Vietcombank vững ngôi đầu bảng
Khép lại năm 2023, bức tranh ngành ngân hàng dần hiện ra với tổng lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng đạt khoảng 203.500 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm trước.
Theo đó, Vietcombank giữ vững ngôi vị quán quân với lợi nhuận trước thuế đạt 41.243 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 33.054 tỷ đồng, tăng gần 10,5% so với năm trước.
Tuy nhiên, năm 2023, Vietcombank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 43.000 tỷ đồng. Như vậy, so với mục tiêu đề ra, ngân hàng mới chỉ thực hiện được 96% chỉ tiêu lợi nhuận.
Mặc dù vậy, đây vẫn là con số bỏ xa vị trí á quân là BIDV với lãi trước thuế 27.650 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 22.027 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước.
MB xếp thứ 3 với lãi trước thuế đạt hơn 26.306 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 20.667 tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ.
VietinBank và Techcombank lần lượt giữ vị trí thứ 4 và thứ 5 trên bảng xếp hạng lợi nhuận với khoản lãi trước thuế lần lượt là 25.100 tỷ đồng và 22.888 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tương ứng là 20.133 tỷ đồng và 18.191 tỷ đồng.
Đứng thứ 6 là ACB 6 với lợi nhuận trước thuế gần 20.100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 16.045 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2022.
HDBank xếp sau ACB với lợi nhuận trước thuế 2023 đạt 13.017 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 10.366 tỷ đồng, tăng 25,9%.
Dù lãi trước thuế giảm 48% xuống 10.987 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm 48,9% về còn 8.641 tỷ đồng, VPBank vẫn chiếm cứ vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng về lợi nhuận.
Vị trí thứ 9 thuộc về VIB với lãi trước thuế và sau thuế nhích nhẹ 1% so với năm 2022, đạt lần lượt 10.703 tỷ đồng và 8.562 tỷ đồng trong năm 2023.
Khoá top 10 là ngân hàng Sacombank với lãi trước thuế 9.595 tỷ đồng, tăng 51%; lợi nhuận sau thuế đạt 7.717 tỷ đồng, tăng 53% so với năm trước, đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính.
Nhiều ngân hàng lãi lớn nhờ kinh doanh chứng khoán
Năm 2023, phần lớn thu nhập của các nhà băng trong năm 2023 vẫn đến từ hoạt động tín dụng. Dù vậy, nhiều ngân hàng vẫn thu lãi lớn nhờ mua bán chứng khoán kinh doanh, ngoại hối, dịch vụ.
Đơn cử như nhóm Big4, báo cáo tài chính hợp nhất của BIDV cho thấy lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư của nhà băng này tăng 14 lần so với năm trước.
Với VietinBank, lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh của nhà băng tăng đột biến, đảo chiều từ khoản lỗ 112 tỷ đồng trong năm trước sang 293 tỷ đồng. Tương tự, tại Vietcombank, điểm sáng của ngân hàng là hoạt động chứng khoán kinh doanh đem về khoản lãi 124 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ mảng này khiến nhà băng lỗ 115 tỷ đồng.
Đối với nhiều ngân hàng TMCP tư nhân, chứng khoán kinh doanh cũng là điểm sáng trong kết quả kinh doanh. Như lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh và đầu tư tăng gần 200% tại OCB, tại HDBank tăng 267% hay ACB đem hơn 70.000 tỷ đồng đầu tư vào chứng khoán, thu lãi hơn 2.647 tỷ đồng…
Nhận định về vấn đề này, TS. Châu Đình Linh, Trường Đại học Ngân hàng Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, việc lãi từ đầu tư như vậy giúp ngân hàng đa dạng hóa nguồn thu, đem lại tỉ suất sinh lời cao. Những khoản lãi từ đầu tư đã đóng góp cho “miếng bánh” lợi nhuận ngân hàng, giúp phân tán rủi ro cho hoạt động kinh doanh ngân hàng và tránh sự lệ thuộc vào hoạt động tín dụng.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Trường Đại học Kinh tế Tp.Hồ Chí Minh, việc ngân hàng tăng cường đầu tư vào các hoạt động trên là do nguồn vốn dư thừa, huy động được nhưng lại khó cho vay.
Đồng thời, năm 2023, trong bối cảnh nguồn thu chính là thu nhập lãi thuần sụt giảm hoặc tăng trưởng không nhiều, các ngân hàng sẽ tìm kiếm thu nhập khác như M&A, đầu tư… nhằm bù đắp lợi nhuận sụt giảm, đảm bảo tốc độ tăng trưởng lợi nhuận.
Tuy nhiên, ông Huân cho rằng, việc lãi từ đầu tư như vậy không hẳn là tốt đối với hệ thống ngân hàng, bởi nó xa rời hoạt động kinh doanh chính của ngân hàng là thu từ lãi, phí dịch vụ.
Bên cạnh đó, việc quá lệ thuộc vào lợi nhuận từ đầu tư cũng đem lại rủi ro cho ngân hàng bởi tính bất ổn định. “Hiện tại có thể thu được nhiều, nhưng biết đâu sau này lỗ” – ông Huân nói.
Lợi nhuận không có quá nhiều đột phá trong năm 2024
Đưa ra dự báo về lợi nhuận ngân hàng trong năm 2024, ông Linh cho rằng, lợi nhuận sẽ có tỉ lệ tăng trưởng cao hơn so với 2023. Mọi yếu tố vĩ mô đang trở nên tích cực hơn.
Tuy nhiên, lợi nhuận ngân hàng cũng sẽ phân hóa mạnh, với những ngân hàng thuộc top đầu, lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng sẽ tiếp tục giữ vững phong độ, thậm chí xu hướng gia tăng lợi nhuận sẽ cao hơn so với năm trước.
Trong khi đó, những ngân hàng nhỏ hơn, phải tập trung khắc phục rủi ro nợ xấu cũng sẽ có sự đi lên về lợi nhuận, tuy nhiên không thể bằng nhóm đầu. “Lợi nhuận sẽ cải thiện đôi chút trong năm 2024, tuy nhiên không có quá nhiều đột phá”, ông Linh nhận định.
Về phía ông Huân, đà tăng giảm lợi nhuận khó dự báo trong năm 2024 do phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ông chỉ ra những rủi ro kìm kẹp sự tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng như Fed giữ nguyên lãi suất, không giảm như kỳ vọng ít nhất đến tháng 6. Kinh tế thế giới hồi phục chậm ảnh hưởng đến kinh tế trong nước. Nợ xấu khó cải thiện nhanh chóng. Theo ông Huân, ngân hàng vẫn sẽ khó khăn trong năm 2024.
CTCP Chứng khoán MB (MBS) nhận định, kết quả kinh doanh kém khả quan trong năm 2023 tạo ra một nền so sánh thấp cho tăng trưởng 2024. Bên cạnh đó, MBS kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan cùng với NIM được cải thiện nhờ môi trường lãi suất thấp được duy trì, lợi nhuận sau thuế của hầu hết các ngân hàng đều được kỳ vọng khả quan. Lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng MBS theo dõi dự báo sẽ tăng trưởng 25,1% so với cùng kỳ trong 2024.
Theo Trung tâm phân tích chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, mặc dù ngân hàng có khả năng vẫn phải gánh mức trích lập dự phòng cao tương đương như năm 2023 trong năm tới.
Tuy nhiên, với kỳ vọng tỉ lệ nợ xấu sẽ sớm đạt đỉnh, nhiều khả năng các chỉ báo về chất lượng tài sản của ngân hàng sẽ sớm phục hồi trong giai đoạn cuối 2024 hay nhiều nhất là năm 2025. Động lực tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 sẽ bao gồm các yếu tố như sự phục hồi của NIM, tăng trưởng tín dụng cao hơn, và nền thấp được thiết lập trong năm 2023.
Trong ngắn hạn, các nguồn thu nhập ngoài lãi như dịch vụ banca hay thu hồi nợ xấu đã xử lý sẽ là biến số cho tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm tới, đặc biệt là với kỳ vọng ngành BĐS phục hồi từ năm 2024. Đồng thời, việc áp dụng công nghệ trong các khâu cung cấp dịch vụ sẽ giúp ngân hàng giảm sự tương quan giữa thu nhập và chi phí hoạt động (CIR cải thiện).