So với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, hay các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia…, Brunei chưa được nhắc nhiều trên bản đồ du lịch. Song, không phải vì thế mà vương quốc này không phải là lựa chọn cho điểm đến lý tưởng, khi xứ này còn ẩn chứa nhiều điều thú vị chờ được khám phá.
Bên cạnh sự ưu đãi của thiên nhiên, của rừng cây xanh mướt và một hệ sinh thái được Chính phủ cùng người dân bảo tồn cẩn trọng.
Nổi tiếng với các Thánh đường Hồi giáo nguy nga, lộng lẫy luôn được bảo vệ và kiểm soát nghiêm ngặt bởi các tín đồ Hồi giáo. Brunei có hơn 70% dân số theo đạo Hồi và Hồi giáo được xem là Quốc giáo. Tuy mở cửa, thân thiện với du khách nước ngoài, song cũng có những luật lệ của đạo Hồi được tuân thủ nghiêm ngặt; đồng thời, kiên quyết từ chối những du khách không tuân thủ luật định của từng điểm đến.
Du khách Việt cần chuẩn bị gì khi đến thăm Brunei?
Đầu tiên là hộ chiếu phải còn hạn tối thiểu 6 tháng. Nếu chỉ ghé thăm trong một khoảng thời gian ngắn, du khách Việt không cần visa, vì quốc gia này miễn thị thực cho công dân Việt với thời hạn lưu trú 14 ngày.
Theo anh Sugumaran Nair, quản lý kinh doanh của Hãng lữ hành Freme, Brunei có khí hậu nóng ẩm và nhiều nắng. Do vậy, du khách Việt nên lựa chọn trang phục có chất liệu từ các loại vải nhẹ nhàng để thuận tiện trong việc di chuyển.
"Không được phép hút thuốc và uống rượu, bia nơi công cộng. Tuy nhiên, du khách không theo đạo Hồi được phép mang theo hai chai rượu và 12 lon bia khi nhập cảnh. Lưu ý là chỉ được tiêu thụ ở nơi riêng tư, ví dụ như là phòng nghỉ của khách sạn", anh Sugumaran nhấn mạnh.
Du khách nên chọn thời điểm du lịch từ tháng 1 đến tháng 8 để có chuyến đi lý tưởng, có thể tránh nắng gắt và những trận mưa giông lớn. "Nhiệt độ trung bình khoảng 28 đến 35 độ C, trời nắng nóng, đôi khi có mưa, nhiệt độ thay đổi, du khách nên mang theo ô, áo khoác và kem chống nắng", anh Sugumaran nói thêm.
Ngoài ra, vương quốc của hàng loạt lễ hội Hồi giáo còn có 2 sự kiện lớn là lễ hội ăn chay Ramadan (từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 6) và lễ Hari RayaAidilfitri (giữa tháng 9).
"Du khách nên tránh đi vào dịp diễn ra lễ Ramadan vì lúc này, khi ăn uống bạn cần phải thật tế nhị, khéo léo, không được ăn trước mặt người dân. Ngược lại, lễ Hari Raya Aidilfitri là sự kiện hoàng gia mở cửa để người dân diện kiến, cầu may nên du lịch vào thời điểm này là lý tưởng", anh Sugumaran phân tích.
Tiếng Anh là ngôn ngữ hoàn toàn có thể giao tiếp được ở Brunei, bên cạnh hơn 11 ngôn ngữ, bao gồm cả phương ngữ, thổ ngữ, được sử dụng trong cộng đồng, trong đó, tiếng Malay được xem là ngôn ngữ chính.
Về tiền tệ, Brunei thanh toán bằng đô la Singapore với mệnh giá tương đương đô la nội địa. Đơn vị tiền tệ của Brunei là BND. 1BND tương đương 18.400 đồng. Du khách có thể đổi tiền tại sân bay, ngân hàng. Thẻ tín dụng và Debit được chấp nhận rộng rãi. Hệ thống ATM có mặt khắp nơi trong thành phố sẽ giúp du khách rút tiền từ thẻ Visa hay Master dễ dàng và nhanh chóng.
Đến Brunei bằng cách nào?
Trước đây, khi chưa có chuyến bay thẳng từ Việt Nam - Brunei và ngược lại, du khách Việt thường quá cảnh tại Singapore hoặc bay tới Kuala Lumpur (KL). Sau khi kết hợp tham qua các điểm đến nổi tiếng tại Malaysia như tháp đôi Patronas, làng văn hoá Mari Mari, đảo Sapi…, du khách sẽ bay tiếp từ KL - Brunei bằng hãng hàng không Malaysia hoặc Royal Brunei Airlines.
Nếu thích ngắm cảnh, du khách Việt có thể chọn đường bộ. Cụ thể, du khách sẽ đi taxi từ Kuala Lumpur đến bến xe Miri Long Distance để tới Brunei, với giá 26 ringit (khoảng 190.000 đồng/chuyến); hay mua vé của PHL Express để tới Brunei, với giá 25 ringit (khoảng 180.000 đồng/chuyến). Mỗi ngày có hai chuyến xuất bến vào lúc 7h00 và 15h45 hàng ngày.
Từ Bruinei về Malaysia chỉ có duy nhất hãng PHLS Express bán vé tại bến xe Bandar - Brunei, có giá khoảng 18 đôla Brunei/ Singapore.
Tuy nhiên, theo ông Trần Giang San, tổng giám đốc hãng hàng không Royal Brunei tại Việt Nam, những năm gần đây, hãng đã vận hành sôi động tại thị trường Việt. Thời gian đầu, hãng thực hiện 5 chuyến bay/tuần cho hành trình Việt Nam - Brunei và ngược lại. Song, do ảnh hưởng của COVID-19, thời gian qua, tần suất bay giảm còn 3 chuyến một tuần.
"Trong tương lai, chúng tôi sẽ tăng chuyến trở lại để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của hành khách. Dịp tết và giai đoạn đầu năm, chúng tôi cũng có chính sách ưu đãi cho các đơn vị lữ hành tại TP.HCM cũng như đơn vị khách lẻ, nếu bay những nhóm khách lẻ từ TP.HCM đến Brunei và nối chuyến đi tiếp", ông San cho hay.
Về di chuyển nội địa, du khách Việt cân nhắc thuê xe từ ban đầu. Taxi hay Grab, xe buýt không quá thông dụng tại Brunei. Ngoài ra, đất nước này còn có phương tiện vận chuyển là tàu thuyền và taxi nước để du khách có thêm trải nghiệm.
"Từ sân bay vào trung tâm thành phố hết khoảng 20 phút, với giá tầm 30 đô la Brunei. Lưu ý là xe buýt ở đây không có trạm chờ nên du khách có thể đón xe bất cứ nơi nào trên đường, với khoảng 1 đô la Brunei, nhưng chỉ có thể đi vòng quanh trong thủ đô", anh Sugumaran bổ sung.
Thời gian Brunei đi trước Việt Nam là 1 giờ. "Khi tới tại Brunei, theo quy định mới, nghiêm cấm nhập cảnh thuốc lá/ xì gà, dù chỉ 1 điếu. Nên mang vừa đủ trang phục cho quá trình để tránh phải giặt ủi ở khách sạn vì giá sẽ đắt", ông San tư vấn thêm.
Tới Brunei, lưu trú tại đâu?
Nếu thích trải nghiệm đời sống bản địa, du khách Việt có thể chọn homestay. Thông qua trang mạng xã hội dành cho dân đi phượt Couchsurfing, du khách Việt đăng ký xin ở nhà dân để có thể được lưu trú và được đưa đi tham qua miễn phí khi người bản địa có thời gian rỗi.
Trường hợp muốn riêng tư mà tiết kiệm chi phí, du khách Việt có thể thuê nhà nghỉ khoảng 10 đô la Brunei.
Muốn tiện nghi, du khách có thể chọn khách sạn. Theo ông Kamil, tổng giám đốc khách sạn WAFA, giá khách sạn 3 sao trung bình khoảng 1,4 - 1,5triệu đồng/đêm/phòng.
Điện sử dụng ở Brunei thường là 220v, ổ cắm được sử dụng 3 chấu. Vì vậy, du khách Việt nên đem theo ổ cắm trung gian đa năng.
"Ở một số khách sạn, nếu du khách muốn gọi điện thoại từ phòng của mình thì phải liên hệ trước với tiếp tân và phải ký quỹ một khoản tiền thì họ mới mở line điện thoại. Điện thoại trong khách sạn rất đắt. Du khách nên mua card điện thoại rồi gọi tại các cabin điện thoại công cộng, hoặc đăng ký mở roaming tại Việt Nam và sử dụng điện thoại của mình tại nước ngoài", ông Kamil tư vấn thêm.
Trường hợp gặp trục trặc với người địa phương, anh Kamil tư vấn du khách Việt không nên tự giải quyết, mà nên liên lạc khách sạn mình ở để được hỗ trợ.
Nếu dư dả và muốn trải nghiệm cảm giác qua đêm tại các khu nghỉ dưỡng sang trọng hay khách sạn dát vàng 6 sao bên bờ biển vang danh, du khách Việt sẽ được các dịch vụ sang chảnh chào đón chu đáo. Tuy nhiên, giá cả sẽ nóng bỏng tay!
Đặc sản Brunei có gì?
Đất nước của các thánh đường Hồi giáo không quá nổi bật về shopping nhưng cũng có nhiều đặc sản làm xao xuyến trái tim du khách.
Anh Sugumaran lưu ý, tín đồ Hồi giáo không ăn thịt heo. "Khi dùng hay mang theo những thứ này, du khách không nên để người dân thấy, để tránh bị cho là có ý chế giễu đạo Hồi. Du khách cũng có thể đem thêm thức ăn riêng như đồ khô, mì gói, chà bông… phòng khi không hợp khẩu vị. Nhưng cũng không nên mang theo thức ăn có mùi gây khó chịu", anh Sugumaran dặn dò.
Là người thường xuyên đến Brunei, ông San lưu ý du khách Việt không nên ăn uống bằng tay trái, vì quan niệm tại đây cho rằng tay trái là không sạch. "Đặc biệt là không hỏi về thịt heo, vì cấm kị", ông San tiết lộ.
Một trong những đặc sản ở Brunei là sầu riêng, loại trái chỉ dành cho bậc hoàng thân trong vương triều Brunei thời xưa. Sầu riêng Brunei có 3 vị: sầu riêng, mít, xoài.
Món đặc sản Ambuyat được chế biến khá kỳ công từ cây cọ Sago. Ambuyat sẽ giúp thực khách ngon miệng hơn khi ăn nóng và dùng kèm kem bơ với đậu phộng. Thú vị hơn là một số người bản địa đã dùng món này để giảm cân.
Về món chính, cừu là đặc sản và được chế biến thành nhiều món ăn phổ biến, như: cừu nướng, cừu sootsvang, cừu hầm rau củ quả… ăn kèm cơm hay bún. Mì xào thịt cừu cũng được một số du khách đánh giá cao. Đây là món ăn ngon bổ dưỡng nổi tiếng thường được dùng trong bữa chính của người bản xứ. Ngoài ra, thịt cừu được tẩm ướp xào chung với các loại rau củ quả, sền sệt óng ả.
Các món ăn được bày bán ngoài chợ ở Brunei
Bên cạnh đó, món truyền thống thơm ngon lạ miệng cá nướng hương vị Brunei được tẩm ướp theo bí quyết riêng dùng kèm nước chấm đặc trưng. Để chinh phục được những thực khách khó tính, các đầu bếp thường chọn những loại cá to, thịt nhiều và dày, được làm sạch ruột và bùn đất trước khi nướng. Hấp dẫn hơn, một số đầu bếp còn nhồi thêm nhiều loại nhân vào bụng cá để tạo thêm sự yêu thích cho du khách.
Khi đến các nơi trang nghiêm như nhà thờ, nữ giới được yêu cầu mặc trang phục truyền thống bên ngoài (áo choàng dài từ vai đến chân). Vì vậy, du khách nên mặc quần dài/ váy dài đến mắt cá chân. Khi tham quan các nhà thờ Hồi giáo, cần bỏ giày dép bên ngoài, phụ nữ nên có khăn che đầu và tránh mặc hở đầu gối, cánh tay.
Nơi công cộng, nơi mua sắm, ăn uống, nhà hàng..., du khách không được phép mặc quần áo ngắn. Cụ thể, nam giới phải mặc quần dài và nữ giới không nên mặc quần đùi, áo hở vai...
Nếu muốn chụp ảnh nơi công cộng, nên xin phép trước; đồng thời, tránh chụp ảnh hay bắt tay phụ nữ Hồi Giáo để không vướng rắc rối với chính quyền địa phương. Khi cần chào hỏi, du khách Việt có thể đặt một tay lên trái tim và hơi cúi người.
Theo các chuyên gia, người Brunei thường dùng chức danh trong giao tiếp hàng ngày thay thế cho tên gọi. Nam giới được gọi là Awang và nữ giới là Dayang. Ngoài ra, cũng có nhiều danh xưng thể hiện địa vị xã hội như: Pengiran là người thuộc dòng dõi hoàng tộc, Pehin và Dato là những người công lớn đóng góp cho đất nước. Du khách Việt nếu muốn giao tiếp với người bản địa, có thể cân nhắc cách xưng hô.
Những điểm đến không nên bỏ lỡ khi tới Brunei
Du khách không nên bỏ qua Cung điện Hoàng gia Brunei khi đến quốc gi này. Tọa lạc trên một ngọn đồi được phủ đầy bóng cây xanh ở hạ lưu sông Brunei, cung điện có mặt tiền hướng về phía nam thủ đô Bandar Seri Begawan. Hoàng cung Istana Nurul Iman là nơi ở của quốc vương và hoàng tộc, cũng là nơi sống và làm việc của Chính phủ cùng Văn phòng Thủ tướng.
Bảo tàng Hoàng gia Regalia là nơi lưu giữ những chứng tích minh chứng cho cuộc sống của hoàng gia qua nhiều thời kỳ. Đây cũng là nơi trưng bày nhiều hiện vật liên quan đến các vị vua đã từng trị vì.
Khu làng nổi hơn 600 năm tuổi Kampong Ayer với nhà cửa đơn sơ trên sông, đầy đủ trường học, nhà thờ Hồi giáo, cơ quan hành chính, cây xăng, chợ...
Công viên quốc gia Ulu Temburong rộng đến 550km2 với các trò chơi mạo hiểm và các hoạt động thể thao thú vị…
Quần thể The Empire Hotel & Country Club cũng là điểm check-in thường xuyên của du khách. Đây vừa điểm thu hút du khách đến tham quan, vừa là khách sạn nổi tiếng của Brunei. Khách sạn rộng 180ha với 443 căn phòng lộng lẫy. Đây cũng là một trong những khách sạn cao cấp nhất châu Á, thuộc top mười khách sạn đẹp nhất thế giới.
Cây cầu nối biển dài nhất Đông Nam Á Sultan Haji Omar Ali Saifuddien xuyên qua vịnh Brunei dài 26,3km.
Nếu yêu thích các hoạt động dã ngoại, giải trí thì công viên Jerudong là điểm đến không thể bỏ qua của du khách Việt. Đây là công viên vui chơi hàng đầu Đông Nam Á, được quốc vương Brunei xây dựng vào năm 1994 để dành tặng người dân. Công viên có diện tích 104 ha, với nhiều trò chơi thú vị, trong đó, nổi bật là nhạc nước (Musical Fountain) sôi động diễn ra lúc 22h.
Ngoài ra, nơi đây còn có những điểm đến hấp dẫn khó cưỡng như đảo nhỏ nhân tạo, DinoPark, sân chơi, rạp chiếu phim… đầy sắc màu, là thiên đường náo nhiệt và rực rỡ mà du khách Việt rất nên đến một lần.
Đám cưới thu hút truyền thông của hoàng tử Brunei Abdul Mateen hồi giữa tháng 1 đã khơi gợi sự tò mò của nhiều du khách trẻ Việt Nam về vương quốc nhỏ giàu có trên đảo Borneo.