Ông Uông Việt Dũng - chánh văn phòng Bộ Giao thông vận tải - cho biết như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 19-2, về những ý kiến cho rằng vụ tai nạn giữa xe 7 chỗ với xe đầu kéo trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn ngày 18-2 có cả nguyên nhân đường hẹp.
Theo ông Dũng, vị trí xảy ra tai nạn đã có biển báo nhập làn, vạch sơn, biển giảm tốc độ, biển tốc độ tối đa 60km/h. Thời điểm xảy ra tai nạn thời tiết quang đãng, tầm nhìn không bị hạn chế.
Sau mỗi vụ tai nạn thường có những ý kiến bàn luận khác nhau. Phần lớn ý kiến báo chí, mạng xã hội đều nhận định do tài xế xe 7 chỗ vượt không an toàn.
Để đánh giá rõ ràng cần chờ đợi kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra xác định nguyên nhân, trách nhiệm các bên liên quan, hướng khắc phục, xử lý.
Ông Dũng khẳng định thời gian qua Bộ Giao thông vận tải thường xuyên chỉ đạo cơ quan chuyên môn, đơn vị quản lý, khai thác đường cao tốc theo dõi diễn biến, tình huống phát sinh trên các tuyến cao tốc mới đưa vào khai thác.
Từ đó kịp thời điều chỉnh những phát sinh, bất cập trong tổ chức, đảm bảo an toàn giao thông.
Đây là trách nhiệm chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan quản lý đường. Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã điều chỉnh tốc độ tối đa từ 80km/h lên 90 km/h trên các tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư 4 làn xe sau quá trình theo dõi, đánh giá.
Ông Dũng cho biết thời gian qua lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã giải trình trước Quốc hội, báo cáo Chính phủ việc đầu tư phân kỳ đường cao tốc (chưa đầu tư theo quy mô đầy đủ như quy hoạch) là căn cứ khả năng cân đối nguồn vốn, dự báo lưu lượng xe, nhu cầu vận tải trên từng đoạn tuyến cụ thể để đầu tư phù hợp với nguồn lực.
Đồng thời Bộ Giao thông vận tải cũng đã rà soát các tuyến cao tốc đã đưa vào khai thác, có văn bản đề xuất Chính phủ. Tuy nhiên, việc đầu tư mở rộng cần phải căn cứ vào nguồn lực.
Theo ông Dũng, với cao tốc quy mô đầy đủ hay phân kỳ đầu tư, mọi người cần tuân thủ luật, quy tắc giao thông để đi lại được an toàn.
Vụ tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn vào sáng 18-2 làm 2 người chết và 1 nạn nhân bị thương nặng.