Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ về điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Sáng ngày 20/2, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Tính đến hết tháng 1, tín dụng toàn nền kinh tế giảm 0,6% so với cuối năm 2023 do tính chất chu kỳ. Vì vậy, việc đẩy mạnh tín dụng ngay từ đầu năm là rất cần thiết để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15% của cả năm nay.
Ngân hàng đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp
Tùy từng kỳ hạn, tùy từng lĩnh vực, lãi suất cho vay khác nhau và giữa các ngân hàng cũng khác nhau. Cá biệt, có ngân hàng vẫn cho vay lãi cao dù chi phí huy động đầu vào đã giảm sâu. Điều này cần được thay đổi.
Các ngân hàng cần công khai mức lãi suất cho vay bình quân với các đối tượng khách hàng để người dân, doanh nghiệp được biết, so sánh và chọn lựa. Ngân hàng Nhà nước sẽ có những đánh giá về việc hoàn thành tiêu chí này.
Công khai lãi suất cho vay cũng là cách để thúc đẩy tín dụng. Với một số gói ưu đãi lãi suất như gói tín dụng 15.000 tỉ đồng cho lâm sản, thủy sản đã giải ngân hết 100% nên Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng gấp đôi lên 30.000 tỷ đồng.
Ông Hồ Nam Tiến - Tổng Giám đốc Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPBank) cho biết: "Chúng tôi đã có gói hỗ trợ 6,5% phục vụ cho Lâm Thuỷ sản. Năm 2023, chúng tôi đăng ký gói 300 tỷ, qua triển khai, chúng tôi đã tiếp cận với một số khách hàng tiềm năng và chúng tôi tự tin đăng ký lên gói 1000 tỷ với Ngân hàng Nhà nước".
Để nhanh chóng cấp tín dụng cho những công trình trọng điểm quốc gia, dự án lớn, nhiều ngân hàng đã liên kết cho vay hợp vốn. Theo ông Phạm Như Ánh - Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân đội (MBBank) thì "chúng tôi xác định cần phải chia sẻ rủi ro, không ngân hàng nào cho vay tập trung vào một khách hàng quá nhiều, nên chúng tôi chọn giải pháp đồng tài trợ và kêu gọi các nguồn vốn từ các tổ chức trong nước và quốc tế".
Song song với đẩy mạnh cho vay tín chấp, cho vay trực tuyến thì việc tiếp tục cơ cấu thời gian trả nợ với các doanh nghiệp còn khó khăn cũng là giải pháp để khơi thông dòng tín dụng.
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nêu ý kiến: "Chúng tôi sẽ nghiên cứu kéo dài thông tư 02 đến một thời điểm phù hợp, giám sát để đảm bảo cho chính sách được thực hiện đúng và đúng đối tượng, hỗ trợ cho doanh nghiệp khắc phục khó khăn nhưng cũng đảm bảo an toàn và đảm bảo chất lượng tín dụng cho các Ngân hàng Thương mại".
Tuy nhiên, để thúc đẩy tín dụng hiệu quả, bên cạnh giải pháp của ngành ngân hàng, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành nhằm kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.70053002202204202-gnah-nagn-gnud-nit-hnam-yad/et-hnik/nv.vtv