Sáng 22-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo về công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 12-2023 và tháng 1-2024.
Quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Theo Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, trong dịp Tết Giáp Thìn 2024, cử tri, nhân dân đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, gia đình chính sách, người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn.
Cử tri, nhân dân hoan nghênh các cấp chính quyền đã có những giải pháp đảm bảo đầy đủ hàng hóa và kiểm soát giá cả để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết...
Đặc biệt, ông Bình nói cử tri đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của lực lượng cảnh sát giao thông trong việc ra quân kiên quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông, làm tăng ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông đường bộ…
Cử tri cũng cho rằng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay đã và đang tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, nhiều vụ án về tham nhũng, tiêu cực mới được phát hiện.
Sự phối hợp đồng bộ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực ngày càng chặt chẽ, có hiệu quả.
Gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với công tác tổ chức, cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật của Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự. Đồng thời, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đem lại niềm tin cho nhân dân.
Bên cạnh đó, cử tri, nhân dân cũng đánh giá cao kết quả kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Những nội dung được Quốc hội quyết định tại kỳ họp này có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 và cả nhiệm kỳ, mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài.
Lo ngại việc nhiều lao động mất việc làm, đời sống nhân dân gặp khó khăn
Tuy nhiên, theo ông Bình, cử tri, nhân dân còn bày tỏ sự lo lắng về tình trạng động đất vẫn tiếp tục xảy ra tại Kon Tum; tình trạng sản xuất, mua bán và sử dụng pháo trái phép còn diễn ra trong dịp Tết Nguyên đán.
Tình hình trật tự an toàn giao thông cơ bản được đảm bảo nhưng vẫn còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông trong dịp Tết làm chết và bị thương nhiều người.
Cùng với đó, cũng lo ngại việc nhiều lao động mất việc làm, nhất là lao động trong các ngành gỗ, dệt may, da giày, linh kiện và sản phẩm điện tử do doanh nghiệp không có đơn hàng trong khi chi phí sinh hoạt tăng ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người lao động.
Tình hình kinh tế - xã hội, đời sống của người dân tiếp tục gặp khó khăn, sức mua trước, trong và sau Tết giảm so với các năm trước.
Cũng theo ông Bình, cử tri, nhân dân cũng phản ảnh hiện nay tình trạng thiếu vắc xin theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia miễn phí cho trẻ em dưới 5 tuổi.
Khi không có vắc xin, người dân phải tìm đến cơ sở tiêm chủng dịch vụ gây tốn kém về kinh tế, một số gia đình không có điều kiện thì phải chờ đợi, dẫn tới nguy cơ mắc một số bệnh truyền nhiễm.
Tình trạng các doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội vẫn còn xảy ra, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động…
Thời gian tới, Ban Dân nguyện kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Thủ tướng, Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục chủ động, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý nghiêm tình trạng doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội và giải pháp khắc phục tình trạng này.
Đồng thời, có giải pháp bảo đảm quyền lợi của người lao động khi chủ sử dụng lao động nợ đọng kéo dài, trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Chỉ đạo Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo đảm bảo vắc xin phân bổ về cho các địa phương để thực hiện tiêm chủng đảm bảo miễn dịch cho trẻ em, phòng chống một số bệnh truyền nhiễm.
Bộ Công an đang lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị về dự thảo báo cáo, giải trình một số nội dung mới trong dự Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong đó có việc đo nồng độ cồn đối với tài xế.