Bác sĩ Nguyễn Quang Bảy, trưởng khoa nội tiết, đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết các loại thuốc gây ảnh hưởng nhiều đến đường huyết và đái tháo đường.
Glucocorticoid
Corticosteroid gồm các thuốc chống viêm có nguồn gốc hormone tuyến thượng thận, nó được sử dụng cực kỳ rộng rãi trong rất nhiều bệnh như hen phế quản, viêm khớp, dị ứng, ung thư, ghép thận...
Corticoisteroid đứng đầu danh sách các thuốc làm tăng lượng đường trong máu, và có thể gây bệnh đái tháo đường mới khởi phát (bệnh đái tháo đường do steroid).
Còn ở những người đã mắc bệnh đái tháo đường từ trước thì kiểm soát đường huyết sẽ tệ hơn nhiều khi bắt đầu điều trị bằng glucocorticoid, và nhiều bệnh nhân sau đó sẽ cần điều trị tích cực bằng insulin.
Mức độ tăng glucose phụ thuộc vào tình trạng đường huyết trước khi bắt đầu dùng steroid, liều lượng và thời gian điều trị bằng glucocorticoid, tình trạng bệnh đi kèm cùng nhiều yếu tố khác.
Thuốc chống loạn thần
Nhiều thuốc điều trị loạn thần có thể gây béo phì; từ 15 - 72% số người dùng thuốc chống loạn thần thế hệ thứ hai bị tăng ≥ 7% cân nặng, là yếu tố nguy cơ gây đái tháo đường. Đồng thời, thuốc chống loạn thần còn gây giảm tín hiệu insulin nội bào, dẫn đến tình trạng kháng insulin.
Ngoài ra thuốc dường như có tác động trực tiếp lên các tế bào beta tuyến tụy. Sự đối kháng của các thụ thể dopamine D2, serotonin 5-HT2C và muscarinic M3 làm suy yếu phản ứng của tế bào beta đối với những thay đổi về đường huyết.
Các thí nghiệm còn thấy thuốc chống loạn thần thúc đẩy quá trình chết theo chương trình của tế bào beta. Tăng cân và xuất hiện bệnh đái tháo đường type 2 hay xảy ra khi dùng các thuốc chẹn mạnh thụ thể muscarinic M3 và histamine H1, rõ nhất là các thuốc clozapine, olanzapine, và haloperidol; và ít nhất với các thuốc như ziprasidone.
Thuốc lợi tiểu thiazide
Thuốc lợi tiểu thiazide thường được sử dụng trong điều trị tăng huyết áp và có thể liên quan đến các biến chứng chuyển hóa gồm hạ kali máu; tăng cholesterol, tăng triglyceride và các lipid máu khác; cũng như tăng glucose.
Người ta cho rằng hạ kali máu dẫn đến giảm tiết insulin và giảm nhạy cảm insulin (phụ thuộc vào liều dùng), góp phần gây ra bệnh đái tháo đường mới. Các nghiên cứu cho thấy điều trị 29 bệnh nhân bằng chlorthalidone trong 1 năm sẽ khiến 1 bệnh nhân bị đái tháo đường.
Thuốc statin
Liệu pháp statin có liên quan với việc giảm độ nhạy insulin và suy giảm bài tiết insulin. Các phân tích gộp thấy tỉ lệ mắc đái tháo đường ở các bệnh nhân điều trị statin có thể đến 9%.
Cứ điều trị 255 bệnh nhân bằng statin trong 4 năm thì có 1 người có thể mắc bệnh đái tháo đường mới.
Tuy nhiên nguy cơ này là khá thấp so với lợi ích tim mạch của statin, cụ thể là cứ điều trị 39 bệnh nhân có bệnh tim mạch từ trước bằng statin trong 5 năm thì sẽ ngăn ngừa được 1 lần bị nhồi máu cơ tim.
Thuốc chẹn beta (beta blocker)
Thuốc chẹn beta là một nhóm thuốc thường được sử dụng để điều trị tăng huyết áp, suy tim, bệnh động mạch vành và rối loạn nhịp tim.
Các thuốc chẹn beta không giãn mạch có nhiều khả năng liên quan đến tăng A1c, đường huyết trung bình, trọng lượng cơ thể và triglycerid so với thuốc chẹn beta giãn mạch như carvedilol, nebivolol và labetalol.
Lưu ý là ở các bệnh nhân đái tháo đường, sử dụng thuốc chẹn beta có thể làm mờ một số triệu chứng của hạ đường huyết như run, khó chịu và đánh trống ngực, nhưng ít ảnh hưởng đến các triệu chứng khác như toát mồ hôi
Một số thuốc khác - bao gồm thuốc kháng vi rút, thuốc ức chế tyrosine kinase, thuốc ức chế miễn dịch, interferon alpha, thuốc điều trị ung thư tiền liệt tuyến cũng có liên quan đến nguy cơ tăng đường huyết và bệnh đái tháo đường mới.
Vì vậy cần xem xét tác dụng của các thuốc này đối với đường huyết, đặc biệt ở những người có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường cao hoặc những bệnh nhân đã được chẩn đoán đái tháo đường trước khi kê đơn.
TTO - “Theo các nghiên cứu trên thế giới, đối với mũi tiêm 3, 4 của vắc xin COVID-19 có phản ứng phụ ở giữa mức phản ứng của mũi 1-2. Ví dụ vắc xin Pfizer tiêm mũi 2 sẽ có phản ứng nặng hơn mũi 1 và mũi 3, 4 ít phản ứng hơn mũi 2”.