Nhật Bản đã gây sốc cho các nhà phân tích khi dữ liệu mới đây cho thấy tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bất ngờ giảm trong hai quý liên tiếp, điều này có nghĩa nước này đang rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật và mất vị trí nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào tay Đức.
Trong khi thị trường đang chú ý vào dữ liệu GDP, thì trọng tâm của các nhà hoạch định chính sách BOJ là liệu đợt tăng lương dự kiến vào năm 2024 có được lặp lại vào năm tới hay không, đây là điều kiện mà ngân hàng trung ương tin là cần thiết để Nhật Bản thoát khỏi tình trạng tiêu dùng hộ gia đình ảm đạm đã diễn ra trong nhiều thập kỷ.
Vì lý do đó, các cuộc đàm phán tiền lương hàng năm vào mùa xuân này nhằm ấn định mức lương cho năm 2025 vẫn là một chỉ số kinh tế quan trọng hơn đối với BOJ so với dữ liệu GDP, vì GDP vốn là một chỉ số phản ánh dữ liệu quá khứ.
Đồng thời, điểm yếu của khu vực tiêu dùng cho thấy thông qua số liệu GDP có nghĩa là việc chấm dứt lãi suất âm hiện có nhiều khả năng xảy ra tại cuộc họp tháng 4 thay vì cuộc họp tháng 3, giúp ngân hàng trung ương có thêm thời gian để nhận định về tình hình sức khỏe của nền kinh tế.
Một nguồn tin của Reuters cho biết: “Đúng là nhu cầu trong nước thiếu động lực. Nhưng GDP chỉ là một trong nhiều điểm dữ liệu mà BOJ xem xét… Điều quan trọng là xu hướng và triển vọng rộng lớn hơn của nền kinh tế”.
Thống đốc BOJ Kazuo Ueda đã đặt nền móng để loại bỏ các biện pháp kích thích tiền tệ triệt để do cựu Thống đốc Haruhiko Kuroda đưa ra, vốn được cho là nguyên nhân gây ra những biến dạng nghiêm trọng trên thị trường tài chính.
Tình trạng thiếu lao động ngày càng trầm trọng đã thúc đẩy nhiều công ty phát tín hiệu tăng lương đáng kể, làm tăng hy vọng về mức tăng lương trên diện rộng sẽ mang lại cho các hộ gia đình sức mua để vượt qua mức tăng giá ổn định.
BOJ đang kỳ vọng mức lương cao hơn và áp lực chi phí đẩy suy yếu sẽ góp phần củng cố tiêu dùng và nền kinh tế rộng lớn hơn, từ đó giữ lạm phát bền vững quanh mục tiêu 2% và cho phép bình thường hóa chính sách tiền tệ.
Tuần trước, Phó Thống đốc BOJ Shinichi Uchida đã giải thích chi tiết về kế hoạch của BOJ nhằm dỡ bỏ các chính sách phức tạp, trong đó bao gồm cam kết tránh tăng lãi suất nhanh chóng khi lãi suất âm chấm dứt.
Các thông điệp được các nhà hoạch định chính sách cẩn thận truyền tải đã khiến hầu hết các nhà đầu tư trên thị trường dự đoán lãi suất âm sẽ chấm dứt tại cuộc họp chính sách của BOJ vào ngày 18/3 và 19/3 hoặc 25/4 và 26/4. Một cuộc thăm dò của Reuters được thực hiện sau khi công bố dữ liệu GDP cho thấy tất cả 10 nhà kinh tế đều dự đoán lãi suất âm sẽ chấm dứt vào tháng 4.
Việc trì hoãn việc thoát khỏi lãi suất âm có thể đẩy nhanh sự sụt giảm gần đây của đồng yên, làm tổn hại đến mức tiêu dùng vốn đã yếu bằng cách đẩy chi phí nhập khẩu lên cao.
Một nguồn tin khác của Reuters cho biết: Các thị trường đã định giá đầy đủ khả năng hành động vào tháng 3 hoặc tháng 4… Nếu BOJ từ bỏ hành động, đó có thể là một cú sốc lớn đối với thị trường”.
Mặt khác, một số nhà phân tích dự đoán nền kinh tế Nhật Bản sẽ lại tăng trưởng âm trong quý hiện tại do tiêu dùng chậm chạp và sự chậm trễ trong chi tiêu vốn do thiếu lao động.
Các điểm dữ liệu chính mà các nhà hoạch định chính sách của BOJ có thể sẽ xem xét trước cuộc họp tháng 3 bao gồm việc kết thúc cuộc đàm phán tiền lương của các công ty lớn với các công đoàn vào ngày 15/3.
Ngoài ra, dữ liệu GDP quý IV/2023 sửa đổi dự kiến công bố vào ngày 11/3 cũng có thể quan trọng do có những sửa đổi lớn trong các bản phát hành trước đây, đặc biệt là về chi tiêu vốn, có thể ảnh hưởng đến quan điểm về nền kinh tế.
Việc đợi đến cuộc họp tháng 4 sẽ cho phép các nhà hoạch định chính sách có thêm thời gian xem xét kỹ lưỡng cuộc khảo sát hàng quý của BOJ để tìm manh mối về việc liệu các công ty có duy trì kế hoạch chi tiêu vốn lạc quan hay không.
Naomi Muguruma, chiến lược gia trái phiếu chính tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities cho biết: “Nếu các cuộc khảo sát nhấn mạnh khả năng phục hồi của chi tiêu vốn, điều đó có thể bù đắp cho kết quả GDP yếu kém”.
Các nhà phân tích cho biết, lưu ý đến sự cần thiết phải xoa dịu các chính trị gia đang lo lắng về nguy cơ suy thoái kinh tế sâu hơn, BOJ có thể sẽ tiếp tục phát tín hiệu về việc chấm dứt lãi suất âm sẽ không kéo theo kiểu tăng lãi suất mạnh mẽ như ở Mỹ.
Koichi Fujishiro, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life cho biết: “BOJ có thể sẽ tiếp tục giải thích rằng việc chấm dứt lãi suất âm không đồng nghĩa với việc thắt chặt tiền tệ”.