Ngày mùng 10 tháng Giêng là vía Thần Tài nên các mặt hàng như cá lóc, tôm càng, heo quay, cua, mía hay các mâm cỗ cúng Thần Tài đắt khách. Năm nay xu hướng thắt chặt chi tiêu nên người tiêu dùng chọn những mâm cúng tam sên giá rẻ chỉ 100.000-300.000 đồng, mức này giảm 10-30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chốt 200 đơn hàng cho bộ tam sên giá 100.000 đồng, chị Hạnh ở quận Tân Bình (TP HCM) cho biết, năm nay giá tôm càng xanh rẻ hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, giá heo quay, cá lóc cũng không biến động nhiều nên giá mâm tam sên trở nên bình dân và giảm 30%.
"Mâm tam sên năm nay gồm 3 con tôm càng, một miếng thịt heo và 3 trái trứng luộc - ba món chính không thể thiếu trong bộ tam sên. Năm ngoái, bộ này có giá 150.000 đồng", chị Hạnh nói.
Trình bày bắt mắt hơn với mâm cúng gồm 6 món, chị Lan Anh ở Hà Nội cho biết năm nay mâm tam sên chị bán 300.000 đồng, trong khi năm ngoái lên tới 400.000 đồng.
"Nhờ nguyên liệu rẻ hơn mọi năm nên giá mâm cúng vía Thần Tài tốt hơn so với mọi năm. Lượng đơn đặt hàng sớm tăng vọt", chị kể.
Combo mâm cúng tam sên gồm thịt lợn quay, tôm, cua, thịt luộc, trứng... được rao trong các nhóm bán hàng trên Facebook cũng khá nhộn nhịp.
Facebook của một chuỗi nhà hàng tại Đống Đa (Hà Nội) đăng bán mâm cỗ cúng Thần Tài (bốn món) với giá 495.00 đồng gồm ba com tôm càng sú loại to hấp, 300-350 gram thịt quay giòn bì, một set 5 chiếc bánh bao hình túi vàng và một đĩa xôi gấc in chữ tài lộc. Combo ba món không có tôm được bán với mức giá 390.000 đồng một mâm.
"Năm nay chúng tôi chạy các set mới, bán theo combo giá vừa phải nên cũng được khách hàng quan tâm nhiều", chủ nhà hàng chia sẻ. Dịp này, nhà hàng đã nhận được gần 600 đơn hàng, tăng nhẹ so với năm ngoái.
Theo các cơ sở bán mâm cúng tam sên, ngoài việc giá nguyên liệu năm nay ổn định, thậm chí giảm, nhiều cơ sở cũng giảm các chi phí phát sinh để có mức giá cạnh tranh, kéo khách.
"Thay vì tuyển thêm nhân viên, gia đình tôi cùng làm và giao tận nơi cho khách", chị Hạnh giải thích vì sao mâm cúng rẻ hơn mọi năm.
Bên cạnh mâm cúng rẻ, khảo sát tại các chợ truyền thống ở TP HCM và Hà Nội giá hàng hóa không có nhiều biến động. Chỉ một vài sản phẩm tăng giá 5-15% như hoa đồng tiền, hạt sen, tôm càng xanh.
Ngược lại, các mặt hàng như heo quay, cá lóc, cua tương đối ổn định, tương đương năm ngoái do nguồn cung dồi dào.
Giá thịt lợn dao động 100.000-140.000 đồng một kg, tôm sú loại to khoảng 280.000-400.000 đồng một kg, tôm sú đá loại 23-25 con một kg có giá 170.000-300.000 đồng, cua thịt Cà Mau loại 4 con một kg giá khoảng 400.000-450.000 đồng.
Giá bán các mặt hàng hoa quả, trái cây hầu hết ổn định so với cận và sau Tết Nguyên đán. Nếu so với ngày thường, giá các loại hoa quả chỉ tăng nhẹ khoảng 5%.
Ngoài ra, nhiều sản phẩm "ăn theo" ngày Thần Tài cũng rẻ hơn mọi năm và hút khách. Một số loại bánh hình thỏi vàng được làm bằng bánh nướng nhân dứa, đậu xanh, sữa dừa, thạch rau câu... có mức giá dao động từ 10.000-30.000 đồng một chiếc tùy nguyên liệu, kích cỡ. Bánh bao hình hũ vàng, thỏi vàng cũng được nhiều người lựa chọn với mức giá 60.000-120.000 cho một khay 5 chiếc.
Chợ đầu mối Hóc Môn cũng cho biết lượng hàng về chợ năm nay khá dồi dào. Heo về chợ mỗi đêm là 6.000 con, còn rau củ quả khoảng 1.000 tấn.
Lượng hàng dồi dào nhưng các tiểu thương cho rằng sức mua vẫn yếu hơn so với mọi năm. Người dân thắt chặt chi tiêu nên giảm giá trị đơn hàng. Nếu các năm trước, họ dành vài triệu đồng để sắm mâm cúng ngày vía Thần Tài, nay giá trị các đơn hàng đa phần còn 200.000-300.000 đồng. Ngoài ra, năm nay, người lao động vào TP HCM làm việc trễ hơn nên sức mua còn ì ạch. Do đó, tại các chợ truyền thống nhiều tiểu thương vẫn đóng sạp và chờ sau ngày 10 mới kinh doanh trở lại.
Hồng Châu - Phương Dung