Khai mạc phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xem xét nhiều nội dung quan trọng
Sáng nay 22-2, phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc. Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, phiên họp sẽ cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng.
Trong đó, về công tác xây dựng pháp luật, trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành thời gian để tiến hành cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.
Về công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 1-2024 (trong đó có công tác dân nguyện tháng 12-2023).
Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét tờ trình của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về giao bổ sung số lượng kiểm sát viên của viện kiểm sát nhân dân và tổng kết kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Việt Nam cung cấp hạt tiêu lớn thứ 2 tại Trung Quốc
Tin tức từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ước tính xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 1-2024 đạt 20.000 tấn, trị giá 79 triệu USD, giảm 1,4% về lượng, nhưng tăng 1,9% về trị giá so với tháng 12-2023.
So với tháng 1-2023 tăng 60,2% về lượng và tăng 83,9% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 1-2024 ước đạt mức 3.953 USD/tấn, tăng 3,4% so với tháng 12-2023 và tăng 14,8% so với tháng 1-2023.
Về cơ cấu chủng loại xuất khẩu, năm 2023, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu hạt tiêu đen, tỉ trọng chiếm 69,51% tổng lượng và chiếm 70,67% tổng kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu của cả nước trong năm 2023.
Do đó, tăng trưởng xuất khẩu hạt tiêu đen đã tác động tích cực lên toàn ngành.
Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu đen sang hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, các thị trường xuất khẩu truyền thống gồm Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ...
Hiện, Việt Nam là nguồn cung hạt tiêu lớn thứ 2 cho Trung Quốc trong năm 2023. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 32,39% trong năm 2022 lên 36,57% trong năm 2023.
Việt Nam chi hơn 1,4 tỉ USD nhập khẩu thịt trong năm 2023
Tin tức từ Bộ Công Thương, năm 2023, Việt Nam nhập khẩu hơn 716.000 tấn thịt và các sản phẩm từ 57 thị trường trên thế giới, trị giá 1,43 tỉ USD, tăng 5,4% về lượng nhưng giảm 3,9% về trị giá so với năm 2022.
Trong đó, Ấn Độ là thị trường cung cấp lớn nhất, với hơn 160.000 tấn, trị giá hơn 476 triệu USD.
Các chủng loại nhập khẩu như: thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm; phụ phẩm ăn được sau giết mổ của heo, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt trâu, thịt heo, thịt bò, mỡ heo tươi ướp lạnh…
Về cơ cấu thị trường, năm 2023 cung cấp thịt và các sản phẩm thịt có sự thay đổi so với các năm. Cụ thể: nhập khẩu từ Ấn Độ, Nga tăng; còn từ Hoa Kỳ, Brazil, Hàn Quốc lại giảm.
Trong đó, giảm nhập thịt bò, thịt gia cầm, thịt heo; tăng nhập khẩu thịt trâu và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của heo, bò sống.
Nổi trội nhất là nhập hơn 112.000 tấn thịt heo tươi ướp lạnh từ 30 thị trường, đặc biệt từ Nga (40,67%), trị giá hơn 279 triệu USD.
Hàng hóa thông quan qua Hải quan TP.HCM tăng 25%
Trong tháng đầu năm 2024, trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu làm thủ tục thông quan qua Cục Hải quan TP.HCM tăng gần 25% so với cùng kỳ năm 2023, đạt khoảng 9,74 tỉ USD.
Tin tức từ Cục Hải quan TP.HCM, trong đó kim ngạch nhập khẩu đạt 5,08 tỉ USD, tăng 15,75%, kim ngạch xuất khẩu đạt 4,66 tỉ USD, tăng 35,79% so với cùng kỳ năm 2023.
Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa làm thủ tục qua Cục Hải quan TP trong tháng đầu năm nhập siêu khoảng 429 triệu USD.
Với kim ngạch này, số thu ngân sách của Cục Hải quan TP.HCM cũng có biến chuyển tích cực, khi đạt 9.453,2 tỉ đồng, tăng 6,53% so với cùng kỳ năm 2023, tương đương tăng tuyệt đối 579,4 tỉ đồng.
Xét về cả nước, trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, cả nước có hơn 1.000 doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu hàng hóa, với gần 10.000 tờ khai đã được đăng ký tại 116 chi cục hải quan và tương đương thuộc 32 cục hải quan địa phương.
Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu ước đạt 1,41 tỉ USD. Trong đó xuất khẩu hàng hóa đạt 0,73 tỉ USD, giá nhập khẩu hàng hóa đạt 0,68 tỉ USD. Như vậy, trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, các doanh nghiệp xuất siêu 50 triệu USD.
Sau Tết, giá nhiều loại rau củ, trái cây hạ nhiệt
Tin tức từ chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, Thủ Đức (TP.HCM), giá bán nhiều loại rau, củ, trái cây tại chợ hiện đã giảm khoảng 20 - 50% so với cao điểm trước và trong Tết Giáp Thìn và dần về mức ổn định ngày thường.
Cụ thể, hiện su su, củ cải trắng, khổ qua bán sỉ tại chợ khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg; cải ngọt, cải thảo, bầu, bí đao, cà chua 7.000 - 10.000 đồng/kg tùy loại; xà lách búp, hành tây, bắp cải tròn Đà Lạt 11.000 - 12.000 đồng/kg.
Tương tự, giá bán sỉ số mặt hàng trái cây cũng dần hạ nhiệt so với hơn một tuần trước đó như bưởi da xanh hiện từ 17.000 - 25.000 đồng/kg; dưa hấu, đu đủ, vú sữa, nhãn Huế 12.000 - 15.000 đồng/kg tùy loại; cam xoàn, lồng mứt, thanh long 25.000 - 28.000 đồng/kg.
Cá biệt, có một số chủng loại giá đang neo cao như dưa leo 19.000 đồng/kg; chanh giấy, củ hành đỏ Vĩnh Châu 35.000 - 40.000 đồng/kg; tỏi Lý Sơn 240.000 đồng/kg; sầu riêng Ri 6 120.000 đồng/kg.
Theo các tiểu thương, giá nhiều loại rau củ quả đang hạ nhiệt chủ yếu do nguồn cung vẫn đảm bảo nhưng nhu cầu sau Tết giảm mạnh so với trước và trong Tết, thậm chí những mặt hàng như bưởi có điểm giá bán đang thấp hơn ngày thường. Ngược lại, những chủng loại giá neo cao do nguồn cung ít.
Tin tức đáng chú ý: Hơn 9.000 tỉ xây đường ven biển Trà Vinh; Nắng nóng kéo dài, nhà vườn lo mất mùa sầu riêng, cà phê; Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam lãi gần 1.900 tỉ đồng trong năm 2023...