"Muốn yên dân thì phải làm chính sách cho tốt. Bác Hồ dặn chăm lo cho việc yên dân. Cụ Nguyễn Trãi nói "việc nhân nghĩa cốt ở yên dân". Nhà tưởng niệm Tổng Chúp được khởi công hôm nay chính là yên dân" - nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu như vậy vào sáng 22-9-2023 tại lễ khởi công nhà tưởng niệm Tổng Chúp (thành phố Cao Bằng).
Từ nỗi bi thương và niềm âu lo mất vết dấu
Những năm gần đây, câu chuyện Tổng Chúp được nhắc nhớ nhiều vào dịp này. Ngày 9-3-1979, trước khi rút về nước, quân đội Trung Quốc đã giết 43 người dân ở Tổng Chúp. Hầu hết các nạn nhân là công nhân của trại lợn Đức Chính trên đường di tản về tuyến sau đã trú lại Tổng Chúp.
Cuộc chiến tranh nào cũng có bi thương khó tránh khỏi. Nhưng câu chuyện Tổng Chúp day dứt mãi trong lòng, bởi sau hơn 40 năm, sự kiện đó chỉ được lưu dấu bằng một tấm bia xi măng rộng chưa đến một mét vuông dựng trên hai trụ cọc xi măng trong khóm tre cạnh dòng suối.
Sau ngần ấy thời gian, một trụ bị sụp xuống, tấm bia bị xô lệch lơ lửng trên trụ còn lại. Không thể không âu lo sẽ đến ngày mảng bia bị rơi xuống và mưa lũ vùi bùn đất lên đó, xóa luôn vết dấu mỏng manh cuối cùng...
Năm 2019, phóng viên báo Tuổi Trẻ trong bài viết về Tổng Chúp đã nhắc nguyện vọng tha thiết của người dân Tổng Chúp, của thân nhân những nạn nhân đã mất là mong bia được tu tạo, dựng ngôi miếu nhỏ cho bà con đến tưởng niệm, mở một lối đi vào...
Và vào mỗi tháng 2 nhắc nhớ cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, rất nhiều phóng viên các báo đã tìm lên và cùng nhắc lại lời ước nguyện về tấm bia ghi dấu!
Như một cơ duyên, tháng 3- 2023, khi nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ra Quảng Trị dự lễ kỷ niệm 50 năm trao trả tù binh ở sông Thạch Hãn, trong câu chuyện về biên giới cùng phóng viên Tuổi Trẻ, chúng tôi nhắc đến Tổng Chúp, đến tấm bia đã mờ phai và có nguy cơ mất dấu tích, ông chợt trầm tư một thoáng rồi bảo: "Chuẩn bị cho chú tất cả những tư liệu liên quan đến câu chuyện này."
Cùng với việc tập hợp lại những bài báo đã viết về Tổng Chúp, nhờ quá trình lưu trữ tư liệu về chiến tranh biên giới phía Bắc, chúng tôi may mắn thân thiết với Viên Hồng Quang - một bạn trẻ chuyên phục hồi phim tư liệu và chuyển phim đen trắng qua phim màu.
Chính Quang là người đã tìm ra đoạn phim từ kho tư liệu của Hãng tin AP quay lại cảnh các phóng viên quốc tế đến hiện trường vụ thảm sát Tổng Chúp vào tháng 3-1979 với tất cả độ chân thực đến kinh hoàng. Chính Quang cũng gửi cho các thước phim về cuộc họp báo của Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc về sự kiện thảm sát này.
Tháng 6-2023, chuyến đi khảo sát đầu tiên của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lên Tổng Chúp được tiến hành, và ông cũng đã có cuộc làm việc riêng với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng với quyết tâm xây dựng khu tưởng niệm Tổng Chúp.
"Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời..."
Sau ba tháng chuẩn bị các phương án, đồ án kiến trúc, ngày 22-9-2023 lễ khởi công công trình đã diễn ra. Điều đặc biệt là thay vì chỉ xây dựng nhà tưởng niệm mỗi tháng chỉ mở cửa vài lần cho bà con đến nhang khói viếng vọng, lãnh đạo tỉnh và thành phố Cao Bằng đã quyết định thực hiện một không gian tưởng niệm mở.
Theo đó, không gian tưởng niệm Tổng Chúp sẽ được nối kết với không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng của bà con địa phương.
Khuôn viên tưởng niệm là một hoa viên giữ nguyên hiện trạng rừng tre, tôn tạo khu vực dựng tấm bia cũ, phục chế lại giếng nước nơi đồng bào bị giết, đồng thời nhà sinh hoạt cộng đồng kết hợp gian thờ tưởng niệm sẽ được xây dựng với kiến trúc mang bản sắc nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày Cao Bằng.
Thú thật nhìn hiện trường còn ngổn ngang, chưa giải phóng được mặt bằng, chưa có cả đường đi lối lại của khu vực sẽ xây nhà tưởng niệm trong lễ khởi công, chúng tôi từng không dám tin công trình sẽ hoàn thành kịp dịp kỷ niệm 45 năm chiến tranh biên giới, cũng là lễ giỗ 45 năm những bà con ở đây bị giết.
Vậy mà chỉ hơn ba tháng sau, đúng dịp Tết dương lịch 2024, khi chúng tôi trở lại Tổng Chúp, tất cả công việc đã hoàn tất trên 95%. Những em bé quanh bản nhỏ đã kịp biến khoảnh sân vừa được lát gạch thành sân chơi tuổi thơ đầy tiếng cười vui.
Không ai bị lãng quên
Cùng với việc thi công công trình tưởng niệm vụ thảm sát Tổng Chúp, lãnh đạo thành phố Cao Bằng cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp với sự tham dự của nhiều nhân chứng vụ thảm sát nhằm xác minh danh tính 43 nạn nhân.
Sau gần nửa thế kỷ, không phải nạn nhân nào cũng có thân nhân còn sống để từ đó lần ra tên tuổi, địa chỉ. Sau nhiều tháng cử người đi xác minh nhân thân các nạn nhân, danh sách bước đầu đã có được 37 trong số 43 người với đầy đủ họ tên khá chi tiết.
Ông Đào Nguyên An, giai đoạn đó là giám đốc trại chăn nuôi lợn Đức Chính, đã kể lại: "Bản thân tôi trực tiếp chôn cất xác các nạn nhân bị giết hại. Sau sự việc, tôi đã lập được danh sách 43 nạn nhân, một bản gửi cho Ty Nông nghiệp Cao Bằng, một bản gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, bản còn lại lưu giữ tại trại lợn.
Tuy nhiên theo thời gian và nhiều lần chuyển trụ sở, tại các đơn vị danh sách nạn nhân đã không còn lưu giữ". Không chỉ có những nạn nhân bị thảm sát tại giếng nước, cùng thời điểm đó, trên địa bàn Tổng Chúp còn có nhiều dân thường khác cũng bị giết hại - ý kiến của nhiều thành viên tham gia hội thảo xác định danh tính cũng đề nghị nên được cùng đưa vào đây thờ phụng.
Tuổi tên của 43 người dân sẽ được tạc vào bia tưởng niệm. Trong không gian này sẽ có thêm những bức ảnh, những thước phim tư liệu về cuộc chiến vệ quốc 45 năm trước. Quá khứ đau thương rất cần được khép lại nhưng không thể để chìm vào lãng quên. Câu chuyện Tổng Chúp hôm nay cũng không ngoài ý nghĩa đó!
Công trình Nhà văn hóa cộng đồng kết hợp gian thờ tưởng niệm Tổng Chúp được nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khởi xướng xây dựng và vận động tài trợ từ nguồn vốn xã hội hóa với tổng kinh phí 10 tỉ đồng do nhiều doanh nhân và nhà hảo tâm đóng góp.
Công trình với quy mô hai tầng, tổng diện tích 670m2. Ngoài không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng kết hợp không gian tưởng niệm, công trình này còn góp phần cải tạo hạ tầng khu vực xóm Đồng Chúp, mở đường bê tông, xây các cầu cống để thuận lợi cho người dân thăm viếng, đồng thời phục vụ nhu cầu sản xuất và dân sinh của 137 hộ dân chủ yếu là dân tộc Tày sinh sống tại đây.
Bước qua không gian sinh hoạt chung của khối nhà cộng đồng là không gian tưởng niệm được bài trí thiêng liêng và ấm áp với ba gian thờ. Cùng với việc thờ linh vị hương hồn đồng bào bị thảm sát là các linh vị thần hoàng bổn thổ và anh hùng liệt sĩ.
Từ bờ rìa hàng rào khu tưởng niệm, khói đốt nương trong buổi chiều tháng chạp bay lên vướng vít trên ngọn lũy tre bao quanh. Bình yên và gần gũi. Vậy là sau 45 năm, những oan hồn bà con vất vưởng bên bờ suối, gốc tre, đến dịp Tết Giáp Thìn này đã có nơi để linh hồn an trú.
TTO - Tấm bia nhỏ bé, bạc màu khuất dưới gốc tre già biên viễn Cao Bằng. Chúng tôi thấy mình như có lỗi với 43 hồn oan của đồng bào vô tội bị giặc thảm sát. Cần phải có đài tưởng niệm để con cháu ngàn đời không quên!