sáng đều có sương mù. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu sáng sớm chạy xe không thấy đường bởi ở Bảo Lộc tầm hơn chín giờ sáng sương mới tan dần.
Lên Bảo Lộc thật tiếc nếu du khách lười biếng không dậy sớm, leo lên ngọn núi Đại Bình (S'Pung) ngắm mặt trời ló dạng sau màn sương mù, ngắm mây bồng bềnh trên đỉnh núi, hít hà không khí tươi mới của núi rừng.
Người Bảo Lộc hay đùa với bạn bè rằng lên Bảo Lộc mà chưa đi thác Đamb'ri coi như chưa biết Bảo Lộc.
Thác Đamb'ri là thác lớn nhất Lâm Đồng, cách trung tâm thành phố Bảo Lộc tầm mười tám cây số. Với lưu lượng nước khổng lồ vào mùa mưa, dòng thác như một dải lụa trắng xóa chảy âm vang núi rừng ngày đêm, là điểm tham quan thú vị, là biểu tượng du lịch đáng tự hào của Bảo Lộc.
Theo người dân kể lại, dòng thác chính là sự bàng hoàng vì cõi lòng tan nát của một người con gái K'Ho, khi người yêu bị cha mình đày đi xa, không bao giờ trở về. Nàng chờ đợi, khao khát hình bóng chàng quay lại với thời gian mòn mỏi.
Cuối cùng, nàng đã chết trong thương nhớ. Nước mắt khóc thương của nàng đã biến thành dòng thác gào thét trong tuyệt vọng. Đamb'ri có nghĩa chờ đợi. Dòng thác huyền diệu này đã làm say đắm biết bao du khách khi ghé thăm Bảo Lộc.
Cũng có nhiều người nói đến Bảo Lộc mà chưa đến phố trà, chưa thưởng thức trà Bảo Lộc thì quá thiếu sót. Quả thật vậy, con đường Trần Phú trên trục quốc lộ 20 quy tụ rất nhiều tiệm trà nổi tiếng lâu đời như Đỗ Hữu, Trâm Anh, Quốc Thái, Thiên Hương... luôn ngào ngạt hương trà.
Ít người biết rằng trà của Bảo Lộc với thương hiệu B'Lao đã lan tỏa đi nhiều nơi trên thế giới. Thương hiệu này là niềm tự hào của vùng đất Bảo Lộc từ đầu thế kỷ 20 và tồn tại đến tận ngày nay. Không khí lành lạnh mờ sương của cao nguyên, ghé bất kỳ nơi nào du khách cũng có thể thưởng thức ly trà nóng ấm phảng phất hương núi đồi cao nguyên.
Đến Bảo Lộc, du khách cũng đừng quên ghé thăm những ngôi chùa như tu viện Bát Nhã, chùa A Di Đà, chùa Trà, Linh Quy Pháp Ấn… hay nông trường chè xanh bạt ngàn làm nên biểu tượng của Bảo Lộc.
Bảo Lộc còn có hồ Nam Phương, hồ Bảo Lộc xanh mát quanh năm. Lần nào về, tôi cũng ghé quán cà phê bên bờ hồ Bảo Lộc ngắm mặt hồ lăn tăn gợn sóng, nghe tiếng chuông nhà thờ vọng lại dịu đi những bộn bề cuộc sống.
Đêm xuống Bảo Lộc se sắt lạnh, thành phố bình yên, mộc mạc lại khoác lên mình màn sương mờ ảo. Có lẽ những ai từng quen cảnh chợ đêm nhộn nhịp của Đà Lạt hẳn sẽ thấy lỗi nhịp khi lạc giữa đêm Bảo Lộc bởi sự thanh vắng bình yên. Dừng chân nơi vỉa hè gần nhà thờ Bảo Lộc, uống ly sữa đậu nành nóng hổi, trôi ngẩn ngơ vào đêm hư ảo.
Tôi hãnh diện khi Bảo Lộc trở thành quê hương thứ hai của mình. Những đồi chè xanh ngát, những con dốc chập chùng mờ sương, những ngọn thác hùng vĩ luôn in đậm trong ký ức một Bảo Lộc thân thương, hiền hòa. Nếu quá mỏi mệt, muốn tìm chút yên bình, tĩnh lặng, đừng quên ghé Bảo Lộc nhé!
Cuộc thi "Khoảnh khắc Tết của tôi"
Cuộc thi Khoảnh khắc Tết của tôi là dịp để bạn đọc giới thiệu những khoảnh khắc đẹp, những trải nghiệm khó quên nhất trong dịp Tết cùng người thân, bạn bè.
Mỗi bài viết tối đa 1.000 chữ bằng tiếng Việt, khuyến khích kèm theo ảnh, chùm ảnh hoặc video.
Bài dự thi chia sẻ lại những điểm dừng chân lý tưởng, vùng đất độc đáo. Qua câu chuyện bạn kể, bạn sẽ giúp nhiều người có cơ hội được biết đến những vùng đất mới, những địa điểm không nên bỏ lỡ khi du xuân.
Đó có thể là bài viết ghi lại những khoảnh khắc bạn bè, người thân sum họp, ăn Tết và vui chơi cùng nhau.
Đó là những ghi chép, kể lại về những trải nghiệm cá nhân từ chuyến đi, chuyến công tác xa nhà trong những ngày Tết mà bạn từng trải qua.
Bài thi ảnh làm nổi bật vẻ đẹp của danh thắng, địa điểm hay vùng đất mà bạn đã tới. Đây là dịp để kể lại những sắc màu rực rỡ và khung cảnh đẹp của Việt Nam hoặc các quốc gia mà bạn đến.
Từ 25-1 đến hết 24-2, bạn đọc có thể gửi bài dự thi về địa chỉ khoanhkhactet@tuoitre.com.vn.
Lễ trao giải và tổng kết dự kiến diễn ra vào tháng 3-2024. Cơ cấu giải thưởng bao gồm 1 giải nhất (15 triệu đồng tiền mặt và quà tặng), 2 giải nhì (7 triệu đồng và quà tặng), 3 giải ba (5 triệu đồng và quà tặng).
Chương trình có sự đồng hành của HDBank.
Tôi có dịp đến xóm Rớ nhiều lần vào mùa rêu và lần nào cũng có cảm xúc khác lạ. Nhất là vào những buổi sáng khi ánh bình minh vừa ló dạng, làng rêu xóm Rớ đẹp đến sững sờ.