Chiều 20-2, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy tổ chức buổi chia sẻ thông tin về ca bệnh PTKO (nữ, 28 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh) bị máy cuốn sợi cuốc lóc toàn bộ da đầu được điều trị thành công.
Theo đó, vào sáng 18-1, khi đang làm việc tại nhà máy kéo sợi (không mang nón bảo hộ), bệnh nhân cúi người về phía trước để làm việc thì không may bị lực hút của máy cuốn sợi cuốn tóc gây lóc toàn bộ da đầu.
Bệnh nhân được đưa đến Trung tâm y tế huyện Gò Dầu sơ cứu, sau đó chuyển qua BV đa khoa Xuyên Á và chuyển đến BV Chợ Rẫy vào trưa 18-1. Cùng lúc, công nhân ở đó lấy mảnh da đầu bị lóc cho vào túi nilon, buộc lại và cho vào thùng nước đá, sau đó chuyển đến BV Chợ Rẫy.
TS-BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng - Phẫu thuật tạo hình BV Chợ Rẫy, cho biết bệnh nhân nhập BV Chợ Rẫy vào trưa 18-1 trong tình trạng vết thương lóc da đầu toàn bộ, lộ xương sọ.
Khi tiếp nhận, BV Chợ Rẫy đã kích hoạt quy trình báo động đỏ, khám chuyên khoa và cho bệnh nhân chụp MRI, CT-scan không phát hiện tổn thương sọ, nội sọ.
Ngay sau đó, bệnh nhân được được phẫu thuật cấp cứu, nối lại toàn bộ da đầu. Quá trình phẫu thuật có hai ê-kíp, gồm ê-kíp tìm mạch da đầu và ê-kíp tìm mạch của bệnh nhân. Các BS nối động mạch thái dương và tĩnh mạch sau tai, toàn bộ đều thực hiện dưới kính hiển vi. Ca phẫu thuật kéo dài 4 tiếng rưỡi.
Tái khám sau một tháng, tóc bệnh nhân đã mọc lại. Các BS cho rằng đây là sự hồi phục ngoạn mục.
“Đây là lần đầu tiên BV Chợ Rẫy nối vi phẫu thành công cho bệnh nhân bị lóc toàn bộ da đầu. Vì da đầu bị lóc ra, các mạch máu nuôi bị dập nát nên khi nối lại đã rất khó khăn. Việc tìm và nối mạch máu rất nhỏ trên da đầu là điều khó nhất, BS phải dùng nhiều biện pháp kiểm tra để không tắc mạch” - BS Hiệp nói.
Theo BS Hiệp, mỗi năm BV Chợ Rẫy tiếp nhận khoảng 8-10 ca lóc da do tai nạn lao động. Trong đó đa số bệnh nhân ở tỉnh xa, sơ cứu không đúng cách, đến BV trễ nên đều không nối được. Vì thế rất khó để có được một ca thành công. May mắn bệnh nhân này đến BV khá sớm, tận dụng được thời gian vàng dưới 6 tiếng, da đầu rơi ra được bảo quản đúng cách.
Bác sĩ Hiệp khuyến cáo các chi thể rời ra nên được bỏ vào bọc nilon rồi mới bỏ vào nước đá. Không nên bỏ trực tiếp chi thể vào nước đá vì sẽ làm tổn thương tế bào, chết chi thể cần bảo vệ.
BS.CKII Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Chợ Rẫy, cho biết nữ giới tóc dài làm việc trong môi trường có máy quay hút cần hết sức chú ý an toàn. Nếu không may gặp sự cố, việc xử trí ban đầu rất quan trọng. Cần bảo toàn được da đầu rơi ra cho bệnh nhân và tuyến trước cần sơ cứu tốt sẽ giúp tăng tỉ lệ nối da thành công.
“Chấn thương hay đứt rời chi thể từ 6 tiếng trở lên đều đưa vô báo động đỏ để cấp cứu nhanh. Vì khi bộ phận cơ thể rời ra, bị mất máu nuôi, dưới 6 tiếng khả năng thành công cao, nhưng từ 6 tiếng trở lên tỉ lệ da đầu hoại tử tăng dần dù tái thông tốt. Hành trình tìm da khác đắp lên rất gian nan” - BS Việt cho hay.
Em bé được thông van tim trong bào thai vừa xuất viện
(PLO)- Bệnh nhi dị tật tim bẩm sinh nặng được thông van tim ngay trong bào thai đầu tiên tại Việt Nam đã xuất viện.