Ngày 26-7, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai chủ trì hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện các quy định mới ban hành của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác tổ chức xây dựng Đảng.
Cấm người nhà làm lãnh đạo trong 13 ngành
Cụ thể là quy định 114 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
Quy định 113 của Ban Bí thư về thí điểm giao quyền cấp trên cơ sở cho đảng ủy cơ sở mà cấp trên trực tiếp không phải là tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trung ương.
Theo Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính, quy định 114 cơ bản kế thừa một số nội dung của quy định 205 năm 2019. Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh trong quy định 114 mở rộng hơn so với quy định 205 trước đây.
Cụ thể quy định về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ và xử lý vi phạm.
Đối tượng áp dụng được bổ sung là tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm và có liên quan trong công tác cán bộ.
Về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, quy định tách riêng một chương gồm ba điều để giải thích, làm rõ các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
Trong đó, tám hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được nêu cơ bản kế thừa một số hành vi bao che, tiếp tay chạy chức, chạy quyền tại quy định 205; đồng thời quy định 114 bổ sung một số hành vi mới. Quy định cũng bổ sung thêm các hành vi chạy chức chạy quyền...
Đặc biệt, quy định 114 nêu rõ không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan.
Cụ thể, không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời là thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự Đảng, đảng đoàn; tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị.
Không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời là người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Quy định yêu cầu không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời là người đứng đầu cấp ủy Đảng hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính và người đứng đầu 13 ngành như nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương...
Người đứng đầu phải gương mẫu, công tâm
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, bà Trương Thị Mai cho hay từ năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành quy định 205 về kiểm soát quyền lực, chống chạy chức chạy quyền.
Quá trình thực hiện quy định 205, Đảng ban hành nhiều văn bản để cùng thực hiện. Qua đó đã đạt được kết quả ban đầu rất đáng ghi nhận; khắc phục từng bước tình trạng lạm quyền, lợi dụng quyền lực, thao túng trong công tác cán bộ...
Về quy định 114 mới ban hành, bà Mai đặc biệt lưu ý các ngành, địa phương, tổ chức Đảng thực hiện nghiêm theo quy định là không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan, đặc biệt là 13 ngành đã nêu cụ thể.
Thường trực Ban Bí thư chỉ rõ đây là quy định khó, vì đụng chạm đến con người, tâm tư, tình cảm, mong muốn. Theo bà, ai cũng muốn con em, người trong gia đình mình trưởng thành, phát triển. Mong muốn đó hoàn toàn chính đáng.
Chỉ có điều nếu mình là người đứng đầu, người cán bộ lãnh đạo quản lý phải cân nhắc đầy đủ, gương mẫu. Quy định cấm không được làm, yêu cầu gương mẫu phải cân nhắc tính toán kỹ lưỡng.
Ngoài 13 vị trí và các vị trí không được bố trí, người có quan hệ gia đình ở các vị trí khác cũng cần nêu cao sự gương mẫu, cá nhân phải tự giác, cân nhắc kỹ lưỡng để bố trí cán bộ, đảm bảo khi làm xong dư luận đồng tình ủng hộ và đảm bảo quy tắc, quy định.
Bà đề nghị các địa phương, tổ chức đảng sau hội nghị chủ động rà soát lại trong phạm vi quyền hạn để thực hiện nghiêm túc quy định 114.
Trong đó, vai trò của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo quản lý phải cân nhắc đầy đủ và gương mẫu, công tâm, khách quan, tính toán sao cho quyết định trong công tác cán bộ khi đưa ra đạt được "tâm phục, khẩu phục".
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã thay mặt Bộ Chính trị ký quy định 114 về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.