Năm nay, du lịch và chi tiêu trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài tám ngày (kết thúc hôm 17-2) ở Trung Quốc đã tăng mạnh, vượt qua cả mức trước đại dịch COVID-19 vào năm 2019.
Dữ liệu từ Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc hôm 18-2 cho thấy chi tiêu du lịch nội địa trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024 đạt 632,7 tỉ nhân dân tệ (gần 88 tỉ USD) - tăng 47,3% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 7,7% so với mức năm 2019.
Bên cạnh đó, số chuyến đi nội địa diễn ra trong kỳ nghỉ lễ năm nay đạt 474 triệu chuyến, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm ngoái và 19% so với năm 2019.
Dữ liệu này mang tới sự nhẹ nhõm tạm thời cho các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với rủi ro giảm phát do nhu cầu tiêu dùng yếu.
Hãng tin Reuters nhận định tính bền vững của việc thúc đẩy du lịch tại Trung Quốc là không chắc chắn và chi tiêu trong mỗi chuyến đi vẫn ở dưới mức trước đại dịch. Bắc Kinh không cung cấp dữ liệu về chi tiêu trong mỗi chuyến đi, nhưng tính toán của Reuters cho thấy chi tiêu trung bình mỗi chuyến đi trong kỳ nghỉ năm nay là 1.335 nhân dân tệ (185 USD) - giảm 9,5% so với mức 1.475 nhân dân tệ mỗi chuyến vào năm 2019.
Các nhà phân tích tại Goldman Sachs hôm 18-2 lưu ý rằng dữ liệu du lịch nội địa Trung Quốc trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã cải thiện so với kỳ nghỉ Tết dương lịch đầu năm nay và Tuần lễ vàng quốc khánh vào tháng 10-2023, nhưng doanh thu du lịch trên đầu người giảm và vẫn thấp hơn mức trước đại dịch. Điều này cho thấy xu hướng hạ cấp tiêu dùng vẫn phổ biến.
Du lịch quốc tế cũng phục hồi đáng kể. Trung Quốc chứng kiến khoảng 13,52 triệu lượt du khách ra và vào nước này trong kỳ nghỉ, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 90% so mức năm 2019, theo Tổng cục Quản lý xuất nhập cảnh Trung Quốc.
Ngoài ra, xem phim cũng là hoạt động giải trí phổ biến nhất trong kỳ nghỉ. Doanh thu phòng vé cả nước đã lập kỷ lục mới khi vượt 8 tỉ nhân dân tệ (1,11 tỉ USD) trong tám ngày, theo Tổng cục Điện ảnh Trung Quốc.
Trong khi kinh tế Trung Quốc được dự đoán sẽ giảm tốc từ nay đến năm 2028 thì Ấn Độ có thể vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.