Án Nước ngoài:
Hành vi đáng ngờ của 2 “phú bà”
Nhờ phát hiện ra hành vi đáng ngờ của 2 khách hàng, chủ một cửa hàng ở Tứ Xuyên, Trung Quốc đã tránh được một lừa đảo siêu tinh vi.
Vào chiều ngày 21/9/2020, 2 người phụ nữ họ Diệp và họ Lý ở Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc đến một khu phố sầm uất ở Ba Trung (thuộc Tứ Xuyên) để mua sắm. Tại đây, cả hai lần lượt ghé vào nhiều cửa hàng, dùng số tiền mặt có mệnh giá lớn để mua rất nhiều món đồ.
Đến ngày 24/9, khi đang mua sắm tại một cửa hàng nhỏ trong khu phố này, hành vi này của cả hai đã bị chủ cửa hàng để ý. Sau khi nhận lấy tiền lẻ thối lại từ chủ cửa hàng, 2 người phụ nữ này lập tức rời đi với bộ dạng rất khả nghi. Thấy vậy, chủ cửa hàng lập tức nghi ngờ và xem lại tờ tiền mà họ trả thì phát hiện chúng có dấu hiệu là tiền giả. Chủ cửa hàng này lập tức gọi điện báo cảnh sát, đồng thời hô hoán mọi người giữ 2 nữ khách hàng lại.
Nhận được tin báo, cảnh sát địa phương ập đến hiện trường thì nhìn thấy 1 người phụ nữ mặc áo phông trắng bị hàng chục người vây quanh. Không những thế, miệng người phụ nữ này còn ngậm đầy những tờ tiền mệnh giá 20 NDT. Thấy thế, cảnh sát liền đưa người phụ nữ này về đồn để lấy lời khai và điều tra sự việc.
Tại đồn cảnh sát, người phụ nữ họ Lý thừa nhận cô cùng người bạn của mình là cô Diệp đã mang tổng cộng 30.000 NDT (gần 103 triệu đồng) tiền giả gồm các tờ tiền miệng giá 20 NDT (khoảng 69.000 đồng) để đi mua sắm. Họ lần lượt ghé vào nhiều cửa hàng, dùng những tờ tiền giả này mua những món đồ rẻ tiền để được trả lại những tờ tiền thật.
Theo thống kê sơ bộ, từ ngày 23 đến ngày 24/9, cả hai đã kiếm được hơn 5.800 NDT (gần 20 triệu đồng) tiền thật thông qua phương thức lừa đảo này. Khi bị phát hiện, cô Lý đã bị người dân trong khu phố tóm gọn trong khi cô Diệp may mắn chạy thoát. Để tiêu hủy bằng chứng, người phụ nữ này đã định nuốt số tiền giả mang theo nhưng cuối cùng đã bị cảnh sát bắt giữ. Cảnh sát đã thu giữ toàn bộ số tiền giả mà đối tượng này mang theo bên mình, đồng thời phát lệnh truy tìm Diệp về quy án.
Sau đó không lâu, người phụ nữ họ Diệp cũng bị cảnh sát tóm gọn. Cả hai bị tạm giam hình sự và xử phạt theo đúng quy định của pháp luật.
Luật Việt Nam:
In ấn, tàng trữ, vận chuyển hay lưu hành tiền giả đều bị xử lý
Hiện nay, nạn tiền giả đang diễn biến ngày càng phức tạp và là một thách thức lớn đối với nhiều quốc gia. Khi công nghệ in ấn ngày càng phát triển, tiền giả được làm ra bằng kỹ xảo tinh vi, có đặc điểm giống hệt tiền thật khiến chúng ta khó có thể phát hiện ra chúng.
Không những thế, những kẻ lừa đảo cũng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để có thể tiêu thụ và lưu hành loại tiền này trên thị trường.
Việc tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả sẽ gây ra những hệ lụy tiêu cực đến sự phát triển của đất nước, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại địa bàn. Do đó, việc nhận diện và đề ra giải pháp đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm nguy hiểm này đang được đặt ra một cách cấp bách.
Để xử lý hành vi của 2 người phụ nữ trong vụ việc trên, trước hết chúng ta phải hiểu như thế nào là tiền giả. Theo quy định của pháp luật, tiền giả là tiền giống với tiền của nước CHXHCN Việt Nam nhưng không phải Ngân hàng Nhà nưốc tổ chức in, đúc, phát hành. Hành vi tiêu thụ tiền giả là hành vi vi phạm pháp luật.
Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 cũng nghiêm cấm các hành vi như làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả; Huỷ hoại đồng tiền trái pháp luật; Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông do Ngân hàng Nhà nước phát hành; Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật.
Trong vụ việc trên, hành vi tiêu thụ tiền giả của 2 người phụ nữ trên có dấu hiệu của tội Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, quy định tại Điều 207 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó, người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm;
Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm;
Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân;
Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm; Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy, người có hành vi tiêu thụ tiền giả tuỳ vào tính chất và mức độ sẽ bị phạt tù từ 03 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Nếu 2 người phụ nữ trên có hành vi in ấn sử dụng toàn bộ hình ảnh, chi tiết, hoa văn của tiền Việt Nam thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 88/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 20 Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP) xử lý vi phạm quy định về bảo vệ tiền Việt Nam.
Điều 31 Nghị định 88 ghi rõ: Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Không thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện tiền giả loại mới; b) Không thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện có dấu hiệu tàng trữ, lưu hành, vận chuyển tiền giả; c) Bố trí người làm công tác thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả chưa qua tập huấn về kỹ năng nhận biết tiền thật, tiền giả hoặc chưa qua bồi dưỡng nghiệp vụ giám định tiền; d) Không giao nộp tiền giả theo quy định của pháp luật.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Phát hiện tiền giả nhưng không thu giữ; b) Phát hiện tiền nghi giả nhưng không tạm giữ; c) Không lập biên bản hoặc thu giữ tiền giả, không đóng dấu, bấm lỗ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về xử lý tiền giả, tiền nghi giả khi thu giữ tiền giả hoặc tạm giữ tiền nghi giả.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật.
Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sao chụp, in ấn, sử dụng bố cục, một phần hoặc toàn bộ hình ảnh, chi tiết, hoa văn của tiền Việt Nam không đúng quy định của pháp luật
Theo quy định trên, người in ấn sử dụng toàn bộ hình ảnh, chi tiết, hoa văn của tiền Việt Nam bị từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, đồng thời tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm, buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm, buộc nộp vào Ngân sách Nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Ánh Dương (Thực hiện)