Shilie Turner, 17 tuổi, là học sinh cuối cấp của trường trung học William Penn, đồng thời là một trong những vận động viên điền kinh triển vọng nhất ở Philadelphia, được ca ngợi là ngôi sao trẻ với tài năng có thể thẳng tiến tới Thế vận hội.
Tuy nhiên, vào 17/1/1993, ngày diễn ra cuộc thi quan trọng, Shilie không xuất hiện. Mối lo ngại gia tăng khi huấn luyện viên được biết mẹ Shilie, bà Vivian King, không gặp con gái kể từ tối hôm trước vì Shilie qua đêm tại nhà bạn ở cùng khu phố.
Bà Vivian lập tức liên lạc với cảnh sát, cho biết Shilie thông báo đi dự tiệc rồi ở lại nhà bạn. Nhưng sau khi hỏi lại bạn bè Shilie, cảnh sát được biết nữ sinh có kế hoạch khác vào đêm đó.
Bạn thân nhất của Shilie, Andrea McCall, nói rằng thực ra Shilie định đi gặp bạn trai mới, tên Shaun Williams. Trước khi rời đi, Andrea cho bạn mượn áo khoác da của bố, Shilie hứa không về quá muộn vì có cuộc thi vào ngày hôm sau. Đó là lần cuối cùng Andrea nhìn thấy Shilie.
Khi bị thẩm vấn, Shaun khai rằng cả hai đi chơi đến khoảng 1h30 ngày 17/1, Shilie quyết định bắt xe buýt về nhà, anh ta nhìn cô lên xe rồi mới lái đi.
Shaun được cảnh sát loại trừ khỏi danh sách nghi phạm sau khi tài xế xe buýt xác nhận rằng Shilie đã lên xe buýt vào đêm đó rồi xuống xe ở một trạm dừng cách nhà nữ sinh sáu tòa nhà, nằm trong khu vực được cho là nguy hiểm. Theo nhà chức trách, đây không phải là nơi an toàn cho một cô gái 17 tuổi đi bộ vào lúc 2h.
Cảnh sát khám xét những ngôi nhà bỏ hoang gần trạm dừng và các khu vực xung quanh nhưng không thấy dấu vết của Shilie. Trong khi đó, mẹ cô kêu gọi công chúng giúp đỡ, cộng đồng chung tay treo thưởng 6.000 USD cho thông tin giúp tìm thấy Shilie.
Hai tuần sau, cuộc tìm kiếm vẫn không có tiến triển. Sau khi nói chuyện với bà Vivian một lần nữa, cảnh sát bắt đầu điều tra huấn luyện viên điền kinh, Tim Hickey, do anh ta bị tố thân thiết với Shilie và thường dành thời gian tập luyện riêng với các học trò. Tuy nhiên, Tim có bằng chứng ngoại phạm khi đi chơi với một nhóm người vào đêm đó.
Dẫu vậy, nhờ nói chuyện với Tim, cảnh sát biết được thông tin mới về Shilie. Nữ sinh từng tâm sự với huấn luyện viên rằng cuộc sống cùng gia đình gay go đến nỗi cô rất sợ về nhà.
Gia đình Shilie bắt đầu bị nghi ngờ nhiều hơn khi Andrea nhận thấy điều kỳ lạ vài ngày sau đó. Cô nhìn thấy bố dượng của Shilie, Clarence Jones, rời khỏi nhà với chiếc áo khoác da giống chiếc cô cho Shilie mượn vào đêm bạn biến mất. Nếu Shilie không bao giờ về đến nhà, làm sao Clarence lại mặc áo khoác da của cô ấy?
Clarence bị triệu tập để thẩm vấn, nhưng khi được hỏi về chiếc áo khoác, ông ta khai rằng chỉ nhặt bất cứ thứ gì tìm thấy ở nhà để mặc và không biết nó thuộc về ai. Ông ta phủ nhận liên quan đến vụ con riêng của vợ mất tích và có vẻ không nhận thức được tầm quan trọng của chiếc áo khoác mình đang mặc.
Sau khi xác minh Clarence đi làm như thường lệ vào buổi sáng ngày Shilie mất tích, cảnh sát loại ông ta khỏi danh sách nghi phạm.
Bốn tuần sau, sự biến mất của Shilie vẫn còn là một bí ẩn, gia đình và bạn bè cô bắt đầu mất hy vọng.
Vụ án có bước ngoặt vào ngày 20/2/1993. Một người đàn ông dắt chó đi dạo ở công viên Fairmount, tình cờ phát hiện thứ trông giống thi thể người được phủ tấm bạt dính máu ở khu vực hẻo lánh trong rừng.
Tại hiện trường, cảnh sát tìm thấy nạn nhân là một cô gái trẻ da màu, có nhiều vết thương do đạn bắn vào vùng mặt, tay và ngực. Nạn nhân cũng bị chấn thương do lực tác động mạnh vào một bên mặt. Bà Vivian xác định thi thể là Shilie, công viên này là nơi nữ sinh thường chạy bộ.
Trong tang lễ Shilie, hành vi của bà Vivian khiến nhiều người có mặt nảy sinh hoài nghi. Bà ta không khóc mà vui vẻ chào đón những người tham dự. Một người bạn của Shilie nhận xét bà Vivian không hành động giống như mẹ của một thiếu nữ 17 tuổi vừa bị sát hại.
Thái độ của Vivian làm dấy lên tin đồn bà ta có liên quan đến vụ sát hại Shilie, nhưng không có bằng chứng nào. Sau đó, bà Vivian làm khách mời xuất hiện trên một chương trình phát thanh địa phương, cố gắng rũ sạch hiềm nghi. Tuy nhiên, trong một phần của cuộc phỏng vấn không được ghi lại, bà Vivian mô tả hiện trường vụ án và cách thi thể con gái được tìm thấy chi tiết đến mức người dẫn chương trình nghi ngờ những sự thật như vậy chỉ có thể được biết bởi người từng chứng kiến án mạng.
Người dẫn chương trình báo cảnh sát, kể lại chi tiết việc bà Vivian mô tả bàn tay của Shilie ở gần mặt như thế nào khi bị bắn. Lúc này, thám tử của Sở cảnh sát Philadelphia nhận ra bà Vivian có thể là hung thủ sát hại Shilie.
Trước khi bị đưa về đồn để thẩm vấn, bà Vivian tự đến gặp cảnh sát, cố biện minh và đồng ý thực hiện bài kiểm tra nói dối, nhưng không vượt qua được. Vivian yêu cầu được nói chuyện với cảnh sát một lần nữa, và khi vào phòng thẩm vấn, bà ta òa khóc thú nhận.
Theo lời khai, khi Shilie trở về nhà vào đêm định mệnh, bà Vivian đang uống rượu và tức giận vì con gái về quá muộn. Hai người bắt đầu tranh cãi rồi xô xát. Bà Vivian lấy súng và nói sẽ đưa Shilie đến đồn cảnh sát vì không muốn con gái sống trong ngôi nhà của gia đình nữa. Tuy nhiên, khi lên xe, bà ta chở Shilie đến công viên, ra khỏi xe và bắt đầu đánh nhau với con.
Bà Vivian cầm súng đánh vào mặt khiến Shilie ngã ra đất, rồi bắn nhiều phát. Sau đó, bà ta che đậy thi thể bằng một tấm bạt tìm thấy gần đó.
Trong phòng thẩm vấn, sau khi thú tội, bà Vivian bất ngờ cười lớn khiến các điều tra viên bị sốc. Bà ta bị bắt và bị buộc tội giết người.
Khám xét nhà bà Vivian, cảnh sát không thể tìm thấy chiếc áo khoác, khẩu súng hoặc bất kỳ bằng chứng vật chất nào liên quan đến vụ giết Shilie. Bên công tố trông chờ vào lời thú tội của Vivian để thắng kiện, nhưng họ gặp rắc rối lớn khi bà ta rút lại lời khai, tuyên bố rằng bị các điều tra viên ép cung.
Tuy nhiên, giữa lời thú tội ban đầu của Vivian và lời khai mâu thuẫn bà ta đưa ra trước tòa, bồi thẩm đoàn tuyên Vivian phạm tội giết người cấp độ ba và kết án từ 10 đến 20 năm tù.
Trợ lý ủy viên công tố quận Philadelphia, Judith Frankel-Rubino, cho hay: "Việc uống rượu trước khi gây án làm giảm mức tội từ cấp độ một xuống cấp độ ba. Tôi nghĩ rằng sáu phát súng là đủ để định tội giết người có chủ ý, nhưng bồi thẩm đoàn không muốn tin rằng người mẹ sẽ gây án khi không có rượu".
Vivian King đã mãn hạn tù và hiện sống ở Philadelphia.
Tuệ Anh (Theo Oxygen)
Xem thêm: lmth.5562174-hnid-aig-hcik-ib-nam-nev-em-ab-auc-al-yk-ux-hnah/ten.sserpxenv