vĐồng tin tức tài chính 365

Việt Nam có thể là trung tâm sản xuất hydrogen xanh ở châu Á

2024-02-22 19:57

Theo Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen Việt Nam được Thủ tướng Phạm Minh Chính duyệt đầu tháng 2, hệ sinh thái năng lượng này phát triển dựa trên điện tái tạo, gồm sản xuất, lưu trữ, vận chuyển, phân phối, sử dụng trong nước và xuất khẩu. Hydrogen xanh được coi là "chìa khóa" giúp Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào 2050.

Tại hội nghị triển khai chiến lược này ngày 22/2, bà Huỳnh Thị Kim Quyên, Tổng giám đốc Tập đoàn The Green Solutions - đơn vị đầu tư dự án nhà máy hydro xanh đầu tiên ở Việt Nam - đánh giá năng lượng tái tạo (nắng, gió) cùng đường bờ biển dài là những lợi thế lớn của đất nước trong sản xuất hydrogen.

"Việt Nam có nhiều tiềm năng để sản xuất và có quyền mơ ước trở thành trung tâm sản xuất hydrogen xanh ở châu Á", bà nói.

Cùng đó, sản xuất loại nhiên liệu này cũng đem lại nguồn thu từ bán tín chỉ carbon. Chẳng hạn, với Nhà máy sản xuất hydro xanh Bến Tre công suất 24.000 tấn hydro mỗi năm, doanh thu ước tính từ bán tín chỉ carbon có thể lên tới 37 triệu USD, tương đương 1 tỷ USD cả vòng đời nhà máy. "Nguồn tiền này sẽ san sẻ phần chi phí đầu tư cao ban đầu", bà nói.

Dù vậy, CEO The Green Solutions cho rằng thách thức lớn đặt ra trong sản xuất loại hydrogen là giá thành cao, chi phí đầu tư lớn. Bởi vậy, để có nguồn lực làm dự án hydro xanh đầu tiên ở Việt Nam với vốn đầu tư 1,5 tỷ USD, doanh nghiệp phải tiếp cận khoản vay tài chính xanh của các tổ chức tài chính và ngân hàng quốc tế.

Huỳnh Thị Kim Quyên, Tổng giám đốc Tập đoàn The Green Solutions nêu ý kiến tại hội nghị về triển khai chiến lược năng lượng Hydrogen, ngày 22/2. Ảnh: Bộ Công Thương

Huỳnh Thị Kim Quyên, Tổng giám đốc Tập đoàn The Green Solutions nêu ý kiến tại hội nghị về triển khai chiến lược năng lượng Hydrogen, ngày 22/2. Ảnh: Bộ Công Thương

Hiện, giá thành sản xuất hydro xanh khoảng 2,5-6 USD một kg và hydro truyền thống là 1-2 USD một kg. Mức giá này cũng gây khó cho quá trình chuyển đổi của ngành điện.

Theo Quy hoạch điện VIII, các nhà máy nhiệt điện than phải chuyển dần sang sử dụng các nguồn nhiên liệu xanh, bền vững. Tới 2050, các nhà máy này sẽ không còn sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than) để phát điện, chuyển hoàn toàn sang sinh khối, amoniac.

Ông Ngô Sơn Hải, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho hay tập đoàn này đang xây dựng lộ trình và giải pháp chuyển đổi năng lượng. Trong đó, các nhà máy điện than thuộc EVN sẽ chuyển sang dùng nhiên liệu phối trộn hydrogen. Nhưng giá thành cao, nên đại diện EVN kiến nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ các dự án phát điện bằng hydrogen, để đảm bảo cạnh tranh với các nguồn điện khác chi phí thấp hơn.

Hơn nữa, đây là lĩnh vực mới đang được nghiên cứu, thí điểm phát triển, nên các doanh nghiệp, địa phương kiến nghị cơ quan quản lý xây dựng các hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp, tháo gỡ khó khăn về pháp lý.

Ông Vũ Hồng Dương, Phó giám đốc Sở Công Thương Trà Vinh đề cập tới dự án nhà máy sản xuất hydro của Green Solutions tại địa phương này. Ông cho biết tỉnh có chủ trương đầu tư, giao đất sạch cho chủ đầu tư nhưng nhiều thủ tục pháp lý chậm, nên dự án chưa thể triển khai.

Chẳng hạn, dự án này cần nguồn điện đầu vào 600 MW từ năng lượng gió và mặt trời. Năm 2023, chủ đầu tư xin nhà chức trách cơ chế điện "tự sản tự tiêu" với cam kết không đấu nối vào lưới khi đầu tư nguồn điện, song chính sách theo hình thức này chưa được ban hành.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị triển khai chiến lược năng lượng hydrogen, ngày 22/2. Ảnh: Bộ Công Thương

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị triển khai chiến lược năng lượng hydrogen, ngày 22/2. Ảnh: Bộ Công Thương

Hay một số dự án sản xuất hydro chưa thể triển khai do thiếu các quy định hướng dẫn. Do đó, mục tiêu đến 2030 sản xuất 100.000-500.000 tấn hydro, theo các địa phương, doanh nghiệp khó khả thi nếu các quy định không sớm ban hành.

Ông Nguyễn Văn Niệm, Phó giám đốc Sở Công Thương Bến Tre kiến nghị thí điểm một số dự án ở quy mô vừa phải tại vùng tiềm năng, trong lúc chờ hoàn thiện khung pháp lý, quy định.

Về phía cơ quan quản lý, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết bộ này sẽ tham mưu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành kế hoạch triển khai, nhằm thực hiện các mục tiêu, giải pháp phát triển hydrogen ở Việt Nam.

Ông nhắc tới vai trò của các tổ chức quốc tế trong chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực năng lượng mới này. Bởi, điều này sẽ giúp Việt Nam tiếp cận công nghệ, đào tạo nhân lực, hợp tác sản xuất để đưa giá thành hydrogen về mức hợp lý.

Lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị cùng bộ, ngành liên quan sửa và đưa ra các quy định phù hợp tình hình phát triển mới. Với những vướng mắc của các dự án hydrogen, ông Diên giao các cục, vụ theo dõi, tham mưu lãnh đạo bộ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.

Phương Dung

Xem thêm: lmth.7824174-a-uahc-o-hnax-negordyh-taux-nas-mat-gnurt-al-eht-oc-man-teiv/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Việt Nam có thể là trung tâm sản xuất hydrogen xanh ở châu Á”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools