Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ lấy ý kiến tham vấn cộng đồng về báo cáo ĐTM "dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên kết nối thị xã Sa Pa, Lào Cai với huyện Tam Đường, Lai Châu" trong 15 ngày (kể từ ngày 16-1).
Ảnh hưởng vĩnh viễn đến Vườn quốc gia Hoàng Liên
Chủ dự án là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Lai Châu.
Đây là dự án được đầu tư theo hình thức đầu tư công đã được HĐND tỉnh Lai Châu phê duyệt chủ trương đầu tư tại nghị quyết số 07 ngày 9-3-2023. Dự án thuộc nhóm I theo phân loại của Luật Bảo vệ môi trường, có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao.
Theo báo cáo ĐTM, dự án sẽ chiếm dụng đất, đặc biệt là chiếm dụng vĩnh viễn đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng của Vườn quốc gia Hoàng Liên. Theo đó sẽ tác động mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến đa dạng sinh học và gây chia cắt sinh cảnh...
Dự án chiếm dụng diện tích đất khoảng 71,97ha, trong đó có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng tự nhiên khoảng 5,07ha, đất rừng đặc dụng khoảng 8,75ha (là diện tích đất thuộc Vườn quốc gia Hoàng Liên) và thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của Thủ tướng Chính phủ.
Hoạt động dọn dẹp mặt bằng thi công dự án, đào đắp nền đường, thi công các hạng mục công trình và hoạt động vận chuyển nguyên vật liệu, đất, đá, chấn động do nổ mìn, cháy rừng… sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái, đa dạng sinh học của Vườn quốc gia Hoàng Liên.
Sẽ tạo đột phá về hạ tầng giao thông?
Công trình hầm đường bộ đèo Hoàng Liên gồm 2 ống hầm cách nhau dự kiến 30m, chiều dài mỗi ống hầm 2,5km, thiết kế theo tiêu chuẩn hầm xuyên núi của Nhật Bản, có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 8,8km.
Khi công trình hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác sẽ tạo đột phá về hạ tầng giao thông huyết mạch kết nối tỉnh Lai Châu với các hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội và tam giác tăng trưởng Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Tạo điều kiện thuận lợi để giao thương, phát triển dịch vụ logistics, kinh tế biên mậu, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thông qua cặp cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng (Việt Nam) - Kim Thủy Hà (Trung Quốc).
Là động lực để thúc đẩy, thu hút đầu tư, khách du lịch để phát triển tiềm năng du lịch của tỉnh Lai Châu (nằm giữa tuyến kết nối các khu, điểm du lịch nổi tiếng của thị xã Sa Pa (Lào Cai), Điện Biên).
Tuyến đường sau khi hoàn thành sẽ nâng cao lưu lượng khách du lịch từ Sơn La, Điện Biên sang Lào Cai, góp phần đẩy mạnh thông thương hàng hóa từ Lào Cai đi các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La…
Chủ dự án cam kết gì?
Theo cam kết tại báo cáo ĐTM, chủ dự án sẽ phối hợp thực hiện quản lý, kiểm tra, giám sát cùng chung tay bảo vệ tài nguyên rừng, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái rừng.
Bên cạnh công tác thi công, công tác giám sát đi kèm với quy định chặt chẽ, cụ thể các hình thức kỷ luật đối với lực lượng công nhân thi công có hành vi vi phạm đến rừng, chặt hạ cây cối... tại rừng phòng hộ và rừng đặc dụng.
Đồng thời nghiêm cấm mọi hành động phá rừng, săn bắt động vật hoang dã dọc tuyến thi công.
Ngoài ra sẽ trồng rừng thay thế...
Nhiều chuyên gia cho rằng những công trình du lịch nghỉ dưỡng, xây dựng khách sạn quy mô lớn trong rừng Vườn quốc gia Tam Đảo cần phải xem xét thận trọng trong quá trình tham vấn ý kiến cộng đồng để đánh giá ĐTM.