Chiều 20-2, Lễ hội Xuân hồng lần thứ 17 do Viện Huyết học - Truyền máu trung ương và Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội tổ chức chính thức khai mạc.
Tranh thủ nghỉ trưa, rủ nhau đi hiến máu
Có mặt tại Viện Huyết học - Truyền máu trung ương từ 12h trưa, anh Tường Duy Đông (43 tuổi, Hà Nội) cùng vợ tranh thủ giờ nghỉ ngơi ít ỏi đến viện hiến máu tình nguyện.
Anh Đông chia sẻ hiện đang là nhân viên của Nhà máy nước quận Hà Đông (Hà Nội). Bình thường, anh sẽ kết thúc ca làm việc vào 11h30, nhưng hôm nay dự định đi hiến máu nên đã xin phép về trước 15 phút. Hai vợ chồng ăn nhẹ rồi lên viện để kịp thời gian hiến máu.
"Ba lần gần đây nhất tôi bị "từ chối" hiến máu vì không đủ tiêu chuẩn. Vì vậy, ngay sau Tết, tôi đã lên kế hoạch bảo đảm sức khỏe, ăn uống lành mạnh để tham gia hiến máu. Lần này, tôi đã đủ điều kiện để hiến máu nên rất vui. Tôi nghĩ rằng hiến máu đầu năm như một việc làm tốt trong dịp năm mới, giúp cho người bệnh đang cần máu", anh Đông nói.
Ngồi chờ đến lượt hiến máu, nhóm bạn gồm 7 người vẫn mặc đồng phục công ty rôm rả hỏi han nhau về số lần hiến máu tình nguyện. Anh Khoa (một người trong nhóm) nói đây là lần đầu tiên cả phòng đi "du xuân" tại nơi đặc biệt này cùng nhau.
"Mọi năm, bọn mình thường cùng nhau đi chùa trong dịp đầu năm. Nhưng năm nay, bọn mình quyết định đổi địa điểm du xuân. Ý tưởng này xuất phát từ một đồng nghiệp đã có 17 lần hiến máu.
Mọi người xin phép sếp nghỉ sớm 20 phút, tranh thủ giờ nghỉ trưa để đi hiến máu. Như vậy sẽ vừa đảm bảo công việc mà bọn mình cũng làm được một việc ý nghĩa", anh Khoa chia sẻ.
Lễ hội "cho đi" đầu năm mới
Không chỉ là những nhóm bạn, cá nhân tích cực tham gia hiến máu. Năm nay, Lễ hội Xuân hồng còn đón một đoàn "khách" hơn 50 người từ huyện Văn Giang, Hưng Yên đến hiến máu.
Đầu năm, thay vì đi du xuân, lễ chùa thì ông Lê Trung Truyền (Hưng Yên) lại vận động mọi người đến Lễ hội Xuân hồng để hiến máu. Bén duyên với Lễ hội Xuân hồng từ năm 2007, đến nay ông Truyền đã vận động gia đình và hơn 100 người tại địa phương tham gia hiến máu tình nguyện.
"Đầu xuân mọi người thường đi chùa lấy may. Còn mình đi hiến máu ở Lễ hội Xuân hồng để mang may mắn cho mọi người", chị Lê Thị Bích Diệp, con gái ông Lê Trung Truyền, chia sẻ. Chị Diệp cũng như mọi người đều mong muốn góp một phần nhỏ bé để những người bệnh không thiếu máu truyền.
PGS.TS Nguyễn Hà Thanh, viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, chia sẻ khác với hàng ngàn lễ hội đầu xuân đang diễn ra trên khắp cả nước, đây là lễ hội duy nhất mà những người đến tham dự không cầu xin điều gì cho bản thân mình.
"Họ đến để trao tặng những giọt máu đào quý giá - một phần sự sống cho người bệnh. Điều ấy đã làm nên sự đặc biệt, độc đáo, nét riêng có của Lễ hội Xuân hồng và tạo được sức sống lâu bền, để lại nhiều ấn tượng, kỷ niệm với những người tham dự", PGS.TS Thanh nói.
Viện thiếu máu, hàng ngàn người chung tay
Trước Tết Nguyên đán, Viện Huyết học - Truyền máu trung ương phát đi lời kêu gọi khi thiếu 10.000 đơn vị máu dự trữ cho dịp Tết. Ngay khi thông báo, hàng ngàn người đã đến viện hiến máu. Chỉ sau một tuần phát động đã đủ lượng máu dự trữ, giúp hàng trăm bệnh nhân được về nhà đón Tết.
Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, đã có 1.628 người đến Viện Huyết học - Truyền máu trung ương tham gia hiến máu và hiến tiểu cầu. Dự kiến, trong Lễ hội Xuân hồng, mỗi ngày sẽ tiếp nhận 800 - 1.000 đơn vị máu. Lễ hội sẽ kéo dài đến ngày 25-2.
TTO - Sáng 22-2, Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội, Viện Huyết học - truyền máu trung ương và Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện TP Hà Nội phối hợp tổ chức lễ hội Xuân hồng lần 12 với thông điệp "Hiến giọt máu đào - trao đời sự sống".