Tại sao cần chăm sóc sức khỏe bản thân, đừng trì hoãn?
Bỏ thói quen xấu, đừng để "ngày mai"
Vừa kết thúc liệu trình điều trị ung thư vòm họng, ông Nguyễn Văn Hòa (60 tuổi, Hà Nội) kịp về sum vầy bên gia đình trong dịp Tết Nguyên đán. Nếu trước kia mỗi ngày ông Hòa hút hết một bao thuốc lá thì giờ đây ông đã "đoạn tuyệt" với làn khói độc.
Nghe lời bác sĩ căn dặn, cũng nhận thức được sức khỏe của mình không còn được như trước, ông Hòa giờ đây không đụng đến rượu bia và cũng bỏ hẳn thuốc lá.
"Khi đổ bệnh, tôi mới hiểu ra mình đã không chăm chút cho sức khỏe để khi có chút tuổi đã ốm đau, bệnh tật", ông Hòa nói và đã nhắn nhủ các thành viên trong gia đình bỏ những thói quen xấu.
Dù cân nặng đã giảm theo mong muốn, nhưng ngay ngày đầu năm mới và cho đến nay, bà V.T.P. (53 tuổi) luôn cùng chồng duy trì dậy sớm đạp xe gần 10km và đánh cầu lông.
Thói quen này được vợ chồng bà P. duy trì hơn nửa năm qua, sau khi nhìn nhận cân nặng bản thân quá khổ, nguy cơ mắc nhiều bệnh. Theo bà P., có sức khỏe là có tất cả và điều này chỉ do chính bản thân mình duy trì thực hiện đều đặn.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong khu vực Đông Nam Á, xét về sống thọ, phái nam người Việt đứng thứ 5, còn nữ đứng thứ 2, nhưng trung bình có tới 10 năm phải sống với các bệnh tật như tim mạch, ung thư và đái tháo đường.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các bệnh không lây nhiễm. Gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm đang chiếm tới trên 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc, và cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.
Thay đổi lối sống, chế độ dinh dưỡng
Theo các chuyên gia, có ba nguyên nhân quan trọng khiến số năm sống chung với bệnh tật của người Việt ở mức cao. Đó là chế độ dinh dưỡng, lối sống và môi trường ô nhiễm. Trong ba nguyên nhân này, có đến hai nguyên nhân mà bản thân mỗi người có thể tự thay đổi được đó là chế độ dinh dưỡng và lối sống.
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng quốc gia), đồ ăn nhanh, đồ ngọt, rượu bia… là những nhóm thực phẩm gây hại cho sức khỏe mà nhiều người Việt đang lạm dụng.
Bác sĩ Hưng cho rằng không có chế độ dinh dưỡng tốt cho sức khỏe áp dụng được với tất cả mọi người mà tùy thuộc vào từng cá thể, công việc sẽ có chế độ dinh dưỡng khác nhau. Tuy nhiên, cũng có những quy tắc chung trong dinh dưỡng mà mọi người có thể áp dụng.
"Thứ nhất, chỉ nên ăn bằng 80% mức năng lượng cần thiết. Khoa học cũng chứng minh dạ dày cần 20 phút để gửi tín hiệu cho não về lượng thức ăn cơ thể đã hấp thụ. Thay vì tiếp tục ăn cho đến lúc no căng, bạn hãy bỏ bát đũa khi vẫn còn hơi đói. Một lát sau, cơ thể sẽ thoải mái và dễ chịu.
Thứ hai là không bỏ bữa. Việc bỏ bữa sẽ khiến cơ thể rơi vào tình trạng mất cân bằng, gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
Tiếp đó là tránh ăn mặn, giảm lượng muối trong khẩu phần ăn là vô cùng cần thiết.
Ngoài ra, thức ăn nhanh, đồ ngọt, thức uống có gas… là nguyên nhân dẫn đến béo phì, cần phải cắt giảm", bác sĩ Hưng khuyến cáo.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Minh - giảng viên bộ môn tai mũi họng Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) - cho rằng một trong những vấn đề sức khỏe cần quan tâm trong năm nay là hạn chế tối đa rượu bia, có chế độ sinh hoạt, học tập, làm việc hợp lý và duy trì tập luyện phù hợp với thể trạng.
Đừng quên vận động
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy (nguyên bác sĩ đội tuyển bóng đá nam quốc gia và U23 Việt Nam), việc tập luyện thể thao không chỉ giúp giữ được vóc dáng cân đối mà còn rèn luyện sức khỏe, mỗi người có thể lựa chọn một môn thể thao phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe.
"Đơn giản nhất là đi bộ, chạy bộ nhẹ nhàng cũng giúp ích cho hệ tim mạch, hô hấp. Mỗi người nên dành ít nhất 30 phút một ngày cho việc vận động, tập thể dục để duy trì sức khỏe", bác sĩ Thủy khuyến cáo.
Trong những ngày Tết, thời gian sinh hoạt bị thay đổi, các bữa ăn trở nên đa dạng hơn, chế độ dinh dưỡng cũng khác biệt hơn so với ngày thường. Vậy làm sao để phòng tránh rối loạn tiêu hóa, đảm bảo đón Tết khỏe mạnh và an toàn?